Kết quả giải ngân vốn đạt thấp
Ngày 15/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2023”.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành tại phiên họp |
Thay mặt lãnh đạo Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho biết, ngày 10/11/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, theo đó Quốc hội cho phép chuyển nguồn dự toán ngân sách nhà nước thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) sang năm 2024 tiếp tục thực hiện, nhưng không bao gồm vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023.
Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, việc giải ngân chậm (nhất là vốn sự nghiệp) phần lớn là do nguyên nhân chủ quan, nhiều văn bản hướng dẫn đến cuối năm 2023 mới được hoàn thành, sửa đổi, bổ sung để thực hiện, dẫn đến kết quả giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia đến ngày 30/9/2023 đạt thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp mới đạt khoảng 15% (3.800 tỷ đồng).
Theo báo cáo của Chính phủ, nếu không được kéo dài nguồn vốn thực hiện năm 2023 sang năm 2024 sẽ dẫn đến việc hủy dự toán năm 2023 khoảng 16.000 tỷ đồng, gồm 15.000 tỷ đồng vốn sự nghiệp, 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Trong đó, riêng vốn sự nghiệp năm 2022 chuyển sang năm 2023 không giải ngân hết còn khoảng 3.713 tỷ đồng.
Qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường ngày 30/10/2023 và kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 9458/BC-BKHĐT ngày 10/11/2023, Đoàn giám sát thấy rằng, để đảm bảo nguồn lực thực hiện các Chương trình, việc cho phép kéo dài vốn năm 2023 chưa giải ngân hết (bao gồm cả vốn năm 2022) sang năm 2024 là cần thiết.
Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với việc cho phép kéo dài nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia như sau: “Cho phép kéo dài vốn năm 2022 của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết năm 2023 (bao gồm vốn đầu tư phát triển, kinh phí chi thường xuyên của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) sang thực hiện trong năm 2024”.
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Về chủ trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, ông Nguyễn Lâm Thành cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có Tờ trình số 557/TTr-CP ngày 16/10/2023 nêu rõ những vấn đề vướng mắc trong thực hiện các Chương trình và đề nghị Quốc hội xem xét, cho chủ trương giao Chính phủ chuẩn bị, trình Quốc hội hồ sơ về một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp gần nhất theo quy trình rút gọn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh phát biểu |
Trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc đã chủ trì, xin ý kiến các Ủy ban: Tài chính, Ngân sách; Kinh tế; Pháp Luật và nhận được sự đồng thuận cao về chủ trương cho phép xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình.
Theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ sẽ phải thực hiện 2 quy trình báo cáo Quốc hội gồm: Báo cáo xin chủ trương xây dựng Nghị quyết; Trình Quốc hội hồ sơ dự thảo Nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng.
Vì vậy, để bảo đảm kỳ họp gần nhất Quốc hội có thể xem xét thông qua được Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong bối cảnh chỉ còn 2 năm thực hiện các Chương trình, Đoàn giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thể hiện trong dự thảo Nghị quyết giám sát nội dung: Thông qua chủ trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định cơ cấu nguồn vốn, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn. Giao Chính phủ xây dựng Hồ sơ theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đối với việc kéo dài vốn kế hoạch năm 2022 của Chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết và kéo dài sang năm 2024, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất chỉ kéo dài phần vốn sự nghiệp năm 2023 để tiếp tục thực hiện trong năm 2024.
Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa qua, khi xây dựng dự toán ngân sách năm 2024 đã thông qua nội dung kéo dài vốn năm 2023 để thực hiện tiếp trong năm 2024.
Tuy nhiên, qua thảo luận tại Hội trường, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh bày tỏ thống nhất với sự cần thiết của việc chuyển nguồn đối với vốn sự nghiệp năm 2022 mà đến nay chưa giải ngân hết.
Bên cạnh đó, dự toán năm 2024 cũng đã được Quốc hội thông qua, do đó, ông Lê Quang Mạnh đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ thêm vấn đề này trong việc ảnh hưởng đối với dự toán của năm 2024 để Quốc hội có căn cứ xem xét.
Về vấn đề liên quan đến cơ chế đặc thù, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng thống nhất việc thông qua chủ trương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, giao Chính phủ xây dựng hồ sơ theo thủ tục rút gọn và trình Quốc hội trong Kỳ họp gần nhất.
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|