ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: Ban hành chính sách phải khả thi và đặt mình dưới góc độ người dân, doanh nghiệp

(Banker.vn) Theo ĐBQH, chúng ta không cần nhiều chính sách nhưng cần nâng cao tính khả thi và cần đứng từ góc độ người dân, doanh nghiệp để hiểu hơn họ thực sự muốn gì...
Các ngân hàng tiếp tục “bung” gói vay ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp Doanh nghiệp FDI than mất nhiều thời gian để giải quyết thủ tục hành chính Thêm “trợ lực” hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Làm rõ thêm nguyên nhân tiến độ giải ngân chậm

Ngày 25/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân - đoàn Bình Dương cho biết, nhiều kỳ tích của Nghị quyết 43 cho nền kinh tế - xã hội đã được nêu ra, như GDP năm 2022 tăng 8,12%, năm 2023 đạt 5,05%, nợ công còn 37%, tăng giải ngân đầu tư công cho 635 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020…

Bên cạnh đó, 8 dự án trọng điểm quan trọng quốc gia cũng được đánh giá để chỉ ra mặt tích cực cũng như hạn chế, nguyên nhân và giải pháp. “Tôi nhận thấy, đây là một báo cáo rất toàn diện và đồ sộ”, ông Huấn nhấn mạnh.

Quan tâm tới chính sách tài khoá, đại biểu Nguyễn Quang Huân khái quát một số mục tiêu chính của Nghị quyết số 43, trong giai đoạn 2021-2025, GDP phải tăng 6,5-7%; nợ công dưới 60% GDP, mức cảnh báo là 55% GDP; tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân...

Trong báo cáo giám sát về Nghị quyết 43 cũng đã phân tích mặt tích cực thì cũng nêu rõ một số hạn chế. Đó là, tiến độ giải ngân chậm. Theo ông Huân, nếu có thể thì nên báo cáo thêm nguyên nhân của tiến độ giải ngân chậm. Vì gần như tại các cuộc họp nào của Quốc hội cũng nêu ra tiến độ giải ngân chậm, nhưng khi phân tích thì vẫn còn định tính.

Đồng thời, nếu đưa ra được các đầu mục, số lượng lý do nguyên nhân chậm thì cũng cần nêu lý do chính nào gây ra chậm và chậm với mức độ bao nhiêu %. "Khi chúng ta tính toán cụ thể được như vậy thì sẽ đưa ra được giải pháp cụ thể hơn" - ông Huân nói.

Ví dụ, phân tích việc giải ngân chậm, vậy chậm thì có bao nhiêu % do nền kinh tế không hấp thụ được? Có phải do thời gian đưa ra chính sách hỗ trợ quá ngắn khiến nền kinh tế không kịp hấp thụ, doanh nghiệp không kịp tiếp cận?

Hay, có những khu vực của nền kinh tế có thể hấp thụ được gói hỗ trợ từ Nghị quyết 43 nhưng tại sao không chuyển sang? Đơn cử, chuyển sang khu vực giải phóng mặt bằng cho những dự án trọng điểm quốc gia. Mặc dù, chưa nhìn thấy ngay kết quả nhưng lại tạo tiền đề cho những năm sau, những dự án sau. Đặc biệt, mục tiêu của chúng ta là bơm tiền vào nền kinh tế để kích cầu thì hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Ngoài ra, quy trình có làm ảnh hưởng gì đến việc làm chậm tiến độ giải ngân hay không? Vì trong báo cáo cũng có nêu cho đến thời điểm này, có đến 5 lần Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho danh mục dự án nhưng vốn cũng chỉ bố trí được 76%, giải ngân được khoảng 61%. Như vậy, việc chậm giải ngân sẽ vẫn còn tái diễn nếu Nghị quyết 43 vẫn còn hiệu lực khi áp dụng cơ chế đặc thù như hiện nay.

Từ đó, ông Huân kiến nghị nên xem xét lại quy trình có phải là nguyên nhân gây ra chậm trễ hay không? Một nguyên nhân nữa là thủ tục. Một số nơi đề nghị các cơ chế đặc thù để giải quyết cho nhanh. Như vậy, chứng tỏ nếu không cơ chế đặc thù thì thủ tục rất lâu, chúng ta nên nghiên cứu thủ tục như thế nào để tiến độ giải ngân cho nhanh.

Phần gói hỗ trợ lãi suất 2% chỉ đạt được tỷ lệ giải ngân khoảng 3,05% kế hoạch, theo ông Huân nếu việc hỗ trợ lãi suất trong thời điểm các doanh nghiệp và nền kinh tế còn khó khăn thì đúng, nhưng hiện nay thì có cần tiếp tục triển khai gói hỗ trợ này nữa hay không? Nếu nền kinh tế và doanh nghiệp không hấp thụ được mà vẫn cố gắng tiêu hết gói 2% này thì có thể lại nảy sinh những vấn đề khác ngoài mong muốn. Vấn đề này cần có sự cân nhắc.

Chính sách hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - đoàn Hà Nội khẳng định, với sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội, Chính phủ, sự cố gắng của mỗi người dân và doanh nghiệp, đã đạt được kết quả không thể phủ nhận và đáng trân trọng.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu một số bài học kinh nghiệm cần rút ra cho chặng đường tiếp theo và cũng là để trả lời cho câu hỏi nếu như trong tương lai, một lần nữa dịch bệnh xảy ra liệu chúng ta có áp dụng những chính sách như đã áp dụng hay không?

Bài học thứ nhất, về tính kịp thời trong tổ chức thực hiện, đây là yêu cầu quan trọng nhất, xuyên suốt nghị quyết trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra. Nghị quyết quy định rất rõ các giải pháp phải kịp thời, các chính sách phải khẩn trương và nguồn vốn phải hấp thụ được ngay.

“Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, đến nay có một số nhiệm vụ chưa kịp hoàn thành, làm giảm tính thời sự, ảnh hưởng đến tính ứng phó kịp thời của một số chính sách” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Bài học thứ hai, về cách lựa chọn chính sách và tính khả thi của một số chính sách. Bên cạnh rất nhiều chính sách hợp lý cũng có những chính sách đến nay chưa thực sự đi vào cuộc sống, như chính sách hỗ trợ thông qua ngân hàng thương mại, chính sách hỗ trợ vốn của Quỹ Phát triển du lịch hay việc sử dụng Quỹ Viễn thông công ích.

"Nếu có thể làm lại, cá nhân tôi cho rằng rất cần có trọng tâm, trọng điểm, chúng ta không cần nhiều chính sách nhưng cần nâng cao tính khả thi và đặc biệt cần đứng từ góc độ người dân để hiểu hơn người dân thực sự cần gì và doanh nghiệp thực sự muốn gì" - bà Mai bày tỏ.

Vấn đề tiếp theo, về cách đánh giá hiệu quả của toàn bộ chương trình, bà Mai cho rằng, để thấy được tính hiệu quả một cách chính xác, rất cần làm phép so sánh giữa tất cả nguồn lực bỏ ra và kết quả mang lại, bao gồm nguồn lực vật chất và nguồn lực con người, bao gồm kết quả vô hình và kết quả hữu hình.

Trong nghị quyết quy định rất rõ chỉ riêng gói kết cấu hạ tầng là 176.000 tỷ đồng, riêng việc giảm thuế suất 2%, thuế giá trị gia tăng là 44.596 tỷ đồng và riêng năm 2022 để giảm thuế VAT, ngân sách nhà nước đã giảm thu 41.198 tỷ đồng, như vậy nguồn lực ngân sách đầu tư là hiện hữu và không nhỏ. Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều kết quả chúng ta nhìn thấy thì cũng còn những nhiệm vụ chưa rõ ràng về hiệu quả, kết quả đầu ra cũng chưa rõ ràng.

Vấn đề tiếp theo liên quan đến đề xuất của Chính phủ. Trong báo cáo gửi Đoàn giám sát thì Chính phủ đề xuất cho phép kéo dài thời hạn giải ngân các dự án thuộc chương trình phục hồi đến hết năm 2025 và hiện nay trong số 272 dự án thuộc chương trình thì có đến 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50%.

Nếu như không cho phép kéo dài thì sẽ dẫn đến dở dang, lãng phí, như vậy, đây là bài toán cần xem xét thận trọng. Tuy nhiên, đại biểu cho hay, đối với một số dự án có hiệu quả giải ngân thấp và chưa thực hiện nghiêm các quy định liên quan thì có thể hủy dự toán, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Về các cơ chế đặc thù, tại Nghị quyết 43, trong một bối cảnh đặc biệt đã có những chính sách đặc biệt và qua giám sát cho thấy nhiều chính sách cũng phát huy tác dụng tốt, có thể nhân rộng để áp dụng rộng rãi, ví dụ như đơn giản hóa thủ tục trong khai thác mỏ hay đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi đất rừng đối với các dự án quan trọng quốc gia.

Song riêng với cơ chế chỉ định thầu, đại biểu chỉ ra, chỉ nên áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh để đảm bảo tính kịp thời, còn trong bối cảnh bình thường thì cần áp dụng các quy định chung của pháp luật về đấu thầu để đảm bảo tính công khai, minh bạch, không cho phép lợi dụng pháp luật.

Về việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án tuyến đường cao tốc. Qua giám sát cho thấy, có nhiều địa phương đã làm rất tốt nhưng cũng có những địa phương còn lúng túng.

Vì vậy, nếu như áp dụng nhân rộng mô hình này, theo đại biểu, cần chú ý 2 điểm: Thứ nhất, cần nâng cao năng lực thực hiện của các địa phương. Thứ hai, đi đôi với quyền hạn, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Cuối cùng, về các dự án quan trọng quốc gia. đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, đây là một điểm nhấn trong bức tranh về kết cấu hạ tầng, thể hiện sự quyết tâm và những kết quả rất đáng trân trọng của Chính phủ.

Tuy nhiên, có một điểm đại biểu mong muốn được quan tâm, đó là việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách. Chúng ta đã dự kiến đầu tư theo hình thức PPP đối với nhiều dự án nhưng cuối cùng vẫn phải chuyển sang đầu tư từ nguồn lực đầu tư công.

Có những nguyên nhân do thể chế, chính sách, nhưng cũng có những nguyên nhân do ý muốn chủ quan của người thực hiện và chỉ khi chúng ta thực sự mong muốn thì mặc dù khó khăn vẫn có thể tìm ra giải pháp để đưa chính sách đi vào cuộc sống như cách chúng ta vẫn nói "nếu muốn thì sẽ tìm ra cách".

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương