ĐBQH kiến nghị Bộ Công an làm rõ dấu hiệu lừa đảo, lừa dối khách hàng trong việc bán bảo hiểm

(Banker.vn) Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách sáng 31/5, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã trình bày những bất cập về thị trường bảo hiểm.

Quan tâm đến lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy phản ánh, về bản chất, bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ con người, giảm thiểu những mất mát, thiệt hại trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe, ốm đau, bệnh tật. Tuy nhiên, sau nhiều kiện cáo, bức xúc của khách hàng được đăng tải công khai thời gian vừa qua đã khiến cho dư luận không khỏi nghi ngại. Vừa qua, nhiều tờ báo đã đăng tải các bài để chỉ cách cho người dân tránh rủi ro khi mua bảo hiểm nhân thọ. Cho thấy đã đến lúc cần nghiêm túc xem xét vấn đề này để những giá trị cốt lõi nhân văn của bảo hiểm nhân thọ không bị ảnh hưởng bởi những đối tượng cố tình vi phạm để trục lợi.

ĐBQH kiến nghị Bộ Công an làm rõ dấu hiệu lừa đảo, lừa dối khách hàng trong việc bán bảo hiểm
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, hợp đồng bảo hiểm thường dài khoảng từ 70 đến 100 trang là sản phẩm tài chính phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà sự thua thiệt sẽ chủ yếu nằm về phía người mua. Hơn nữa, các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây thường dưới dạng liên kết đầu tư nên càng phức tạp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, đội ngũ tư vấn viên là khâu mấu chốt dẫn đến nhiều kiện cáo tranh chấp vừa qua. Chính vì tính chất rất phức tạp của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, cho nên mới cần đến đội ngũ tư vấn viên. Tuy nhiên, không ít tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí là sai lệch về sản phẩm mạo hiểm. Không ít tư vấn viên chỉ nói cho khách hàng về những quyền lợi mà họ được hưởng, không chỉ rõ cho khách hàng về những điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi…Đại biểu chỉ rõ đây chính là nguồn cơn dẫn đến nhiều bức xúc vừa qua do sự thiếu minh bạch trong tư vấn.

Về công ty bảo hiểm và các đại lý bảo hiểm, theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, bên cạnh những công ty làm ăn uy tín thì thời gian vừa qua có phát sinh nhiều vấn đề. Dư luận cũng đặt câu hỏi là có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng mà cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng. Khi một bên là công ty bảo hiểm chuyên nghiệp với một bên là người mua không chuyên nghiệp mà đẩy hết trách nhiệm cho phía người mua là không hợp lý cả về lý và tình.

Chỉ rõ, tỉ lệ tham gia bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam thuộc loại thấp trên thế giới, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng có rất nhiều việc cần phải làm để lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm nhân thọ để người dân hiểu đúng tin tưởng và không cảm thấy mạo hiểm khi mua bảo hiểm.

Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị Bộ Tài chính tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động mạo hiểm, nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Kiến nghị Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu của tội lừa đảo hoặc là tội lừa dối khách hàng. Kiến nghị các công ty bảo hiểm đã đến lúc cần rà soát lại toàn bộ các khâu của quá trình bảo hiểm từ khâu thiết kế hợp đồng đến tư vấn, ký kết hợp đồng và giải quyết khiếu nại của khách hàng. Chỉ khi thực sự minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề bảo hiểm, Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đã trình bày về vấn đề trách nhiệm kiểm tra, thanh tra trong chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

ĐBQH kiến nghị Bộ Công an làm rõ dấu hiệu lừa đảo, lừa dối khách hàng trong việc bán bảo hiểm
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam. (Ảnh: Quochoi.vn).

Quan tâm đến các chỉ tiêu cụ thể về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động, đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho rằng, mặc dù chỉ tiêu đạt được nhưng băn khoăn về tính bền vững và bất cập liên quan đến lĩnh vực này đã được báo cáo kiểm toán nêu.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho biết, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội chậm đóng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khá cao và đến nay chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết căn cơ. Số nợ đóng chậm đóng bảo hiểm đến hết năm 2021 là 16.350 tỷ đồng, còn thu trung 4.815 trường hợp bảo hiểm xã hội bắt buộc; thu hơn 100.000 bảo hiểm y tế trùng giữa ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng; thu trung hơn 8.000 thẻ bảo hiểm y tế; chi trùng, chi sai bảo hiểm thất nghiệp cần phải thu hồi khoảng 3.000 trường hợp.

"Hàng tháng chủ sử dụng lao động và người lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, sang tháng thứ hai, tháng thứ ba không đóng thì cơ quan quản lý sẽ biết.Tại sao cơ quan bảo hiểm xã hội không xử lý, mà để kéo dài trong suốt thời gian gian qua; trách nhiệm kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước như thế nào? Những khoản chi sai, chi trùng, nợ bảo hiểm xã hội của người lao động tồn đọng nhiều năm qua có phải là lãng phí nguồn lực, cơ thể của hàng triệu người lao động hay không?", đại biểu Lam nói.

Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét cần có một tổ chức độc lập để khảo sát, đánh giá toàn bộ lĩnh vực về chính sách bảo hiểm để có thay đổi và điều chỉnh một cách hợp lý trong từng giai đoạn, không sợ chỉ ra cái sai, trách nhiệm, bất cập, chồng chéo, lãng phí trong thực hiện chức trách để bảo hiểm xã hội luôn làm mới mình từ trong chính sách, thực sự là chỗ dựa của người lao động; đồng thời làm rõ hình hoạt động của cơ quan này.

"Cần quy định các chính sách đối với người lao động hiện nay chỉ mới giải quyết phần ngọn của vấn đề; quan tâm hơn đến các chính sách phòng ngừa, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm, tạo việc làm bền vững, hạn chế sa thải lao động, nhất là trong thời điểm này". Đại biểu Trần Thị Thanh Lam nói

Đại biểu cũng đề nghị các cơ quan có liên quan đặt mình vào hoàn cảnh của người lao động. Nợ bảo hiểm xã hội mất cơ hội việc làm để có chế tài mạnh mẽ và công cụ xử lý hữu hiệu hơn nữa để giải quyết dứt điểm những trường hợp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài.

Qua tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân và người lao động, cử tri và người lao động đề nghị Chính phủ cần sớm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn hiện tại của thị trường lao động ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động trong tình hình doanh nghiệp, thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất, sa thải lao động lớn tuổi; quan tâm đến điều kiện ăn, ở, học tập của con công nhân lao động...

ĐBQH lo ngại về bong bóng chứng khoán, bất động sản khi nguồn thu từ lĩnh vực này tăng đột biến

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính không mang tính bền vững, tiềm ...

Đại biểu Quốc hội: 2 công trình đường vành đai “để đời cho con cháu” cần giao Thủ tướng Chính phủ chỉ định thầu

Đại biểu Quốc hội của đoàn tỉnh Thái Bình cho rằng Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án ...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời băn khoăn “kỷ luật nhiều cán bộ như vậy thì lấy ai làm việc?”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, “không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau ...

Thiên Ân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán