Đến cuối năm 2023, Việt Nam nợ nước ngoài 3,8 triệu tỷ đồng

(Banker.vn) Theo báo cáo sơ kết giai đoạn 2021-2023 của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2023, nợ Chính phủ khoảng 3,7 triệu tỷ đồng, tương đương 36-37% GDP, trong đó nợ trong nước chiếm 73% dư nợ Chính phủ. Nợ nước ngoài là 3,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 37- 38% GDP.
no-nuoc-ngoai.jpeg
Đến cuối năm 2023, nợ nước ngoài của Việt Nam khoảng 3,8 triệu tỷ đồng, khoảng 37- 38% GDP, tương đương với mức 38,1% GDP năm 2021 (ảnh minh họa)

Báo cáo thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và tình hình vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 gửi tới Quốc hội, Bộ Tài chính nhận định giai đoạn 2021 – 2023, công tác huy động, trả nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công, hạn mức vay và bảo lãnh Chính phủ, vay nợ chính quyền địa phương đều thực hiện đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội.

Tổng mức vay của Chính phủ khoảng 1,317 triệu tỷ đồng (đạt 42,9% kế hoạch), trong đó vay của ngân sách trung ương khoảng 1,279 triệu tỷ đồng (đạt 44,1% kế hoạch). Vay của Chính phủ chủ yếu huy động với kỳ hạn dài (kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ giai đoạn 2021-2023 từ 12,6-13,92 năm, đảm bảo mục tiêu 9-11 năm); lãi suất ưu đãi và tập trung vào vốn vay trong nước.

Trả nợ thực hiện theo đúng cam kết, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 906,7 nghìn tỷ đồng (đạt 53,3% kế hoạch).

Theo báo cáo, đến cuối năm 2023, nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn. Cụ thể, nợ công khoảng 4 triệu tỷ đồng, khoảng 39-40% GDP, giảm từ mức 42,7% GDP năm 2021.

Nợ Chính phủ khoảng 3,7 triệu tỷ đồng, khoảng 36-37% GDP, giảm từ mức 38,7% GDP năm 2021. Về cơ cấu nợ của Chính phủ, đến cuối 2023, nợ trong nước chiếm 73% dư nợ Chính phủ, tăng từ mức 67% năm 2021.

Nợ nước ngoài của Việt Nam khoảng 3,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 37- 38% GDP, tương đương với mức 38,1% GDP năm 2021. Trong cơ cấu dư nợ nước ngoài của quốc gia, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng từ mức 61,4% năm 2021 lên 70,7% năm 2023, nợ Chính phủ và Chính phủ bảo lãnh vay nước ngoài giảm từ mức 38,6% năm 2021 xuống 29,3% năm 2023.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ đối với các khoản cho vay lại)/Tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20-21%, giảm nhẹ so với mức 21,5% năm 2021.

Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng)/Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ khoảng 7-8%, tăng so với mức 6,2% năm 2021 do trong điều kiện thị trường tài chính toàn cầu thắt chặt, lãi suất tăng cao, các doanh nghiệp ít vay mới, chủ yếu trả nợ.

Đối với kế hoạch ngân sách 3 năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tổng thu ngân sách khoảng 5 triệu tỷ đồng. Tổng chi ngân sách khoảng 5,9 triệu tỷ đồng, trong đó, tổng nguồn dự toán chi đầu tư phát triển lũy kế 3 năm trên 1,7 triệu tỷ đồng.

Với mức thu - chi này, bội chi ngân sách bình quân 3 năm là 3,4% GDP, trong phạm vi Quốc hội phê duyệt.

Về giải pháp chủ yếu hoàn thành kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị cần quán triệt quan điểm, đường lối, tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến tài chính ngân sách và nợ công của Đảng, Nhà nước.

Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng, cần chủ động triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ để khắc phục các tồn tại đã nêu liên quan đến huy động vốn vay cho ngân sách nhà nước, giải ngân chậm vốn vay ODA và ưu đãi, mô hình quản lý nợ công và tăng cường công tác quản lý nợ của chính quyền địa phương.

Trong tổ chức thực hiện các năm 2024-2025, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan để tiếp tục thực hiện, phấn đấu cao nhất các chỉ tiêu trên, cũng như một số chỉ tiêu khác như giảm tỷ lệ nợ đọng thuế trong tổng thu ngân sách nhà nước, giảm số lượng và giảm chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế. Rà soát, tổng kết thực hiện Luật ngân sách nhà nước. Nghiên cứu xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan đầu tư, ngân sách.. .để xử lý vướng mắc giữa các Luật. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp chính sách về thu ngân sách nhà nước; chính sách về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Ngoài ra, cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, bảo đảm nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, chính sách an sinh xã hội, lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội theo chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước;... Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công. Rà soát lại hệ thống các quy định về tỷ lệ chi ngân sách nhà nước đối với một số lĩnh vực như khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo và dạy nghề, bảo vệ môi trường... phù hợp với thực tiễn quản lý, yêu cầu phát triển của đất nước. Tiếp tục triển khai thực chất việc tinh giản biên chế theo Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị; rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về dự kiến khả năng thực hiện trong 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, các chỉ tiêu cụ thể về thu, chi và cân đối ngân sách nhà nước vẫn đang theo tiến độ kế hoạch tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; một số chỉ tiêu khả năng khó đạt theo mục tiêu kế hoạch, gồm: tỷ trọng thu nội địa bình quân trong tổng thu ngân sách nhà nước; chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngoài nước và chi đầu tư phát triển từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.

Minh Nhật

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục