Đề xuất đưa giá điện, xăng dầu vào diện bình ổn trong dự án Luật Giá (sửa đổi)

(Banker.vn) Tại phiên thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi) vào chiều 23/5 một số đại biểu đã đề nghị đưa giá điện, xăng dầu vào diện bình ổn, quỹ bình ổn do nhà nước quản lý.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu Đại biểu Quốc hội lý giải lý do cần có Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong Luật Giá (sửa đổi) Quốc hội thảo luận dự án Luật Giá sửa đổi: Có nên để giá trần, giá sàn dịch vụ hàng không?

Trong phiên thảo luận chiều ngày 23/5, đã có 17 đại biểu phát biểu, thảo luận. Qua thảo luận các đại biểu đã đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật như: Áp dụng luật, tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý giá, quỹ bình ổn giá, thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá, nguyên tắc, căn cứ, phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, loại bỏ hoặc bổ sung so với các quy định hiện hành…

Trong đó đáng chú ý, một số đại biểu nêu ý kiến đề nghị đưa giá điện vào diện bình ổn, Quỹ bình ổn nên để nhà nước quản lý thay vì để doanh nghiệp như hiện nay.

Đề xuất đưa giá điện, xăng dầu vào diện bình ổn trong dự án Luật Giá (sửa đổi)
Đại biểu Võ Mạnh Sơn- Đoàn ĐBQH Thanh Hóa đóng góp ý kiến về Luật Giá (sửa đổi)

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, đại biểu Võ Mạnh Sơn – Đoàn ĐBQH Thanh Hoá cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi thị trường xăng, dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật của thị trường, có sự điều hành của Nhà nước, lượng dự trữ xăng, dầu của Việt Nam còn mỏng, công tác quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng, dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn xăng, dầu là cần thiết, nhằm thực hiện tốt vai trò điều hòa, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng, dầu, giảm biên độ biến động giá, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH Đồng Tháp đề xuất thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá là thẩm quyền của các bộ, ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của mỗi người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước… Quốc hội sẽ quyết định danh mục và khi cần thiết sẽ điều chỉnh danh mục và Chính phủ sẽ trình cho Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, hiện nay là Nhà nước đã định giá điện. Tuy nhiên, Nhà nước định giá điện mà Nhà nước vẫn còn bao cấp, thì tại sao chúng ta không đưa vào Quỹ bình ổn giá như bình ổn giá xăng, dầu?

Đề xuất đưa giá điện, xăng dầu vào diện bình ổn trong dự án Luật Giá (sửa đổi)
Đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị đưa giá điện vào Quỹ bình ổn giá

Cho nên, tôi nghĩ rằng đấu giá điện thì phải đưa vào Quỹ bình ổn giá, nó phù hợp hơn do 100% người dân đều tiêu thụ điện, đều phải trả tiền điện nhiều hơn xăng, dầu. Do vậy, Quốc hội nên xem xét đưa giá điện vào diện bình ổn giá ”- đại biểu Hòa đề xuất.

Cũng liên quan đến giá điện, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Ở các nước, việc cung cấp điện cho người dân và doanh nghiệp theo cơ chế thị trường. Năm 2022 khi giá dầu, giá than, giá khí tăng làm cho chi phí sản xuất, cung cấp điện tăng, để người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng điện ở mức cần thiết mà không phải trả thêm tiền điện quá khả năng chi trả thì có 2 cách giải quyết.

Đại biểu Nhân lấy ví dụ như ở Nhật Bản cứ 1kWh điện tiêu dùng hộ gia đình Chính phủ trả 7 Yen, còn lại gia đình phải trả, qua đó giảm 20% hóa đơn tiền điện các hộ phải thanh toán theo giá điện của các công ty điện. Hay ở Pháp, các công ty điện tăng giá điện khi giá dầu, giá khí đốt tăng, song mức giá thực tế giảm 4% năm 2022 và 15% năm 2023 so với mức giá các công ty sản xuất điện đề xuất, vì Chính phủ Pháp trợ cấp cho các doanh nghiệp điện 49 tỷ USD từ ngân sách. Tức là khi Chính phủ muốn công ty điện bán điện với giá thấp hơn giá thị trường theo quan hệ cung cầu điện, khi chi phí sản xuất tăng thì Nhà nước phải hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất điện để họ không bị lỗ, có lợi nhuận tối thiểu, duy trì sản xuất bình thường, bền vững.

Đề xuất đưa giá điện, xăng dầu vào diện bình ổn trong dự án Luật Giá (sửa đổi)
Phiên thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi) diễn ra chiều 23/5

Tuy nhiên, Luật Giá 2012 của Việt Nam và dự thảo Luật Giá 2023 đều không có nguyên tắc điều tiết giá của Nhà nước là Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công hoặc dự trữ hàng hóa để điều tiết giá. Trong trường hợp Nhà nước điều tiết giá điện ở Việt Nam, chỉ có một giải pháp là bằng mệnh lệnh hành chính, Nhà nước quy định giá điện qua Bộ Công Thương và Chính phủ. Nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam thấy cần tăng giá điện trên 3%, không có nguồn ngân sách nào được chuẩn bị để hỗ trợ Tập đoàn Điện lực khi họ bị lỗ vì không được tăng giá điện, trong khi giá đầu vào là giá dầu, giá khí, giá than tăng rất mạnh.

Tức là chúng ta điều tiết giá điện bằng mệnh lệnh hành chính chứ không chi một đồng nào”- đại biểu Nhân nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra rằng, đầu tháng 5/2023, Chính phủ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực xây dựng Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021-2025, yêu cầu tập đoàn phải trở thành một tập đoàn mạnh trong lĩnh vực năng lượng, kinh doanh hiệu quả, bền vững, bảo tồn và phát triển nguồn vốn của Nhà nước. Tuy nhiên, nếu Luật giá 2013 được thông qua với các nguyên tắc điều tiết giá của Nhà nước như dự thảo thì năm 2024, Tập đoàn Điện lực lỗ dự kiến khoảng 94.000 đến 126.000 tỷ, mất khoảng 46% - 60% vốn chủ sở hữu và sẽ không thể hết lỗ trong năm 2025, không thể là một tập đoàn mạnh và phát triển bền vững như Chính phủ yêu cầu.

Qua phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị Quốc hội bổ sung một nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo Luật Giá 2023 là Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá để Tập đoàn Điện lực Việt Nam - doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất của ngành điện năm 2024 sẽ không tiến tới trạng thái sắp phá sản mà phải phát triển bền vững và là doanh nghiệp nòng cốt cho thực hiện Quy hoạch điện VIII Chính phủ mới ban hành.

Trả lời các câu hỏi và đề xuất của đại biểu liên quan đến giá điện không đưa vào diện bình ổn. Đại diện cơ quan xây dựng dự án Luật Giá (sửa đổi) Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải là do điện đã được Nhà nước định giá, như vậy không đưa vào bình ổn. Theo ông Hồ Đức Phớc, định giá sẽ có lợi cho người tiêu dùng, người dân.

Thu Hường - Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục