Đề xuất quy định phân loại nợ của tổ chức tài chính vi mô

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về phân loại tài sản có của tổ chức tài chính vi mô.
Hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tài chính vi mô Mở rộng không gian hoạt động cho các tổ chức tài chính vi mô Điều kiện thành lập chi nhánh của tổ chức tài chính vi mô

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dự thảo Thông tư này quy định về việc phân loại đối với các tài sản có (gọi tắt là nợ) phát sinh từ các hoạt động sau của tổ chức tài chính vi mô: Cho vay; ủy thác cho vay; gửi tiền (trừ tiền gửi thanh toán) tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Dự thảo quy định định kỳ thực hiện phân loại nợ: Ít nhất mỗi quý một lần, trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng đầu quý tiếp theo, tổ chức tài chính vi mô thực hiện phân loại nợ đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của quý trước.

Riêng đối với quý IV, trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng 12, tổ chức tài chính vi mô thực hiện việc phân loại nợ đến thời điểm cuối ngày 30 tháng 11.

Đối với các khoản cho vay bằng nguồn vốn tài trợ, ủy thác của bên thứ ba mà bên thứ ba cam kết chịu toàn bộ trách nhiệm xử lý rủi ro khi xảy ra rủi ro thì tổ chức tài chính vi mô phải phân loại nợ theo quy định để phản ánh đúng tình hình tài chính, khả năng trả nợ của khách hàng phục vụ cho công tác quản lý rủi ro cho vay.

Đề xuất quy định phân loại nợ của tổ chức tài chính vi mô
Tổ chức tài chính vi mô thực hiện phân loại nợ theo 5 nhóm

Dự thảo cũng quy định và phân loại nợ theo các nhóm. Cụ thể, căn cứ vào thực trạng tài chính của khách hàng và/hoặc thời hạn thanh toán nợ gốc và lãi vay, tổ chức tài chính vi mô thực hiện phân loại nợ theo 5 nhóm:

Nhóm 1, nợ đủ tiêu chuẩn bao gồm: Các khoản nợ trong hạn; các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày.

Nhóm 2, nợ cần chú ý bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 10 ngày đến dưới 30 ngày; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.

Nhóm 3, nợ dưới tiêu chuẩn bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 30 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu; các khoản nợ được miễn hoặc giảm lãi do khách hàng không đủ khả năng trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng.

Nhóm 4, nợ nghi ngờ mất vốn bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 90 ngày đến dưới 180 ngày; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ đã được cơ cấu lại lần đầu; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai.

Nhóm 5, nợ có khả năng mất vốn bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 180 ngày trở lên; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai; các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn hoặc đã quá hạn.

“Tổ chức tài chính vi mô phải báo cáo việc phân loại nợ theo quy định về chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với các tổ chức tài chính vi mô do Ngân hàng Nhà nước ban hành”, Ngân hàng Nhà nước nêu trong dự thảo.

Đối với việc kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm, Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện phân loại nợ của tổ chức tài chính vi mô.

Trường hợp tổ chức tài chính vi mô vi phạm quy định, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, tổ chức tài chính vi mô sẽ bị xử lý theo một hoặc một số hình thức: Xử phạt vi phạm hành chính; tăng tỷ lệ trích lập dự phòng tương ứng với mức độ rủi ro của các khoản nợ; hạn chế cho vay, hạn chế mở rộng mạng lưới và nội dung hoạt động; đình chỉ hoạt động đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục