Đề xuất cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nếu không rút bảo hiểm xã hội một lần

(Banker.vn) Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất không rút bảo hiểm xã hội một lần thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, chi trả từ Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Rút bảo hiểm xã hội một lần phải có giám định y khoa khi mắc bệnh? Chính phủ đề xuất hai phương án quy định rút bảo hiểm xã hội một lần

Cụ thể, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất người sau một năm nghỉ việc mà chọn bảo lưu thời gian đóng, không rút bảo hiểm xã hội một lần thì được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, chi trả từ Quỹ Bảo hiểm xã hội. Thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Theo quy định hiện hành, lao động sau nghỉ việc chưa tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu muốn tham gia bảo hiểm y tế thì đăng ký theo hộ gia đình. Mức đóng bảo hiểm y tế hiện tại bằng 4,5% lương cơ sở với người thứ nhất, từ người thứ hai đến người thứ năm đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%, 40% mức phí của người đầu tiên. Tiền đóng bảo hiểm y tế theo năm với các thành viên hộ gia đình lần lượt là 972.000 đồng; 680.400 đồng; 583.200 đồng; 486.000 đồng và 388.800 đồng và sẽ tăng khi lương cơ sở điều chỉnh.

Đề xuất cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nếu không rút bảo hiểm xã hội một lần

Việc nêu đề xuất này theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là nhằm hỗ trợ cho lao động mất việc có thêm chính sách hỗ trợ tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt. Mức cụ thể đang được liên ngành lao động - Ngân hàng Nhà nước bàn thảo và sẽ có hướng dẫn nếu được thông qua. Việc gia tăng quyền lợi để lao động có thêm "giá đỡ" trong thời gian tìm kiếm công việc mới và cân nhắc hưởng một lần.

Tại tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án giải quyết bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án một: Rút bảo hiểm xã hội một lần được giải quyết với hai nhóm lao động khác nhau. Nhóm một là người đóng tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc mà có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Nhóm hai, với người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau ngày 1/7/2025 sẽ không được nhận bảo hiểm xã hội một lần, trừ các trường hợp theo quy định.

Phương án hai: Lao động đóng bảo hiểm xã hội dưới 20 năm mà sau 12 tháng nghỉ việc không thuộc diện đóng bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được rút một lần nếu có yêu cầu. Quyền lợi giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ sau khi đủ điều kiện.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề hết sức nhạy cảm, phức tạp, vì vậy Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với cả hai phương án trên.

Số liệu thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy trong giai đoạn 2016-2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%.

Những người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%), nhóm tuổi từ trên 20 đến đủ 30 tuổi đứng thứ 2 (chiếm khoảng 37,1%); nhóm tuổi từ trên 40 tuổi đến đủ 50 tuổi đứng thứ 3 (chiếm khoảng 15,4%), nhóm tuổi từ trên 50 tuổi đến đủ 60 tuổi đứng thứ 4 (chiếm khoảng 5,8%), nhóm tuổi từ trên 60 tuổi đứng thứ 5 (chiếm khoảng 1,1%), thấp nhất là nhóm từ đủ 20 tuổi trở xuống (chiếm khoảng 0,3%).

Số liệu trên cho thấy, hiện người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là lao động trẻ, từ trên 20 tuổi đến đủ 40 tuổi, chiếm khoảng 77,5% trong tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Áp lực về tài chính (bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ...) và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc (công việc chưa ổn định, bản thân muốn tìm kiếm cơ hội tốt hơn...) khiến những lao động trẻ có xu hướng nhận bảo hiểm xã hội 1 lần khi gặp khó khăn.

Từ thực tế đó, việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần sớm vẫn có thể tiếp tục gia tăng, bởi hầu hết lao động trẻ quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt (ngắn hạn) hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già (dài hạn).

Trước thực trạng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng liên tục hằng năm, ảnh hưởng đến độ bao phủ bảo hiểm xã hội và gia tăng số lao động đến tuổi nghỉ hưu không có lương hưu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi phương án hạn chế người lao động rút toàn bộ tiền tham gia bảo hiểm xã hội trong một lần.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, mục tiêu cuối cùng của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại, bất lợi khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương