Đề xuất thành lập Tòa án chuyên biệt: Vì sao đại biểu không đồng ý?

(Banker.vn) Chiều 9/11 Quốc hội tiến hành thảo luận Tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), nhiều nội dung chưa nhận được sự tán thành của đại biểu.
Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp nhận cáo trạng truy tố bà Nguyễn Phương Hằng Đề nghị giữ nguyên tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện theo thẩm quyền xét xử

Cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới với các lý do nêu trong Tờ trình của TAND tối cao.

Tuy nhiên để bảo đảm dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính khả thi và nguồn lực thực hiện một số quy định, nhất là nội dung mới, chính sách mới được quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm thi hành.

Tên mới, nhiệm vụ cũ, chi phí tăng

Quan tâm tới khoản 1 Điều 4 về tổ chức TAND, đại biểu Nguyễn Công Long – đoàn Đồng Nai cho biết, việc thành lập TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm thay cho cấp Tòa án nhân dân cấp huyện, TAND cấp Tỉnh và thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt là không cần thiết.

Nguyễn Công Long
Đại biểu Nguyễn Công Long - đoàn Đồng Nai

"Mặc dù, việc thành lập này là phù hợp với thông lệ các nước có nền tư pháp phát triển trên thế giới nhưng chỉ mang tính hình thức. Việc đổi tên này cũng khiến hệ thống pháp luật liên quan trong lĩnh vực tư pháp cần phải sửa đổi, bổ sung như: Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hình sự... đồng thời gây lãng phí ngân sách nhà nước như phải đổi bảng tên, con dấu, tổ chức lại bộ máy...."- đại biểu Nguyễn Công Long cho hay.

Trong khi đó đại biểu Tráng A Dương – đoàn Hà Giang cho rằng, “chức năng nhiệm vụ tại TAND tỉnh bao gồm xét xử “sơ thẩm” và “phúc thẩm”, do đó việc đổi tên các tòa án này dẫn tới không tương thích với tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương bao gồm: Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án dân sự. Trong khi việc đổi tên TAND phúc thẩm nhưng tòa án này vẫn có thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số vụ án.

Các đại biểu cho rằng việc đổi tên Tòa án Huyện A, B thành tòa án Sơ thẩm A, B … tồn tại song song với tòa sơ thẩm. Tuy nhiên nhiệm vụ, chức năng không thay đổi thì liệu đổi tên có cần thiết, với cả nghìn tòa án phải thay con dấu, bảng tên... tốn kém vô cùng.

Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt nhiều vấn đề cần làm rõ

Liên quan đến quy định về TAND sơ thẩm chuyên biệt ( khoản 1, Điều 4 của dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, việc thành lập Tòa án này để giải quyết một số loại vụ việc đặc thù, có tính chuyên môn sâu đáp ứng yêu cầu của thực tiễn là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, nếu mỗi năm có 1-2 vụ việc thì có nên hay không?

Quản Minh Cường
Đại biểu Quản Minh Cường- Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đặt câu hỏi về cấp thẩm quyền lãnh đạo, đại biểu Quản Minh Cường – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nêu: Tòa án này thuộc thẩm quyền lãnh đạo cấp ủy Đảng nào? Theo chỉ thị 26-CT/TW ngày 9-11-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc khi xét xử họ xin ý kiến ai? Tổ chức tòa án theo lãnh thổ hay theo quản lý nhà nước hay theo cơ quan nào? Mô hình này không làm rõ vấn đề trên.

Đại biểu cũng cho rằng, nếu thành lập Tòa sơ thẩm chuyên biệt được thiết kế nhằm tăng tính chuyên nghiệp của Tòa án trong việc giải quyết các loại án có tính chất đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn sâu và phù hợp với thực tiễn và Quốc hội thông qua thì nên quy định chi tiết trong dự thảo Luật về loại vụ việc đặc thù, điều kiện nào sử dụng chế định Tòa sơ thẩm chuyên biệt, dự thảo Luật quy định chế định Tòa sơn thẩm chuyên biệt chỉ trong 2 điều là Điều 62 và Điều 63 là chưa cụ thể, rõ ràng.

Đề xuất thành lập Tòa án chuyên biệt: Vì sao đại biểu không đồng ý?
Đại biểu Tráng A Dương - đoàn Hà Giang

Cũng liên quan đến nội dung thành lập Tòa chuyên biệt, đại biểu Tráng A Dương đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng. “Khi thành lập cả một hệ thống Tòa án chuyên biệt mà một năm chỉ xử vài ba chục vụ sẽ gây lãng phí nguồn lực”- đại biểu Tráng A Dương góp ý.

Cho ý kiến về Điều 4 của dự thảo Luật TAND sửa đổi, ông Hoàng Thanh Tùng – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp Luật của Quốc hội-đoàn Sóc Trăng đánh giá, Tòa án sơ thẩm chuyên trách và Tòa án sơ thẩm chuyên biệt là mô hình mới mà trong hệ thống pháp luật hiện hành không có.

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, các cơ quan tư pháp là một trong nội dung quan trọng trong cải cách tư pháp.

Cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hành pháp, cơ quan lập pháp thì cơ quan tư pháp với trọng tâm là tòa án xét xử. “Bên cạnh đó còn cơ quan công tố, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án, cơ quan bổ trợ tư pháp thì trọng tâm vẫn là tòa án mà theo quy định của Hiến pháp là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.”- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.

Tuy nhiên theo đại biểu Hoàng Thanh Tùng, trong dự thảo luận lần này trình lên Quốc hội có một hình thức gọi là Tòa án sơ thẩm chuyên biệt, nếu xét về xu thế phát triển khi đặt ra yêu cầu chuyên môn hóa, chuyên biệt hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung trong đó có các cơ quan tòa án thì đây là xu thế phù hợp. Cùng với sự phát triển của nhiều lĩnh vực: Công nghệ, kinh tế, thương mại... đặt ra yêu cầu rất cao. Đơn cử như lĩnh vực sở hữu trí tuệ đòi hỏi chuyên môn rất sâu, chúng ta muốn hội nhập thì không thể nào không coi trọng về sở hữu trí tuệ.

Đại biểu lấy ví dụ như vấn đề phá sản, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các vụ việc tranh chấp liên quan đến vấn đề này đòi hỏi chuyên môn sâu của thẩm phán về sở hữu trí tuệ. Nếu chỉ giao cho Tòa kinh tế- thương mại như hiện nay có thể không phù hợp.

Theo đại biểu Hoàng Thanh Tùng, dự thảo trước đó đã quy định cụ thể Tòa về sở hữu trí tuệ, về phá sản, về hành chính nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau nên dự thảo đưa ra trình Quốc hội xin ý kiến lần này không đưa vào.

Hoàng Thanh Tùng
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng- đoàn Sóc Trăng

Lần này Tòa án đưa vào dự thảo về một mục Tòa án sơ thẩm chuyên biệt nhưng chung chung không cụ thể là tòa gì? (phá sản, sở hữu trí tuệ hay hành chính...?) tuy nhiên đây là tòa án sơ thẩm cấp thấp nhất và nó song song với tòa án cấp huyện.”- đại biểu Hoàng Thanh Tùng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục phân tích, hiện chúng ta đang giải quyết chung tại tòa án sơ thẩm và xét xử chung chung nhiều khi không chuyên sâu chưa chắc đã giải quyết thỏa đáng các vụ tranh chấp. Tất cả vấn đề này có liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

"Xu hướng tốt nhưng cách giải quyết vấn đề khiến tôi rất băn khoăn vì Hiến pháp quy định: Việt Nam có Tòa án nhân dân tối cao và các tòa án khác do luật định có nghĩa Luật phải quy định có những tòa án nào? Hiện trong Luật tổ chức Tòa án chỉ có tòa án sơ thẩm cấp huyện chứ không cụ thể tòa án nào? Vậy Luật Tố tụng sẽ quy định như thế nào? bởi trong Luật Tổ chức tòa án có tòa án nào thì Luật Tố tụng sẽ có quy định cụ thể về thẩm quyền và trình tự xét xử cho loại tòa án đó."- đại biểu Hoàng Thanh Tùng nêu.

Hiện nay tòa án tối cao, tòa án cấp cao, tòa án tỉnh (phúc thẩm), tòa án huyện (sơ thẩm) đều có quy định trong luật tố tụng, nhưng chưa có cái nào là Tòa án chuyên biệt.

"Nếu đưa vào Luật cũng phải sửa đồng bộ Luật Tố tụng. Tuy nhiên đưa vào mà không rõ là tòa án nào?". Đại biểu Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ, đồng thời cho biết thêm: “Theo Dự thảo luật lần này thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định (Điều 4) việc thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt nào theo loại vụ việc? nói về pháp lý sẽ không quy định ở trong Luật Tố tụng được? Muốn quy định trong Luật Tố tụng phải quy định rõ trong luật Tòa án.”

Bên cạnh các vấn đề liên quan đến thành lập Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm thay cho tòa án Huyện, tòa án tỉnh, thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt được đa số các đại biểu không tán thành thì những vấn đề đưa ra trong dự thảo Luật TAND sửa đổi như: Nội hàm quyền tư pháp; Quyền giải thích pháp luật; Thẩm quyền thu thập chứng cứ...cũng chưa nhận được đồng tình của nhiều đại biểu.

Kết cấu của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 154 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 05 nội dung lớn như sau: Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Về hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án; Về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án; Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử. Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định chặt chẽ về: Tổ chức xét xử; Bảo vệ Tòa án; Điều kiện bảo đảm; Tòa án điện tử; Hợp tác quốc tế; Chế độ khen thưởng, kỷ luật; Điều khoản thi hành;…

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục