ĐBQH đề nghị xử lý chặt chẽ sở hữu chéo giữa các ngân hàng

(Banker.vn) Một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại là việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại, cần được xử lý rốt ráo.

Một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại là việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại, cần được xử lý rốt ráo.

ĐBQH đề nghị xử lý chặt chẽ sở hữu chéo giữa các ngân hàng - Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung: Có giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng - Ảnh: VGP/LS

Kiểm soát việc nhiều cá nhân, pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng

Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội ngày 10/6/2023, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan đánh giá kỹ công tác quản lý Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, các quy định pháp luật có liên quan, các quy định cần sửa đổi để bảo đảm thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn, phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm của các ngân hàng thương mại, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn những tác động xấu ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Qua đó, bổ sung sửa đổi các quy định khác và Luật Tổ chức tín dụng để bảo đảm ngăn ngừa hiệu quả các sai phạm của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại với nhau, giữa ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp và việc các tập đoàn kinh tế thành lập ngân hàng để huy động vốn phục vụ chủ yếu cho hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp mình giữ cổ phần vốn sở hữu, dẫn đến khó kiểm soát, hoạt động thiếu minh bạch, dễ dẫn đến sai phạm và ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chung, nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền. Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ để xử lý các vấn đề này.

Về tỉ lệ sở hữu cổ phần được quy định tại Điều 55, việc quy định tỉ lệ tối đa sở hữu cổ phần của cá nhân theo hướng giảm so với quy định của luật hiện hành, đại biểu cho rằng, đứng trên khía cạnh kinh tế sẽ làm giảm năng lực đầu tư và hiệu quả sinh lời của dòng tiền, hạn chế việc huy động nguồn vốn từ xã hội vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Do đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị vốn điều lệ của tổ chức tín dụng cần xem xét ở góc độ là khoản đầu tư và yếu tố quản trị từ Ngân hàng Nhà nước về các chỉ số tài chính cần mở rộng phạm vi sở hữu vốn của cổ đông tính trên vốn điều lệ để bảo đảm ít hạn chế về đầu tư cổ phần tại tổ chức tín dụng nhưng các cổ đông này chỉ thuần túy tìm kiếm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Về cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu có quy định cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số và các tổ chức tín dụng là ngân hàng thương mại cổ phần tương tự như Luật Doanh nghiệp.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho rằng, tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Dự thảo Luật sửa đổi, điều chỉnh giảm tỉ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và mở rộng thêm các diện đối tượng liên quan là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn.

Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng cần nghiên cứu bổ sung 2 vấn đề. Một là, bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cần nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, cần phải rà soát luật hóa các quy định tính chính danh của tài khoản tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; hoàn thiện đồng bộ các văn bản hướng dẫn bảo đảm hiệu lực thi hành tại các văn bản quy phạm pháp luật phải liên thông với nhau, hỗ trợ việc xác định tính chính danh.

Đồng thời trong luật này cần có quy định cụ thể về các điều kiện bắt buộc các tổ chức tín dụng phải có nền tảng công nghệ, cơ sở vật chất trong nhận diện khách hàng để đảm bảo tính chính danh; yêu cầu tổ chức tín dụng có trách nhiệm rà soát, phát hiện và phối hợp với cơ quan Công an các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về tài khoản không chính danh.

Bảo vệ thông tin của khách hàng một cách nghiêm ngặt

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho biết, theo thông lệ quốc tế, thông tin của khách hàng trong một số ngành nghề được bảo vệ rất nghiêm ngặt như ngành ngân hàng, luật sư…

Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, nội dung liên quan đến quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Điều 14 của dự thảo Luật chưa thật sự đầy đủ. Cụ thể, dự thảo Luật này đang quy định, nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Theo đại biểu Nghĩa, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân với gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư cá nhân hoặc gia đình được pháp luật bảo đảm theo Hiến pháp, trừ trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…

Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại Điều 14 theo hướng chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các luật có liên quan; đồng thời đề nghị chỉ yêu cầu cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến vụ án được khởi tố, điều tra…

ĐBQH đề nghị xử lý chặt chẽ sở hữu chéo giữa các ngân hàng - Ảnh 2.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tiếp thu ý kiến ĐBQH chiều 10/6 - Ảnh: VGP/LS

Xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém

Đề cập đến việc xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (TP. Hà Nội) đề nghị dự thảo cần rà soát, bổ sung quy định về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước quy định nêu tại Khoản 5, Điều 160 của dự thảo luật theo hướng: quy định cụ thể các thời hạn, các phương án tương ứng trong trường hợp các tổ chức tín dụng không phục hồi được sau thời hạn đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt.

Đại biểu cũng đề nghị rà soát, bổ sung Khoản 1, Điều 152 về thực hiện phương án khắc phục theo hướng yêu cầu tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp can thiệp sớm, hàng quý báo cáo tình hình thực hiện phương án khắc phục để đảm bảo được tính cấp thiết, hiệu quả của việc can thiệp sớm.

Dự thảo luật cũng cần xem xét, hướng dẫn quy định chuyển tiếp đối với việc định giá các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 có hiệu lực, theo hướng cho phép chuyển nhượng phần vốn góp theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua và quy định phương pháp xác định giá chuyển nhượng phần vốn góp trong trường hợp này.

Thảo luận về dự án luật sửa đổi, đại biểu Trần Nhật Minh (tỉnh Nghệ An) bày tỏ đồng tình cao với ý kiến thẩm tra cùa Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay được thực hiện rõ ràng, đầy đủ hơn. Đồng thời cần đánh giá tổng thể, khách quan trong bối cảnh hiện nay yêu cầu đặt ra với công tác xử lý nợ xấu.

Từ đó hoàn thiện các quy định bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường.

Về những nội dung được luật hóa trong dự thảo, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, một số quy định chưa giải quyết được căn cơ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cảm ơn các ý kiến góp ý tại buổi thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường trên tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc. Ban soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật.

Báo cáo về một số vấn đề lớn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đối với các ý kiến cần có một chương hay một phần riêng quy định về ngân hàng chính sách, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, qua các cuộc hội thảo, tọa đàm và ý kiến của các cơ quan liên quan, ban soạn thảo đã thiết kế Điều 17 đối với loại hình ngân hàng chính sách xã hội theo hướng quy định chung nhất.

Về ý kiến phát biểu của đại biểu tại tổ, cũng như thảo luận tại hội trường đề nghị có một chương riêng hoặc một phần riêng quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, hoạt động và thậm chí về xử lý nợ xấu cũng như về tái cơ cấu các ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, nhưng trên thực tế, luật chung khó có thể quy định cụ thể cho từng loại ngân hàng.

Theo Lê Sơn/baochinhphu.vn

Theo: Tạp chí Ngân hàng