Đến năm 2030, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP

(Banker.vn) Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tập trung phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững
Phát triển ngành công nghiệp văn hoá đã trở thành khát vọng, mong muốn của cả đất nước Gỡ “nút thắt” để công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển Công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng

Sáng 6/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Giá vé máy bay tăng cao làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Trước đó, chiều 5/6 chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn Ninh Bình, tại Việt Nam, dù phát triển công nghiệp văn hóa còn khá mới mẻ nhưng các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã ít nhiều tạo nên hiệu ứng du lịch rõ ràng.

Đại biểu cho rằng, phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch và ở chiều ngược lại, ngành du lịch văn hóa không chỉ là bộ phận cấu thành của ngành công nghiệp văn hóa mà còn là cơ sở tạo ra nguồn lực giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, cần thực hiện những giải pháp gì để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch?

Trả lời câu hỏi trên, sáng 6/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1755/QĐ-TTg đã xác định Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa.

Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa, giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp chỉ đạo và quản lý nhà nước có 5 ngành đó là: Ngành quảng cáo; ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; ngành điện ảnh; ngành nghệ thuật biểu diễn; ngành du lịch văn hóa. Còn các ngành khác thuộc chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành khác nhau.

Vì vậy, du lịch văn hóa đã được xác định là ngành công nghiệp văn hóa. Thời gian qua, sau khi thực hiện Quyết định 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng, Bộ đã tổng kết và tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về phát triển công nghiệp văn hóa dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị rất thành công. Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đã kết luận, đưa ra quan điểm: Tư duy phải sắc bén, hành động phải sắc sảo, lựa chọn phải tinh hoa để đột phá phát triển.

Với tinh thần đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp cận và tham mưu Thủ tướng sớm ban hành chỉ thị và hiện chỉ thị cơ bản lấy xong ý kiến các bộ, ngành và địa phương, với tinh thần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh và bền vững.

Giá vé máy bay tăng cao làm giảm tính cạnh tranh của các tour du lịch
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

Bộ trưởng khẳng định, đi theo hướng này, chắc chắn công nghiệp văn hóa sẽ có đóng góp vào trong GDP. Trong dự kiến chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, chúng tôi cũng nhấn mạnh về công nghiệp văn hóa này, để hy vọng đến năm 2030, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của doanh nghiệp và đội ngũ văn nghệ sỹ, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP như mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu này, các giải pháp cần được tiến hành đồng bộ, trong đó du lịch văn hóa được coi là một trong những sản phẩm chiếm tỷ trọng đóng góp nhiều hơn.

"Hiện nay, du lịch văn hóa đóng góp 10-15% trong tổng số doanh thu từ hoạt động du lịch - đúng là cũng chưa tương xứng, nhưng để làm ra từng sản phẩm công nghiệp văn hóa không phải địa phương nào cũng làm được mà còn đòi hỏi về tính sáng tạo, tính nghệ thuật trong đó" - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng dẫn ví dụ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám trước đây chủ yếu là học sinh đến vào mùa thi cử nhưng Hà Nội đã thổi hồn vào đó tinh hoa đạo học, theo đó thu hút được rất nhiều khách và về đêm sáng đèn. Như vậy, trở thành sản phẩm du lịch đêm nhưng dựa trên tài nguyên văn hóa này...

Thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa, tiếp tục tập trung đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa, nếu không đào tạo sẽ không thành công. Quốc gia nào cũng như vậy.

"Hàn Quốc là một trong các quốc gia đi đầu trong công nghiệp văn hóa, để có được sản phẩm văn hóa hôm nay, trước đó Bộ trưởng của họ trao đổi với chúng tôi rằng, Chính phủ Hàn Quốc đã cử hàng ngàn sinh viên đi đào tạo từ cách đây 40-50 năm về trước và sau này họ trở thành lực lượng chuyên gia. Trong hợp tác, chúng tôi cũng mong nhận được kinh nghiệm này" - Bộ trưởng chia sẻ thêm.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương