Đề nghị ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hydrogen

(Banker.vn) Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch năm 2024.
Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Cần cơ chế đột phá về nguồn nhân lực để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển

Theo đó, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo hydrogen

Phát biểu ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp, đại biểu Phạm Thúy Chinh - đoàn Hà Giang bày tỏ quan tâm về nội dung đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025...

Đề nghị ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hydrogen
Đại biểu Phạm Thúy Chinh - đoàn Hà Giang (Ảnh: Quochoi.vn)

Đặc biệt về phát triển năng lượng tái tạo hydrogen và năng lượng amoniac xanh. Đại biểu cho biết: Một trong những nhiệm vụ giải pháp mà Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm.

Trong đó, Chính phủ đã quyết liệt triển khai chương trình hành động thực hiện các cam kết tại COP 26 và tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng công bằng JETP đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo hydrogen.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh đã đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ và tin tưởng cùng với công nghiệp bán dẫn, đây sẽ là những chiến lược mang tính đột phá trong điều kiện Việt Nam có tiềm năng lợi thế rất lớn về năng lượng tái tạo, đầu vào của hydrogen và amoniac xanh đó cũng là xu hướng của thế giới khi đã có khoảng 40 quốc gia xây dựng chiến lược hydrogen với khoảng 500 dự án quy mô lớn với trị giá khoảng 240 tỷ USD đã được công bố.

Tuy nhiên, vị nữ đại biểu này cũng cho rằng, quyết tâm chính trị thôi chưa đủ mà cần có khung khổ pháp luật để tạo môi trường thuận lợi an toàn, bền vững cho chuyển đổi năng lượng thành công.

"Tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo, rà soát cần sớm sửa đổi Luật Điện lực, nghiên cứu xây dựng Luật Năng lượng tái tạo trong đó có chương riêng quy định về hydrogen và amoniac xanh, đồng thời tại kỳ họp này đề nghị Quốc hội đưa vào nghị quyết kỳ họp nội dung giao Chính phủ sớm xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn và hydrogen như ngành kinh tế mới mang tính đột phá nhằm tạo động lực phát triển" - đại biểu Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh.

Đề nghị ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hydrogen
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng 1/11 tại hội trường (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Phạm Thúy Chinh đề nghị, Chính phủ cần sớm đề xuất với Quốc hội ban hành một số cơ chế chính sách tài chính đặc thù cho ngành công nghiệp hydrogen từ các nguồn tài chính hợp pháp kể cả hỗ trợ từ ngân sách nhà nước qua chính sách thuế, phí, lãi suất và các Quỹ hỗ trợ nghiên cứu triển khai công nghệ mới để kích thích thu hút đầu tư tư nhân theo phương thức đối tác công tư và phát triển ngành hydrogen.

Vẫn còn tình trạng chậm trễ cung ứng thuốc

Ngoài ra trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu cũng rất quan tâm đến vấn đề thiếu thuốc, vật tư trong điều trị tại các bệnh viện.

Phát biểu tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - đoàn Bình Định cho biết, hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện, không còn hiện tượng phải mua thuốc ngoài.

Đại biểu cho rằng, nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.

Đề nghị ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và hydrogen
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định (Ảnh: Quochoi.vn)

Khó khăn nhất hiện nay là không thể mua được hàng chất lượng tốt và phát triển được kỹ thuật mới. Rất nhiều hàng kém chất lượng vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ có hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.

Bên cạnh đó, các vấn đề đầu tư công, hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế xã hội, sách giáo khoa, tháo gỡ điểm nghẽn trong tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế... đã được các đại biểu đề cập và tranh luận.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục