Đề xuất cho khoanh nợ từ 1- 2 năm đối với các khoản dư nợ chịu ảnh hưởng từ COVID-19

(Banker.vn) Đánh giá thực tiễn công tác xử lý nợ xấu tại Việt Nam, Tổng Thư ký VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 1,3 triệu tỷ đồng nợ xấu.

Tại buổi buổi tọa đàm trao đổi chính sách về nợ xấu mới đây, Hiệp hội ngân hàng (VNBA) đề nghị Chính phủ xem xét ban hành nghị định cho phép khoanh nợ từ 1- 2 năm đối với khoản dư nợ chịu ảnh hưởng nặng nề từ COVID-19.

Bên cạnh đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng (TCTD), Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật giao dịch điện tử,... phù hợp với thực tiễn. Qua đó tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động của các TCTD nói riêng.

VNBA cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan đăng ký đất đai hỗ trợ ngân hàng trong việc xử lý tài sản bảo đảm (TSĐB), đăng ký biến động, đăng bộ sang tên đối với TSĐB xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán nợ, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu, “chứng khoán hoá” các khoản nợ, nợ xấu để phát hành cho nhà đầu tư.

Đồng thời rà soát các quy định tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý nợ xấu, qua đó để giải quyết nợ xấu một cách hiệu quả và tạo điều kiện phát triển cho thị trường mua bán nợ…

Đánh giá thực tiễn công tác xử lý nợ xấu tại Việt Nam, Tổng Thư ký VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 1,3 triệu tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, giai đoạn 2012 - 2015 đã xử lý được 493.000 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 xử lý được 716.670 tỷ đồng và 8 tháng đầu năm 2021 xử lý được 90.100 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD trong giai đoạn 2016 - 2020 được duy trì dưới mức 3% và giảm liên tục qua các năm.

Về kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, tổng nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD đến 31/8 là 424.100 tỷ. Số nợ đã xử lý là 364.100 tỷ đồng từ 15/8/2017 - 31/8/2021.

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 189.200 tỷ đồng (chiếm 51,97%); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 94.990 tỷ đồng (chiếm 26,09%); xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 79.900 tỷ đồng (chiếm 21,94%).

Tốc độ xử lý trung bình khoảng 7.150 tỷ đồng/tháng, cao hơn 3.630 tỷ đồng/tháng, gấp hơn 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu giai đoạn 2012 - 2017.

Anh Khôi

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục