Đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen

(Banker.vn) Tại Hội thảo "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, tổ chức ngày 2/12, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen.

Tham dự Hội thảo có ông Đào Minh Tú – Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ phó Vụ Kinh tế Tổng hợp Văn phòng Chính phủ; Thiếu tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an); ông Nguyễn Văn Tất – Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, án trật tự xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; ông Vũ Duy Hưng – Phó Trưởng ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân Việt Nam; ông Đinh Quốc Hùng – Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Đình Tiến – Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân TP Hà Nội; ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; cùng đại diện các cơ quản quản lý nhà nước, các tổ chức hội viên, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, tài chính ngân hàng…

Thực trạng tín dụng đen: ngày càng phức tạp, tinh vi

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết thời gian qua ngành Ngân hàng có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng của người dân. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề đến doanh nghiệp và người dân, thu nhập của người dân, bị giảm sút, thậm chí nhiều người dân không có thu nhập để trang trải các nhu cầu thiết yếu như khám bệnh, học phí... dẫn tới tình hình tội phạm tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn (các đối tượng lợi dụng công nghệ dụ dỗ khách hàng cho vay trên các app trực tuyến, qua điện thoại...).

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo nhằm góp phần cùng các cấp, các ngành nhận diện tín dụng đen, đấu tranh, ngăn chặn và đề xuất các giải pháp đẩy lùi tín dụng đen và mở rộng cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan quản lý, các TCTD và người dân, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai tín dụng tiêu dùng hiện nay. Qua đó các ngân hàng, công ty tài chính cũng sẽ có chia sẻ để làm rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ giúp người dân hiểu hơn về hoạt động của những tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, từ đó góp phần giúp tránh được những hiểu nhầm không đáng có.

Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, các ý kiến đóng góp trong hội thảo sẽ được Hiệp hội tập hợp làm cơ sở đề xuất lên Chính phủ, các Bộ ngành để từ đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy tín dụng tiêu dùng chính thức, hướng tới đẩy lùi tín dụng đen.

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) phát biểu

Theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, qua thống kê các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng đen, lực lượng Công an đã tiếp nhận, phát hiện: 1.047 vụ/1.718 đối tượng, đã khởi tố 554 vụ/990 bị can; xử phạt hành chính 375 vụ/593 đối tượng. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng (51,48%) trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng.

Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân TP Hà Nội phát biểu

Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân TP Hà Nội cho biết trong 2 năm từ 5/2019 đến 5/2021, tổng số vụ án hình sự đã thụ lý: 31 vụ án/89 bị cáo về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015. Đã giải quyết: 28 vụ/ 75bị cáo, trong đó xét xử: 22 vụ/ 52 bị cáo; trả hồ sơ điều tra bổ sung: 2 vụ/ 9 bị cáo; còn tồn lại chưa giải quyết: 3 vụ/ 14 bị cáo. So với cùng thời điểm năm ngoái, số vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thụ lý tăng khoảng 37,5% (năm trước thụ lý 16 vụ/49 bị cáo); kết quả giải quyết tăng 80% (năm trước giải quyết 10 vụ/ 25 bị cáo) nên số vụ tồn còn rất ít, chỉ chiếm khoảng 14 %.

Ông Nguyễn Văn Tất, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) phát biểu

Qua hoạt động kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố, ông Nguyễn Văn Tất, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao) cho biết đối tượng vay thường là người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết. Nhưng cũng có đối tượng vay với mục đích sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, buôn lậu...

Việc không hiểu về cách tính lãi suất “lập lờ” của bên cho vay khiến cho con nợ rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi thậm chí gấp hàng trăm lần tiền vay gốc. Hoặc thông qua hợp đồng “giả cách”, theo đó hai bên thiết lập hợp đồng mua bán tài sản, cho thuê tài sản, bán tài sản rồi thuê lại, mua hàng trả góp nhằm tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu người đi vay không trả được nợ, bên cho vay có thể dùng hợp đồng giả cách đó để tố cáo ngược tại cơ quan pháp luật.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phát biểu

Về phía ngành Ngân hàng, để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, ngành Ngân hàng cũng tích cực, triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng tại các TCTD, các công ty tài chính được NHNN cấp phép. Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, NHNN đã ban hành nhiều văn bản để hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến. Thường xuyên chỉ đạo các TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Phát triển mạng lưới nhằm gia tăng tiếp cận đến người dân, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân.

Đến ngày 19/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10 triệu tỷ đồng, tăng 9,52% so với cuối năm 2020. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng tốt, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng, chiếm trên 25,11% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng 10,21% so với cuối năm 2020 và tăng 34,5% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg (trong đó dư nợ cho vay trên địa bàn nông thôn đạt 1,92 triệu tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng dư nợ NNNT). Đặc biệt, các TCTD cũng đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Nhiều kiến nghị nhằm giải quyết căn cơ tín dụng đen

Bà Trần Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu

Trao đổi tại Hội thảo, bà Trần Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, hiện ngân hàng đang triển khai hiệu quả trên 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội và có mạng lưới hoạt động rộng khắp 170.000 Tổ tiết kiệm và vay vốn và hơn 10.000 điểm giao dịch đảm bảo đưa vốn tín dụng của Nhà nước đến các đối tượng đủ điều kiện.

