Đề xuất thực phẩm chức năng công bố định lượng, để hạn chế quảng cáo thổi phồng công dụng

(Banker.vn) Các chuyên gia y tế cho rằng, ngoài chỉ tiêu kiểm nghiệm an toàn độc tố, chất cấm,… thực phẩm chức năng cần có quy định về tiêu chuẩn định lượng thành phần.
Hàng giả, thực phẩm chức năng bát nháo trên “chợ mạng”: Luật còn nhiều kẽ hở! Cảnh giác ma túy “đội lốt” thực phẩm chức năng làm đẹp, chữa ung thư Nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng, Bộ Tài chính nói gì về quản lý thuế?

Theo Báo cáo Toàn cầu về Ung thư năm 2020 của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm Việt Nam ước tính có khoảng 165.000 ca mắc ung thư và 115.000 ca tử vong do ung thư. Số ca mắc và tử vong vẫn có xu hướng tăng đáng kể trong những năm gần đây.

Thông tin tại Hội thảo khoa học: Các hoạt chất, dược liệu hỗ trợ phòng ngừa ung thư, giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị và tăng cường miễn dịch tổ chức ngày 14/9, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, các căng thẳng trong cuộc sống, thói quen hút thuốc lá, thiếu vận động thể lực, lạm dụng rượu, bia và chế độ ăn không hợp lý cùng với những yếu tố môi trường như ô nhiễm, thực phẩm bẩn… đã làm tăng nguy cơ thiếu hụt vi chất, tăng các gốc tự do… dẫn đến cơn thủy triều các bệnh mạn tính không lây, trong đó có ung thư.

Theo ông Đáng, thực phẩm chức năng có 3 cơ chế phòng, chống ung thư. Một là, tăng sức khỏe chung như tăng miễn dịch, tăng sức đề kháng. Hai là, thực phẩm chức năng chứa các hoạt chất chống ung thư như chất ức chế tế bào ác tính, bảo vệ gene trước tác nhân ung thư, giảm biến dị nhiễm sắc thể, chống đột biến tế bào, khử tác nhân ung thư. Thứ ba, thực phẩm chức năng giúp giảm tác dụng phụ của hóa - xạ trị như buồn nôn, rụng tóc, mệt mỏi, mất ngon miệng; tăng hiệu quả của tân dược.

Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước đã nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế, trong đó có thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược.

Một trong những định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ là việc nghiên cứu phát triển nguồn thảo dược, sản xuất các loại thuốc, thực phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe người dân.

Đề xuất thực phẩm chức năng công bố định lượng, để hạn chế quảng cáo thổi phồng công dụng
Các chuyên gia y tế đề xuất thực phẩm chức năng phải công bố định lượng, để hạn chế quảng cáo thổi phồng công dụng

Theo ông Hoàng, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là dược liệu, hoạt chất sinh học có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Những năm qua, tỷ lệ tiếp cận của người dân với các thực phẩm bảo vệ sức khỏe lên tới 80%.

Ước tính, tổng quy mô ngành thực phẩm chức năng Việt Nam (chưa kể hàng xách tay) đạt 13 tỷ đô la Mỹ, gấp đôi ngành dược. Tuy vậy, người dân vẫn còn mơ hồ đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng.

"Phần lớn người dân đang mua lung tung theo quảng cáo. Họ cứ thấy quảng cáo nhiều trên youtube, facebook là mua mà không tìm hiểu về thương hiệu, sản phẩm, hàm lượng hoạt chất có rõ ràng… Ở Việt Nam, việc phát triển thương hiệu chưa mạnh", Dược sĩ Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, tại nước ta quảng cáo đang là một vấn nạn. Điều này vô tình lại làm hại ngành công nghiệp thực phẩm chức năng.

Hiệp hội Thực phẩm chức năng sẽ kiến nghị Bộ Y tế tham mưu Chính phủ sửa Nghị định 15 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm.

Theo đó, ngoài thông tư quy định về chỉ tiêu kiểm nghiệm an toàn độc tố, chất cấm, vi sinh, kim loại nặng, chúng ta cần có thông tư đảm bảo về tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Doanh nghiệp nói thành phần của sản phẩm có sâm thì phải định lượng sâm là bao nhiêu.

Hiện nay thực phẩm chức năng vẫn chưa có quy định bắt buộc công bố định lượng, các phép thử đối với thảo dược chủ yếu là định tính, chưa định lượng được hàm lượng.

"Sản phẩm muốn công bố hoạt tính sinh học thì phải đủ ngưỡng đáp ứng, hàm lượng thấp thì không đủ tác dụng. Thế nhưng nhiều loại vẫn nói quá lên như "thần dược". Có sản phẩm nói quá lên có thành phần này nhưng kiểm nghiệm thực tế lại không có", Dược sĩ Hoàng cho biết.

Để nâng cao nhận thức, tạo được niềm tin ở người tiêu dùng, các doanh nghiệp phải sản xuất được các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả. Việc công bố, quảng cáo sản phẩm phải chuẩn hóa, tránh quảng cáo sai hoặc gian lận trong sản xuất.

Tại hội thảo các chuyên gia khẳng định vai trò quan trọng của các dược liệu, hoạt chất sinh học trong việc tăng cường miễn dịch, hỗ trợ chống ô-xy hóa, chống gốc tự do, phòng ngừa ung thư, hỗ trợ hồi phục sức khỏe để giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị trong điều trị ung thư. Một số dược liệu, hoạt chất sinh học tiêu biểu có thể kể đến Lunasin Fucoidan, nấm ngưu chương chi, DeltaImmune…

Các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận và giải đáp nhiều thắc mắc của người tham gia để làm rõ hơn về các căn cứ khoa học, cơ chế tác dụng và đặc biệt là việc ứng dụng, sử dụng dược liệu, hoạt chất sinh học này vào trong thực tế phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của công nghệ sinh học trong việc nghiên cứu, chế tạo, phát triển các sản phẩm chất lượng cao để đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Lê Na

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục