ĐHCĐ Gilimex: Chủ tịch Lê Hùng vắng mặt, gấp rút giải quyết vụ kiện Amazon trong năm nay

(Banker.vn) ĐHĐCĐ Gilimex đã thông qua kế hoạch kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 103,5 tỷ đồng và trả cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền mặt.

Ngày 28/4, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Năm nay, Chủ tịch HĐQT Lê Hùng tiếp tục không tham gia ĐHĐCĐ thường niên. Ông Lê Hùng ủy quyền cho ông Nguyễn Việt Cường, thành viên HĐQT sẽ thay thế ông Lê Hùng làm Chủ tọa Đại hội.

Gilimex đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 103,5 tỷ đồng, giảm 77,4%

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 103,5 tỷ đồng, giảm 77,4% so với lợi nhuận đạt được trong năm 2022 là 458,9 tỷ đồng.

Về cổ tức, năm 2022, Gilimex thông qua trả cổ tức tỷ lệ 15% bằng tiền mặt, tương đương khoảng tổng 105 tỷ đồng (kế hoạch đầu năm cổ tức từ 15% đến 30%). Năm 2023, Gilimex dự kiến cổ tức từ 5 - 10% vốn điều lệ.

Công ty tiến hành bầu lại thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 5 người, đó là ông Nguyễn Việt Cường (sinh năm 1976), ông Nguyễn Hữu Phúc (sinh năm 1973), ông Lê Hùng (sinh năm 1974), ông Nguyễn Quốc Khánh (sinh năm 1964) và ông Trần Thanh Tùng (sinh năm 1980).

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Gilimex đã thông qua tất cả các tờ trình.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Gilimex đã thông qua tất cả các tờ trình.

Dự kiến vay ngân hàng 1.500 tỷ đồng để tài trợ vốn hoạt động

Chia sẻ về định hướng kinh doanh, Gilimex dự báo năm 2023 sẽ có nhiều khách hàng lớn tiềm năng trên thế giới thay thế, bổ sung đơn hàng cho các khách hàng hiện hữu và phát triển đầy công suất cho công ty. Mặc khác, Công ty đã chủ động có kế hoạch ứng phó với tình hình hiện tại đồng thời xây dựng kế hoạch đáp ứng nhanh nhất trong tình hình mới khi kinh tế thế giới bắt đầu hồi phục.

Trọng tâm là mở rộng tìm kiếm khách hàng lớn; tìm kiếm các cơ hội M&A trong ngành để phát triển công suất, đầu tư chủ động nguồn nguyên phụ liệu trong thời gian nhanh nhất với giá trị đầu tư hợp lý; phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex tại Huế, đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề đã được phê duyệt trong đánh giá tác động môi trường trong dự án; phát triển Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long với quy mô 400 ha…

Về kế hoạch đầu tư, trong năm 2023, Công ty dự kiến dùng 800 đến 1.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; và vay ngân hàng 1.500 tỷ đồng để tài trợ vốn hoạt động.

Đối với dự án Khu công nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế với quy mô 460,85 ha (tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng), tính tới cuối năm 2022, dự án đã đền bù và bàn giao mặt bằng đạt 88,5% và dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng hạ tầng vào đầu quý II/2023.

Mục tiêu năm 2023, dự án sẽ hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong quý II/2023; hoàn thành công tác thi công xây dựng, đưa phân khu A đi vào vận hành vào quý IV/2023; và hoàn thành 100% công tác thi công xây dựng đối với phân kỳ 1 - phân kỳ B và đưa vào vận hành trong quý IV/2023.

Về dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long (quy mô 400ha). Công ty cho biết dự kiến sẽ thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật từ quý III/2023.

Mục tiêu giải quyết dứt điểm vụ kiện Amazon trong năm 2023

Trả lời thắc mắc của cổ đông về vụ kiện Amazon, ông Nguyễn Việt Cường, Thành viên HĐQT cho biết Chủ tịch Lê Hùng đang theo trực tiếp, Công ty phải chia người làm việc. Vụ kiện theo quy trình, nộp đơn lên tòa, quyết định tòa án có xử hay không, quá trình này điều tra rất lâu và hiện tại tòa đã thụ lý hồ sơ. Công ty đã qua bước thụ lý, đây là bước quan trọng. Mục tiêu, giải quyết dứt điểm trong năm 2023.

Được biết, cuối năm 2022, Amazon phải đối mặt với vụ kiện 280 triệu USD từ Gilimex với cáo buộc Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng sau khi tăng trưởng chi tiêu trực tuyến hạ nhiệt trong năm nay, khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Gilimex là đối tác chính của Amazon từ năm 2014 đến năm 2022 và đã đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ vào các cơ sở sản xuất, để xây dựng các kho chứa bằng thép và vải dùng để sắp xếp hàng tồn kho trong kho của Amazon. Hàng hóa trong kho được di chuyển bởi robot, giúp tăng tốc độ thực hiện các đơn đặt hàng trực tuyến và cũng để công nhân không phải chạy bộ quanh các cơ sở rộng lớn.

Giải đáp về việc tồn kho đối với khách hàng Amazon, ông Nguyễn Việt Cường cho biết, mức tồn kho 800 tỷ đồng liên quan Amazon, chủ yếu là thành phẩm, đặc biệt nhiều hàng chỉ dùng cho khách hàng Amazon. Công ty đặt mục tiêu xử lý dứt điểm, dự kiến 31/12/2023 sẽ không còn mục này.

Ông Cường cũng nhấn mạnh, hiện Công ty chưa trích lập dự phòng vì chưa có cơ sở, việc trích lập chỉ được thực hiện khi có kết luận của toà án.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch 28/4 cổ phiếu đứng mở mức 23.400 đồng/cp.

Gilimex (GIL): Lợi nhuận quý III tăng mạnh nhờ thoái vốn công ty liên kết

Bất chấp hoạt động kinh doanh chính khá "nghèo nàn", Gilimex vẫn công bố lợi nhuận quý III tăng trưởng tốt, nhờ vào nguồn thu ...

Gilimex (GIL) xuất hiện cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu chỉ sau Chủ tịch HĐQT

Phiên sáng 13/12, cổ phiếu GIL đang được giao dịch quanh mức 27.050 đồng/cp, tăng 68% so với đáy 16.700 đồng/cổ phiếu ( phiên giao ...

Vụ Gilimex kiện Amazon: Không ít lần 'chiến thắng' nghiêng về doanh nghiệp Việt

Vụ kiện trị giá 280 triệu USD giữa doanh nghiệp dệt may Việt Nam - Gilimex và "gã khổng lồ" Amazon đang gây xôn xao ...

Phúc Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán