Đề xuất lùi thời gian xây dựng và ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi

(Banker.vn) Trước những khó khăn của doanh nghiệp, nhiều đại biểu quốc hội và chuyên gia đã đề xuất lùi thời gian xây dựng và ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): Cân nhắc thời điểm áp dụng phù hợp Doanh nghiệp đồ uống đề xuất lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Nhiều doanh nghiệp quan tâm

Ngày 8 tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Chương trình xây dựng pháp luật năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024. Quốc hội cũng đã đồng thuận đưa dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vào kỳ hợp sắp tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hiện tại đối diện nhiều thách thức của Việt Nam, một số đại biểu Quốc hội đã đưa ra đề xuất lùi thời gian xây dựng và ban hành dự án luật này.

Trước đó, ngày 2 tháng 5, Chính phủ đã có tờ trình số 177/TTr-CP, gửi Quốc hội để xem xét việc tiếp tục chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ trong nửa cuối năm 2024. Đề xuất này nhằm giảm bớt gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp, qua đó giúp cải thiện môi trường kinh doanh và sức khoẻ tổng quan cho nền kinh tế.

Các doanh nghiệp đều đang bày tỏ rõ mối quan tâm lớn tới định hướng chính sách thuế của Nhà nước trong thời gian tới và tác động của các chính sách này lên hoạt động kinh doanh của mọi doanh nghiệp tại Việt Nam. Áp lực thuế quá lớn đến từ 3 luật thuế quan trọng với doanh nghiệp, bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT), và thuế tiêu thụ đặc biệt (SCT) cộng dồn có thể buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc rút khỏi thị trường. Điều này sẽ dẫn đến thiệt hại toàn diện cho chuỗi cung ứng cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm của người lao động.

Đặc biệt, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang tạo ra nhiều tranh luận. Các cuộc thảo luận tập trung vào phương pháp tính thuế, đối tượng áp dụng, mức thuế suất và lộ trình thực hiện.

Một số đại biểu Quốc hội nêu lên tình hình kinh tế khó khăn do sự suy giảm của các ngành công nghiệp chủ lực, tăng trưởng GDP thấp hơn mục tiêu, và những tác động tiêu cực từ kinh tế toàn cầu. Các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về môi trường đầu tư kinh doanh đang suy giảm và sự gia tăng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đề xuất về thuế từ các đại biểu bao gồm việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng và lùi thời gian xây dựng ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thêm thời gian ổn định và phát triển.

Chính phủ được kêu gọi xem xét kỹ lưỡng khung thời gian thực hiện các chính sách thuế mới để đảm bảo sự phù hợp với các ưu tiên của Quốc hội và Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế. Mục tiêu ưu tiên là giảm chi phí hàng hóa và dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, tạo việc làm, và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Bằng cách đó, các doanh nghiệp có thể lấy lại sự ổn định và đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước.

Bức tranh kinh tế nhiều thách thức

Trong năm 2023, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 5,05%, là một con số tích cực song cũng đã không đạt được mục tiêu 6,5% mà Quốc hội đã đề ra. Các ngành trọng điểm như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, vốn là trụ cột của nền kinh tế, đã có tốc độ tăng trưởng chậm hơn dự tính. Cùng với đó, căng thẳng địa chính trị gia tăng và triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy lạc quan đã ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, phản ánh rõ nét nền kinh tế mở giao thoa chặt chẽ với các xu hướng, biến động trên toàn cầu. Những yếu tố này đã trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp trong nước.

Trong quý đầu tiên của năm 2024, đã có 73,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi tháng, gần 24,7 nghìn doanh nghiệp đã phải chấm dứt hoạt động.

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy 45,71% các doanh nghiệp ngành chế biến và chế tạo cho biết điều kiện kinh doanh khó khăn hơn so với quý IV năm 2023.

Những con số không mong muốn này nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ để hỗ trợ môi trường kinh doanh nói chung, giúp các doanh nghiệp thời gian cần thiết để thích ứng và đóng góp vào sự phục hồi kinh tế.

Đề xuất xem xét khung thời gian phù hợp

Một số đại biểu đã đề xuất Quốc hội xem xét một khung thời gian phù hợp cho việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, cân nhắc không ban hành Luật trước năm 2027. Việc trì hoãn này sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp thời gian cần thiết để cải thiện hoạt động kinh doanh, thích ứng với các chính sách mới và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà các doanh nghiệp cần một môi trường thuế ổn định và có thể dự đoán để có thể lập kế hoạch hoạt động kinh doanh và thực hiện các chiến lược phục hồi sản xuất một cách hiệu quả và bền vững.

Đồng tình với đề xuất lùi thời gian sửa đổi luật thuế này, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thời điểm này lùi là phù hợp. Bởi lẽ, doanh nghiệp đang rất khó khăn, họ cần thời gian để phục hồi, cơ cấu lại sản xuất và tìm thị trường. Rất nhiều việc phải thực hiện.

“Sửa đổi cũng tốt, thế nhưng thời điểm phù hợp lại quan trọng hơn”, ông Phòng nói và liên tục nhắc lại vấn đề quan trọng nhất cần làm hiện nay là giảm thủ tục và tăng hỗ trợ doanh nghiệp hơn là áp dụng các quy định mới.

Theo ông, giờ nhà nước cần tập trung “nâng cao sức khoẻ cho doanh nghiệp”, khi nền kinh tế ổn định mới nên tính đến việc sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt.

Là người trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, nhìn vào các con số thống kê, có thể thấy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vài năm đang chậm lại, thậm chí tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng đi xuống.

Điều này tác động đến giá trị, doanh thu, lợi nhuận, các chỉ số kinh doanh của doanh nghiệp. Nó còn là chỉ báo không mấy tích cực khi cả những doanh nghiệp lớn cũng đang rất khó khăn. Điều đáng nói, xu hướng rút khỏi thị trường của doanh nghiệp nhanh hơn tốc độ gia nhập. Tức là, số doanh nghiệp đóng cửa hiện nay không còn được hiểu là theo quy luật thị trường (đào thải tự nhiên), mà đang thể hiện việc họ không nhìn thấy cơ hội kinh doanh.

TS Nguyễn Minh Thảo ủng hộ đề xuất lùi thời gian sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt với lập luận rằng, hiện các chương trình của Chính phủ đều hướng đến việc giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt lại sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng và tăng thuế. Điều này là chưa hợp lý và đi ngược với các chủ trương hiện nay.

Dù việc sửa đổi này là theo lộ trình, tuy nhiên, theo bà Thảo cần xem xét đến từng bối cảnh về tính phù hợp. Việc này để không xảy ra tình trạng khi ban hành rồi lại phải gỡ vướng… thêm phức tạp.

Như vậy có nhiều ý kiến cho rằng, việc lùi thời gian xây dựng và ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt từ sau 2027 là phù hợp với các mục tiêu rộng lớn hơn về kích cầu tiêu dùng, tạo việc làm và thúc đẩy sự ổn định kinh doanh, cuối cùng là đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

PV

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục