Đề xuất loạt giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng

(Banker.vn) Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã có loạt đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm phát triển thị trường trong nước năm 2025 và các năm tiếp theo.
Bộ Công Thương tổ chức hội nghị đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng Chùm ảnh: Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng Phát triển thị trường trong nước mang ý nghĩa sống còn

Sáng nay, ngày 22/4/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã nêu loạt đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm phát triển thị trường trong nước năm 2025 và các năm tiếp theo. Các ý kiến trên tập trung vào đối với Bộ Công Thương; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và với các bộ, ngành, hiệp hội liên quan.

Đề xuất loạt giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương)

Kiến nghị với Bộ Công Thương

Cần phối hợp với Sở Công Thương các địa phương, các doanh nghiệp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, kết hợp với việc triển khai các chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt trong bối cảnh một số thị trường xuất khẩu lớn áp dụng chính sách bảo hộ.

Tập trung đẩy mạnh việc triển khai các nội dung thuộc đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước nhằm tăng hiệu quả việc triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong nước.

Xây dựng chính sách và các chương trình kích cầu tiêu dùng, các chương trình khuyến khích mua sắm tập trung trên phạm vi toàn quốc.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, phân phối hàng hóa; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp phân phối triển khai bán hàng trên nền tảng các sàn thương mại điện tử/bán hàng trực tuyến.

Tổ chức các chương trình đào tạo và hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động marketing và bán hàng trên môi trường trực tuyến.

Tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai các chương trình bình ổn thị trường kết hợp với các chương trình kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại trong các giai đoạn tiêu dùng cao điểm để vừa góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát vừa kích cầu tiêu dùng.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Các đơn vị cần tổ chức các hoạt động kết nối các doanh nghiệp phân phối và các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa; phối hợp với các địa phương khác triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng sản xuất tại địa phương, các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2025 đã được giao.

Khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn ứng dụng công nghệ số để kết nối cung cầu, mở rộng thị trường. Khuyến khích doanh nghiệp thương mại điện tử triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá, ưu đãi khi mua sắm trực tuyến để kích thích tiêu dùng.

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hỗ trợ tiêu thụ hàng sản xuất trong nước, đặc biệt đối với hàng xuất khẩu khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.

Đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng; báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức các đợt khuyến mại tập trung trên quy mô toàn tỉnh vào các dịp tiêu dùng cao điểm như cuối năm, lễ, tết.

Tích cực triển khai Chương trình bình ổn thị trường thông qua các phương thức mới (về huy động nguồn lực) để tăng quy mô và hiệu quả, kết hợp với các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại.

Đề xuất loạt giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Hiện thị trường bán lẻ Việt Nam đang được coi là thị trường tương đối tiềm năng, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp bán lẻ lớn trên thế giới

Các bộ, ngành, hiệp hội liên quan

Đối với Bộ Tài chính, các địa phương: Tận dụng các nguồn lực để bổ sung vốn đầu tư công, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất... để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cần giám sát chặt chẽ diễn biến lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại, thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện về thủ tục vay, giải ngân vốn vay cho người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu nông sản chính ngạch sang các thị trường lân cận, thị trường mới thay thế các thị trường xuất khẩu lớn truyền thống đang gặp khó khăn do các chính sách bảo hộ; phối hợp với Bộ Công Thương, ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các vùng trồng quy mô lớn.

Đối với các hiệp hội ngành hàng: Cần chủ động nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp thuộc ngành hàng để kịp thời đề xuất các đơn vị chức năng có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.

Cùng với đó, chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước; các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu quan tâm xây dựng hệ thống phân phối hàng trong nước để luôn có kênh tiêu thụ hàng hóa ổn định khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn.

Triển khai các chương trình khuyến mại với nội dung đa dạng, hấp dẫn và thực hiện giảm giá nhằm kích thích tiêu dùng trong nước; hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối hàng hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa.

Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ lớn đã không ngừng đầu tư và phát triển số lượng các địa điểm bán lẻ tại nhiều địa phương. Các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng mua bán hàng hóa trực tuyến cũng mở rộng và phát triển mạnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong nước cũng liên tục phát triển hệ thống bán lẻ trên cả nước… Điều này cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được coi là tương đối tiềm năng, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp bán lẻ lớn trên thế giới.

Tiến Phòng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục