Đến nửa đầu tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 587,68 tỷ USD

(Banker.vn) Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 587,68 tỷ USD; hóa xuất siêu 24,44 tỷ USD.
Tháng 10/2023, xuất nhập khẩu hàng hoá tăng 5,6% Xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục khởi sắc

Xuất nhập khẩu gần chạm mốc 600 tỷ USD

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/11 cho thấy, trong kỳ 1 tháng 11 năm 2023 (từ ngày 01/11 đến hết ngày 15/11/2023), tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 29,42 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 587,68 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 6,4%; nhập khẩu giảm 11,7%; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,44 tỷ USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa kỳ 1 tháng 11 năm 2023 sơ bộ đạt 14,65 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 306,06 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,1%).

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa kỳ 1 tháng 11 năm 2023 sơ bộ đạt 14,77 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 281,62 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023 có 43 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,6%).

Cán cân thương mại hàng hóa tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2023 xuất siêu 24,44 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,1 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,05 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 43,49 tỷ USD.

Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu của năm nay chỉ là 4-5%
Xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu khởi sắc

Xuất khẩu hàng hoá càng về cuối năm càng có dấu hiệu khởi sắc ở nhiều mặt hàng. Đơn cử, 15 ngày đầu tháng 11, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,42 tỷ USD.

Kết quả trên giúp kim ngạch nhóm hàng này tính từ đầu năm đến 15/11 đạt 48,94 tỷ USD, tăng khoảng 600 triệu USD so với cùng kỳ 2022 (tương đương tăng 1,22%).

Dù mức tăng còn ít, nhưng đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh không chỉ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện mà nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tăng trưởng âm suốt thời gian dài của năm 2023.

Hoặc đối với mặt hàng dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt trên 33 tỷ USD, cả năm nay đạt khoảng hơn 40 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022. Đây là con số khả quan nếu so sánh với mức suy giảm hai con số ở những tháng trước.

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt. Một số mặt hàng xuất khẩu như: đồ bảo hộ lao động, bộ comple, quần áo y tế, quần jeans tăng nhanh.

“Đáng chú ý, năm nay, điểm nhấn nổi bật của ngành dệt may là sự bứt phá, đa dạng hóa về thị trường xuất khẩu, sản phẩm cũng như khách hàng. Chưa năm nào Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang nhiều thị trường như năm nay, tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ” – ông Vũ Đức Giang chia sẻ.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam, tính đến hết 9 tháng xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 11 tỷ USD, tiếp đến là Nhật bản 3 tỷ USD, Hàn Quốc 2,43 tỷ USD, EU gần 2,9 tỷ USD, Canada khoảng 850 triệu USD, Trung Quốc khoảng 830 triệu USD…

Hoặc mặt hàng gạo vẫn là điểm sáng trong nhóm nông sản, nửa đầu tháng này (1-15/11), cả nước xuất khẩu 332.214 tấn gạo, kim ngạch đạt 219 triệu USD.

Xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu tích cực ngay từ những tháng đầu năm
Xuất khẩu gạo là điểm sáng

Tính chung từ đầu năm đến 15/11, cả nước xuất khẩu 7,37 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 4,15 tỷ USD. Con số này đã vượt kết quả xuất khẩu gạo của cả năm 2022 (cả năm 2022 đạt 7,1 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,45 tỷ USD).

Từ nay đến cuối năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết do các quốc gia như Philippines, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu lớn, trong khi đó quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn kéo dài lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng đến năm 2024. Đây là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu gạo khác.

Với những tín hiệu tích cực gần đây, xuất khẩu gạo trong năm 2023 nhiều khả năng đạt và vượt con số 7,5-8 triệu tấn, kim ngạch 4,5 tỷ USD.

Kỳ vọng vào cuối năm và năm 2024

Theo Bộ Công Thương, một trong những điểm tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua là kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu tiếp tục tăng. Trong đó, nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước. Hàng hoá nhập khẩu tập trung vào các mặt hàng như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; vải các loại; thép các loại; xăng dầu các loại...

Bộ Công Thương cũng lưu ý, hiện nay, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam bởi các thị trường xuất khẩu lớn, trong đó có EU luôn yêu cầu cao và chặt chẽ về các tiêu chuẩn môi trường.

Vì thế, với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bên cạnh việc quan tâm đến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ cần nguồn lực lớn về tài chính, nhân sự mà phải có kinh nghiệm và kỹ năng để ứng dụng thành công, đáp ứng theo đúng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Về các mặt hàng chủ lực, năm 2024, dự báo kinh tế thế giới còn nhiều biến động, thách thức với doanh nghiệp dệt may chưa dừng lại khi ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may…

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những ưu thế so với các quốc gia cạnh tranh. Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (trong đó: 16 FTA đã ký kết và thực thi; 3 FTA đang trong quá trình đàm phán) và là quốc gia duy nhất ký kết hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Anh, Nga.

Theo ông Vũ Đức Giang, từ quý 4, nhiều khách hàng lớn đã quay trở lại với ngành dệt may Việt Nam sau quá trình khó khăn. Đó là tín hiệu tốt tạo đà cho năm 2024. Trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, Vitas đặt mục tiêu toàn ngành năm 2024 đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD.

Lan Phương

Theo: Báo Công Thương