Đến ngày 30/11/2021, dư nợ của ngân hàng đạt trên 245 nghìn tỷ đồng, 6,4 triệu khách hàng đang có dư nợ, 94% dư nợ tập trung lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hướng tới vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới và hải đảo.

“Ngân hàng đã triển khai hàng loạt giải pháp như nâng mức cho vay tối đa với khoản vay không có tài sản đảm bảo từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, thời hạn vay tăng lên 120 tháng với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…; tăng mức cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên 2,5 triệu đồng/học sinh. Thực hiện cho vay hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 để trả lương người lao động đã giải ngân 1.000 tỷ đồng với 1.800 lượt người trả lương”, bà Trần Lan Phương chia sẻ.

Để hỗ trợ đối tượng sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích gắn với công tác khuyến nông khuyến lâm khuyến ngư, tăng cường giáo dục tài chính cho đối tượng thụ hưởng, Ngân hàng Chính sách xã hội có ứng dụng tài chính, có nhiều thông tin để người nghèo tiếp cận thông tin.

“Trong thời gian tới, để ngăn chặn tín dụng đen, đề nghị bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn Ngân sách và tạo điều kiện cho ngân hàng huy động được nguồn vốn kỳ hạn dài, lãi suất ổn định và đề nghị nghiên cứu tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay vốn trong một số chương trình hiện hành”, bà Trần Lan Phương đề xuất.

Bà Hồ Thị Như Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính FE Credit phát biểu

Về phía công ty tài chính, bà Hồ Thị Như Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính FE Credit đề nghị, Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng các Bộ, ngành hỗ trợ, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản, hành lang pháp lý tăng cường, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận tiếp cận tín dụng chính thức của người dân thông qua công nghệ.

“Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan xem xét tạo điều cho các công ty tài chính được kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để giúp công ty tài chính định vị khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn đồng thời giúp việc thẩm định, đánh giá khách hàng được chính xác, tiết kiệm nguồn lực cho các TCTD cũng như cả xã hội”, bà Hồ Thị Như Hà đề nghị.

Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, đại biểu Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, ở nhiều địa phương người dân không biết công ty tài chính nào hợp pháp và công ty nào bất hợp pháp để đi vay. Thực tế cho thấy, người dân vẫn khó tiếp cận vốn vay chính thức và không thể ngăn chặn hết hiện tượng công ty tài chính trá hình. Vì vậy, theo bà Bùi Thị Quỳnh Thơ, giải pháp cốt lõi là phải tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền. Ngân hàng phối hợp với các địa phương, giới thiệu sản phẩm về các vùng nông thôn. Đặc biệt, chính quyền địa phương phải vào cuộc đồng bộ, ráo riết thông qua hệ  thống các tổ chức chính trị xã hội tuyên truyền tận cơ sở.

Để đẩy lùi tín dụng đen, bà Phạm Thị Thanh Tùng, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành. Trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực của Bộ Công an, đây là cơ sở để TCTD có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay. Đồng thời, cần sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông để truyền tải thông tin cơ chế chính sách, chương trình, sản phẩm, tín dụng ngân hàng tới người dân để người dân biết và hiểu được lợi ích của các kênh tiếp cận vốn chính thức, cũng như giúp họ thấy được hậu quả của tín dụng đen.

Bà Trần Thị Thanh Bích, Tổng biên tập Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ phát biểu

Tham luận tại hội thảo, bà Trần Thị Thanh Bích, Tổng biên tập Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ cho rằng, truyền thông là một giải pháp quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền hiệu quả các chính sách về cho vay trong các giao dịch dân sự, một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm. Các bài viết trên các trang báo đã đưa ra những cảnh báo về các thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo thông qua huy động vốn với lãi suất cao, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của tín dụng đen và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, họ, biêu, phường để người dân nâng cao cảnh giác. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân không tham gia vào các hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, hay lợi dụng kinh doanh dịch vụ tài chính để vi phạm pháp luật...

Đề xuất giải pháp ngăn chặn tín dụng đen, bà Trần Thị Thanh Bích cho rằng các cơ quan báo chí tiếp tục tích cực truyền thông góp phần hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Đồng thời, cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa những vấn đề báo chí phản ánh, đề xuất để sớm có những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc và kịp thời ngăn chặn được những hiện tượng vi phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh cần có nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết căn cơ vấn đề tín dụng đen. Khi đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ đói nghèo tiếp tục giảm xuống mạnh mẽ thì người dân sẽ không rơi vào tình cảnh “nhắm mắt đưa chân” tới tín dụng đen. Đi cùng với đời sống kinh tế, dân trí cũng cần được nâng cao, đây là điều kiện để giải quyết tín dụng đen. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cần đồng bộ, rõ ràng, thể hiện sự thống nhất trong việc trấn áp, xử lý tội phạm, liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Đồng thời xây dựng hệ thống tài chính toàn diện sẽ được triển khai một cách tích cực, rộng khắp và người dân là đối tượng thụ hưởng tích cực.

Trước mắt, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng cần thông qua công tác truyền thông, giáo dục tài chính toàn diện để người dân hiểu về tác hại, hậu quả của tín dụng đen để cảnh giác. Tiếp tục trấn áp, xử lý nghiêm những người tổ chức, bảo kê cho tín dụng đen, kể cả các tổ chức chính thức và phi chính thức. Đồng thời, tăng cường các kênh tiếp cận vốn chính thức cho người dân, đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của chính các tổ chức tín dụng.

Nhóm PV

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