ĐHĐCĐ Ngân hàng Bản Việt 2021: Đẩy mạnh bán lẻ, linh hoạt xây dựng khẩu vị rủi ro trong bối cảnh "Bình thường mới"

(Banker.vn) Ngày 29/4/2021, Ngân hàng Bản Việt đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) với nhiều nội dung quan trọng được đệ trình và thông qua như: báo cáo kết quả hoạt động 2020, kế hoạch kinh doanh 2021, các tờ trình, phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ,…..

Năm 2020: Bám sát định hướng “tăng trưởng với quan điểm thận trọng”, Ngân hàng Bản Việt ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Năm 2020 xảy ra nhiều biến động vì đại dịch COVID-19, Ngân hàng Bản Việt cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ trong quý 1, quý 2/2020. Tuy nhiên, với các chính sách kịp thời từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cùng với các biện pháp ứng phó linh hoạt, kịp thời Ngân hàng Bản Việt đã bước đầu vượt qua các khó khăn và hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản ngân hàng tăng 18% so với 2019; huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 47 ngàn tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng hơn 40 ngàn tỷ đồng, tăng lần lượt là 24% và hơn 16% so với 2019. Hoạt động bán lẻ tiếp tục duy trì sự tăng trưởng với doanh thu ngoài lãi chiếm 22% tổng doanh thu, tăng hơn 59% so với 2019, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng hơn 57%. Tổng số lượng khách hàng cũng tăng hơn 50% nhờ vào việc phát triển lĩnh vực ngân hàng số và các tiện ích.

Năm 2020, lợi nhuận của ngân hàng đạt 201 tỷ đồng, hoàn thành đúng kế hoạch được thông qua tại đại hội cổ đông 2020. Đóng góp chính vào việc hoàn thành lợi nhuận đến từ sự tăng trưởng về quy mô tài sản và tăng trưởng quy mô tín dụng, thu nhập từ xử lý nợ và quản lý chặt chẽ chi phí hoạt động của ngân hàng.

Trong quản trị rủi ro, Ngân hàng Bản Việt tiếp tục được ghi nhận nỗ lực của mình khi là một trong các ngân hàng đầu tiên hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II, xử lý sạch nợ xấu tại VAMC. Điều này cũng thể hiện cam kết của ngân hàng trong việc hướng đến các chuẩn mực tiên tiến trong quản trị rủi ro để đảm bảo sự tăng trưởng - hiệu quả - bền vững.

Về hoạt động ngân hàng số, Ngân hàng Bản Việt cũng được đánh giá là một trong các ngân hàng chuyển đổi số hiệu quả với những tiện ích tiên phong được đưa đến khách hàng. Kết quả số lượng khách hàng đăng ký mới qua kênh ngân hàng điện tử tăng gấp 3 lần, giá trị giao dịch và số lượng giao dịch tăng lần lượt gấp 4 và 8 lần, tổng thu nhập hoạt động qua kênh ngân hàng điện tử tăng gấp 10 lần. Ngân hàng cũng được tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG và Hiệp hội ngân hàng Việt Nam bình chọn là “Ngân hàng có sản phẩm, dịch vụ sáng tạo tiêu biểu 2020”.

Năm 2021: Tiếp tục linh hoạt xây dựng khẩu vị rủi ro trong bối cảnh “bình thường mới”, đảm bảo sự tăng trưởng bán lẻ đúng mục tiêu đặt ra.

Đón đầu sự phục hồi kinh tế trong bối cảnh bình thường mới, Hội đồng quản trị và Ban điều hành đã trình thông qua tại ĐHĐCĐ phương án kinh doanh 2021, trong đó tập trung:

(i) Linh hoạt xây dựng khẩu vị rủi ro để tiếp tục đồng hành cùng khách hàng và giữ vững sự tăng trưởng quy mô tín dụng,

(ii) tạo đột phá trong kinh doanh bán lẻ,

(iii) đẩy mạnh kinh doanh số để trở thành ngân hàng có chỉ số sinh lời hiệu quả và mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Tại đại hội, các cổ đông đã đồng thuận cao với kế hoạch mục tiêu: Tổng tài sản đạt 80.000 tỷ đồng, tăng 31%; huy động vốn đạt 58.500 tỷ đồng, tăng 25%; dư nợ cấp tín dụng đạt 48.000 tỷ đồng, tăng 20%((tốc độ tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào sự chấp thuận của NHNN); lợi nhuận trước thuế đạt 290 tỷ đồng, tăng 45%.

Năm 2021, Ngân hàng Bản Việt cũng đã được Ngân hàng Nhà Nước chấp thuận mở mới thêm 4 Chi nhánh và 19 Phòng giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch của ngân hàng lên 110 điểm trên tổng số 30 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Việc được chấp thuận gia tăng điểm giao dịch trong năm 2021 này cũng cho thấy được sự tăng trưởng về quy mô tổng tài sản và tiềm lực phát triển của Bản Việt trong tương lai.

ĐHĐCĐ cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ tối đa 1.052 tỷ đồng trong năm 2021 và năm 2022 nhằm gia tăng tiềm lực tài chính và phục vụ cho chiến lược phát triển trung và dài hạn của ngân hàng.

Giai đoạn 1 dự kiến sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 4.221 tỷ đồng, từ phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 15%.

Giai đoạn 2 ngân hàng tiếp tục tăng vốn điều lệ tối đa 501 tỷ đồng theo 02 phương thức: (i) tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu ra công chúng (phát hành cho cổ đông hiện hữu); (ii) tăng vốn điều lệ theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong ngân hàng (ESOP).

Những thay đổi tích cực của Ngân hàng Bản Việt trong thời gian gần đây, đặc biệt số lượng cổ đông tăng mạnh kể từ khi gia nhập trên sàn chứng khoán UpCom tháng 7/2020, cho thấy những nỗ lực của Ngân hàng Bản Việt đã được cổ đông, khách hàng ghi nhận và tin tưởng. Đây cũng là động lực để Ngân hàng Bản Việt tiếp tục tập trung nguồn lực, tăng tốc trong giai đoạn mới.

T.H

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục