“Đi tìm thung lũng Mig”: Cuốn sách tôn vinh những phi công anh hùng của Không quân Việt Nam

(Banker.vn) Cuốn “Đi tìm thung lũng Mig” ngày 9/9/2023 ra mắt bạn đọc cả nước để tri ân và tôn vinh những phi công anh hùng của Không quân Việt Nam.
Khẳng định hợp tác quân chủng, không quân Việt Nam - Hoa KỳGặp lại những “cánh én bạc” chiến đấu cho bầu trời xanh của Tổ quốc

“Đi tìm thung lũng Mig” theo tâm sự của tác giả Phạm Phú Thái, được viết theo gợi ý của huyền thoại của Không quân Việt Nam - phi công MiG-17 - Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bảy (1936 - 2019).

Trung tướng - Anh hùng Phạm Phú Thái sinh năm 1949, quê tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình... Ông là phi công lái máy bay MiG-21 đã trực tiếp không chiến và bắn hạ 4 máy bay của không lực Hoa Kỳ.

Sau khi nghỉ hưu, Trung tướng Phạm Phú Thái chuyển sang cầm bút viết sách như một sự trả nghĩa, tri ân đồng đội. Ông là tác giả 2 cuốn hồi ký Lính bay 1, Lính bay 2... thu hút sự chú ý của bạn đọc về những phi công Việt Nam anh hùng.

Đây là mảng nội dung hấp dẫn, chứa đựng nhiều điều mà bạn đọc muốn tìm hiểu nhưng do nhiều lý do còn ít được viết thành sách, dựng thành phim song xứng đáng có được chỗ đứng trong lòng đông đảo bạn đọc công chúng cả nước. Nhất là những tư liệu do chính người trong cuộc viết ra.

“Đi tìm thung lũng Mig”: Cuốn sách tôn vinh những phi công anh hùng của Không quân Việt Nam
Tác giả - Trung tướng Phạm Phú Thái giao lưu với bạn đọc

Tác giả đã dành nhiều thời gian và công sức sưu tầm, ghi chép, thẩm định và đối chiếu nhiều nguồn tư liệu lịch sử khác nhau để tri ân những chiến công của gần in 100 liệt sỹ - phi công Không quân nhân dân Việt Nam đã trực tiếp tham gia không chiến với Không quân và Không quân Hải quân Mỹ trong 3 năm từ 1965 - 1967.

Đó là những anh hùng phi công Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Đào Đình Luyện, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Văn Bảy, Đinh Tôn,...; là những anh hùng không quân đã hy sinh Đồng Văn Đe, Bùi Đình Kình, Trần Ngọc Xíu, Lê Văn Phong, Hà Đình Bôn, Trần Minh Phương, Trần Thiện Lương, Nguyễn Văn Phi, Phan Thanh Tài,...

“Đi tìm thung lũng Mig” được viết theo thể tài mang dáng dấp hồi ký với những nhân vật là phi công của Không quân Việt Nam cho bạn đọc biết tới “Hẻm núi Thần Sấm” (Thud Ridge), một địa điểm đầu phía đông dãy núi Yên Tử vẫn thường được các cựu phi công Mỹ nhắc tới (đây cũng là tên cuốn sách của Đại tá Jack Broughton - cựu Phó chỉ huy Không đoàn 355 TFW - người đã tham gia và chỉ huy hàng trăm lần máy bay F-105 đánh phá miền Bắc Việt Nam, một trong 12 cuốn sách bắt buộc phải đọc với phi công Mỹ).

Bên cạnh đó, các cựu phi công Mỹ còn thường xuyên nhắc tới “Cánh đồng MiG” (MiG Airfield), “Thung lũng sông Hồng” (Red River Valley) với những trận đánh khốc liệt giữa phi công hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đó là địa danh đã diễn ra những trận không chiến ác liệt giữa không quân Việt Nam trên những chiếc Mig-17 cổ lỗ với không quân Hoa Kỳ hiện đại: F-105 (Thần sấm), F-4 (Con ma)...

Không chỉ viết về những tấm gương anh dũng, tài trí của không quân, “Đi tìm thung lũng Mig” còn ghi nhận chiến công của các binh chủng hợp thành trong cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam như những người dẫn đường tài năng như Nguyễn Văn Chuyên, Trần Quang Kính, Đào Ngọc Ngư, Lê Thiết Hùng, Phạm Minh Cậy... ở Binh chủng Không quân và Binh chủng ra-đa...

Trong “Đi tìm thung lũng Mig”, bạn đọc cũng sẽ được biết tới những trận đánh học hỏi kinh nghiệm đầy khốc liệt và can trường, quả cảm của những phi công Triều Tiên (bí danh Bạn Z) khi cùng phi công Việt Nam không chiến với không quân Mỹ. Hiện nay, một nghĩa trang phi công Triều Tiên vẫn hiện diện tại thôn Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, minh chứng cho tình hữu nghị của hai quốc gia.

“Đi tìm thung lũng Mig”: Cuốn sách tôn vinh những phi công anh hùng của Không quân Việt Nam
Cuốn sách "Đi tìm thung lũng Mig"

Không chỉ ôn lại quá khứ, tác giả Phạm Phú Thái còn hướng về mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp hiện nay và tương lai của hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Sau 3 cuộc gặp gỡ lịch sử giữa những “kẻ thù trên không cũ” của Cựu chiến binh - Phi công vào các năm 2016, 2017 và 2018... hai phía hiểu nhau hơn.

Tâm lý của hai bên dần thay đổi từ căng thẳng, nghi kỵ đến chấp nhận sự khác biệt trong đánh giá kết quả tác chiến giữa “Không quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng không quân Hoa Kỳ”.

Cựu chiến binh - Phi công hai bên là cầu nối tạo điều kiện cho thế hệ tiếp sau được thụ hưởng cuộc sống hòa bình theo đường lối ngoại giao cùng “Gác lại quá khứ để hướng tới tương lai” trên tinh thần “vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng”.

Tác giả Phạm Phú Thái là thành viên tham gia trong tổ cựu chiến binh, nhân sỹ trí thức tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ (từ ngày 5 đến ngày 11/7/2015) theo lời mời của Tổng thống Barack Obama. Sau cuộc gặp lịch sử này, nhiều hoạt động của các ngành kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, giáo dục... đã có chuyển biến mạnh mẽ.

Được biết tác giả Phạm Phú Thái sẽ sớm công bố hồi ký Lính bay 3 đang được đông đảo bạn đọc đón đợi.

Quang Lộc

Theo: Báo Công Thương