Đề nghị làm rõ căn cứ xây dựng phương án tăng GDP và CPI năm 2024

(Banker.vn) Theo Ủy ban Kinh tế, một số năm trở lại đây, kết quả thực hiện và mục tiêu đề ra không sát, nhất là các chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng và lạm phát.
Có thể xây dựng phương án kinh doanh với lạm phát 10% Quảng Ninh xây dựng phương án điều chỉnh kịch bản tăng trưởng kinh tế
Đề nghị làm rõ căn cứ xây dựng phương án tăng GDP và CPI năm 2024
Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn - Ảnh: Duy Linh

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa hoàn thành báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Đây là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 27, sáng 16/10 tới.

Với năm 2024, Chính phủ nhận định, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi vẫn tiếp tục phải đối mặt với không ít những hạn chế, yếu kém và nhiều khó khăn, thách thức lớn. Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn, hậu quả và tác động của dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài; rủi ro của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường hơn...

Nhìn chung, năm 2024 là năm thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023, Chính phủ nhìn nhận.

Trong mục tiêu của kế hoạch năm sau, Chính phủ xác định tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển các loại thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững…

Chính phủ cũng dự kiến 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: Tăng trưởng GDP từ 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%-24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8%-5,3%...

Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, năm 2024 các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và có thể tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ở trong nước, bên cạnh những yếu tố thuận lợi kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, song các rủi ro vẫn còn hiện hữu. Năng lực cung ứng vốn của nền kinh tế còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng trong khi thị trường vốn, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; hệ thống ngân hàng cũng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu. Thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Một số bất cập, hạn chế tích tụ của nền kinh tế trong nhiều năm qua chưa được giải quyết triệt để.

Cơ bản thống nhất với các định hướng lớn, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu theo báo cáo của Chính phủ, song đối với các chỉ tiêu cụ thể, Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ xây dựng phương án tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6,0-6,5% và tốc độ tăng CPI bình quân là 4,0-4,5% nhưng báo cáo không nêu luận cứ của đề xuất này.

Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ căn cứ khoa học và thực tiễn xây dựng phương án tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2024. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ quan tâm nâng cao chất lượng công tác dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vì một số năm trở lại đây, kết quả thực hiện và mục tiêu đề ra không sát, nhất là các chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng và lạm phát.

Đơn cử, năm 2022, mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%, kết quả thực hiện là 8,02%; năm 2023, mục tiêu khoảng 6,5% và kết quả nhiều khả năng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu (6 tháng tăng 3,72%.

Bên cạnh đó, khi trình Quốc hội kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chỉnh phủ đề xuất nới chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân lên khoảng khoảng 4,5%, cao hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu của các năm trước nhưng thực tế, bình quân 8 tháng chỉ số CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ và ước cả năm khoảng 3,5%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đề ra.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 cũng như giai đoạn 2021 - 2025.

Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 yêu cầu “Đưa các chỉ tiêu về phát triển nhà ở, trong đó có chỉ tiêu bắt buộc phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của cả nước và từng tỉnh, thành phố”, cơ quan thẩm tra nêu lý do càn bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.

baodautu.vn

Theo: Báo Công Thương