Dệt may Hòa Thọ (HTG) lĩnh án phạt nặng từ Cục Thuế TP. Đà Nẵng

(Banker.vn) Là doanh nghiệp nòng cốt thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Dệt may Hòa Thọ (HTG) vừa bị Cục Thuế Đà Nẵng xử phạt do khai sai thuế thu nhập doanh nghiệp.

Mới đây, Cục Thuế TP. Đà Nẵng có Quyết định số 1626/QĐ-CTDAN xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (HoSE: HTG) có trụ sở chính tại 36-38 Ông Ích Đường, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng. Chi tiết, với hành vi khai thiếu hơn 1,54 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2022, Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ bị xử phạt hơn 309,5 triệu đồng.

Bên cạnh số tiền bị xử phạt, Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ cũng buộc phải nộp số tiền chậm nộp hơn 141,6 triệu đồng đối với khoản thuế khai thiếu. Như vậy, tổng số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp mà Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ phải nộp ngân sách theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước là hơn 1,99 tỷ đồng.

Cũng theo Cục Thuế Đà Nẵng, đến này 11/3/2024, doanh nghiệp dệt may chưa nộp số tiền phạt hơn 309,5 triệu đồng nói trên.

Dệt may Hòa Thọ (HTG) nhận án phạt vi phạm về thuế từ Cục Thuế TP.Đà Nẵng
Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ (HoSE: HTG).

Về Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ, đây là một trong những đơn vị tiên phong của Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Ngày 9/11/2023, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ đã chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh với hơn hơn 36 triệu cổ phiếu HTG.

Phát biểu tại sự kiện niêm yết của HTG, ông Nguyễn Đức Trị - Phó Tổng giám đốc Vinatex, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ nhấn mạnh: Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ được thành lập từ năm 1962, tiền thân có tên là Nhà máy Dệt Hoà Thọ (SICOVINA) thuộc Công ty Kỹ nghệ Bông vải Việt Nam. Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Dệt May Hòa Thọ ngày càng lớn mạnh và trở thành một trong những đơn vị nòng cốt của Tập đoàn Dệt May Việt Nam tại khu vực miền Trung với hơn 11.000 lao động, 19 Công ty, Nhà máy thành viên đóng trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

Kể từ lần đầu tiên đấu giá thành công cổ phần ra công chúng với vốn điều lệ ban đầu là 45 tỷ đồng vào năm 2006, qua 9 lần tăng vốn bằng nhiều hình thức như phát hành cổ phiếu ra công chúng, phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động ESOP, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chia cổ tức bằng cổ phiếu, đến nay, vốn điều lệ của Tổng Công ty đã tăng lên hơn 360 tỷ đồng tương đương với hơn 36 triệu cổ phiếu được lưu hành.

Sau hơn 6 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên sàn UpCom, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ đã trở thành thành viên chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng tại sự kiện niêm yết cổ phiếu của Dệt May Hòa Thọ, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường bày tỏ mong muốn với sự quan tâm hỗ trợ của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh; sự chỉ đạo sâu sát của Tập đoàn Dệt May Việt Nam; sự chia sẻ, hợp tác của các đối tác, khách hàng; sự tin tưởng của cổ đông; sự đoàn kết, đồng lòng của Ban lãnh đạo và tập thể người lao động, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ sẽ có đủ sức mạnh và nghị lực để tiếp tục xây dựng phát triển Tổng Công ty, để cổ phiếu của Hòa Thọ có vị thế ngày càng tốt hơn trên thị trường chứng khoán.

Triển vọng ngành dệt may khởi sắc trở lại

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đã có tín hiệu tốt, xuất khẩu tại nhiều thị trường chủ lực đã lấy lại tăng trưởng, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam phải đối diện với khó khăn chưa từng có trong tiền lệ khi lượng đơn hàng giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm hơn 10% so với năm 2022.

Tuy vậy, kết quả sản xuất-kinh doanh trong 2 tháng đầu năm cho thấy nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý 2, báo hiệu những cơ hội khả quan về phục hồi tiêu dùng đối với ngành may mặc trong năm 2024.

Với mức tăng trưởng 15% trong 2 tháng đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng tín hiệu thị trường xuất khẩu của ngành dệt may đã có sự khởi sắc so với năm 2023, đặc biệt, đồng loạt các nhà máy đã mở máy khai Xuân đầu năm với tỷ lệ khá cao người lao động quay trở lại làm việc, tạo tiền đề tốt để ngành dệt may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay, tăng 9% so với năm 2023.

Song trước các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý các doanh nghiệp tăng cường phát triển theo chiều sâu, chủ động tìm kiếm, tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

Cho rằng mục tiêu đặt ra đến năm 2030, xuất khẩu tiếp tục là động lực chính, quan trọng cho phát triển và tăng trưởng ngành dệt may, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và phát triển tối đa thị trường nội địa; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thời trang dệt may Việt Nam; Phát triển ngành Dệt May gắn với bảo vệ môi trường sinh thái… bà Phan Thị Thắng đề nghị các doanh nghiệp tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn; đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, áp dụng Chuyển đổi Số; quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất Xanh sạch, thân thiện môi trường,…

Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), dự kiến tổng cầu dệt may thế giới trong năm 2024 ở mức 715 tỷ USD, tăng nhẹ so với 2023 nhưng vẫn thấp hơn năm 2022.

Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 của tập đoàn là kiên định thực hiện một cách tốt nhất những giải pháp đã đề ra và tiếp tục theo dõi, dự báo tình hình để ứng phó linh hoạt. Trong mọi trường hợp, khi xác định khó khăn kéo dài, các giải pháp thông thường không hiệu quả cần nghĩ đến bài toán tái cơ cấu. Rà soát soát lại mô hình tổ chức, tối ưu hóa bộ máy, giảm tối đa tỷ lệ lao động gián tiếp, đồng thời tập trung vào công tác thị trường.

“Cầu dệt may giảm chắc chắn dẫn đến cạnh tranh cao trong việc giành đơn hàng, công tác thị trường là yếu tố quan trọng hàng đầu. Các đơn vị cần củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, xây dựng chiến lược bài bản trong việc xác định phân khúc sản phẩm, phát triển thị trường và khách hàng mới,” ông Cao Hữu Hiếu nói.

Lợi nhuận ròng của VRE có thể vượt 4.000 tỷ đồng trong năm 2024

Tính tới hiện tại, VRE được đánh giá còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, lợi nhuận ròng của doanh nghiệp có thể vượt 4.000 tỷ ...

Kết quả kinh doanh của CNG Việt Nam dự báo sẽ tăng tốc, quỹ đầu tư America LLC liên tiếp bán ra lượng lớn cổ phiếu CNG

Trong 2 ngày từ 6-7/3, cổ phiếu CNG đóng cửa lần lượt trong vùng 30.500 - 31.600 đồng/cp, ước tính America LCC có thể thu ...

Đà tăng tiếp nối, VN-Index trở lại mốc 1.258 điểm

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường chứng khoán tiếp tục tăng điểm với thanh khoản tương đối cao.

Đức Huy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục