Đẩy mạnh truyền thông tạo cầu nối thu hút hợp tác, đầu tư vào tỉnh Bắc Kạn

(Banker.vn) Theo Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh, truyền thông là một công cụ mạnh mẽ giúp Bắc Kạn khai thác triệt để tiềm năng và thế mạnh của mình.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Bắc Kạn CHÙM ẢNH: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc tại tỉnh Bắc Kạn Khẩn trương triển khai tốt công tác quy hoạch, tạo động lực phát triển mới cho Bắc Kạn

Chiều 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác của Bộ Công Thương đã tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện các Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng Bộ; Tổng cục Quản lý thị trường; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Thị trường trong nước; Cục Xúc tiến thương mại; Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Xuất nhập khẩu; Cục Phòng vệ thương mại; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số; Cục Công Thương địa phương; Cục Công nghiệp; Báo Công Thương…

Về phía tỉnh Bắc Kạn có ông Hoàng Duy Chinh - Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các Sở, ban, ngành địa phương.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh cho rằng: Truyền thông luôn được coi là một trong những yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi như Bắc Kạn. Khi xét về tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, truyền thông không chỉ là phương tiện kết nối thông tin mà còn là cầu nối giữa các nhà đầu tư, du khách và người dân địa phương, tạo đà cho sự phát triển bền vững và toàn diện.

Theo Tổng Biên tập Báo Công Thương Nguyễn Văn Minh, một trong những ví dụ điển hình về ảnh hưởng của truyền thông đối với phát triển kinh tế là câu chuyện thành công của các tỉnh nghèo khác như Lào Cai hay Quảng Bình. Dù xuất phát điểm khó khăn hơn Bắc Kạn, họ đã tạo ra những cú đột phá mạnh mẽ nhờ vào công tác truyền thông. Lào Cai, với thị trấn Sa Pa nổi tiếng đã trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam, phần lớn nhờ vào chiến lược quảng bá hiệu quả. Quảng Bình, từ một tỉnh nghèo với gió lào và cát trắng đã chuyển mình thành một điểm sáng về du lịch nhờ truyền thông mạnh mẽ, giới thiệu tiềm năng và vẻ đẹp hoang sơ của mình tới toàn cầu.

“Việc truyền thông mạnh mẽ giúp Bắc Kạn không chỉ nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị du lịch địa phương mà còn thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư. Bắc Kạn có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, đặc biệt là Hồ Ba Bể - một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam” - Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh. Tuy nhiên, để thu hút được du khách và nhà đầu tư, truyền thông cần phải được chú trọng hơn nữa. Những câu chuyện, hình ảnh về thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa đa dạng của Bắc Kạn cần được lan tỏa rộng rãi hơn trên các kênh truyền thông trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh truyền thông tạo cầu nối thu hút hợp tác, đầu tư vào tỉnh Bắc Kạn
Theo Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh, việc truyền thông mạnh mẽ giúp Bắc Kạn không chỉ nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị du lịch địa phương mà còn thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực du lịch, truyền thông còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các ngành công nghiệp, doanh nghiệp, và nhà đầu tư. Thông qua các hội nghị, hội thảo, và các sự kiện kết nối, Bắc Kạn có thể tạo ra những cơ hội hợp tác và đầu tư mới.

Các chương trình hội thảo do Báo Công Thương tổ chức tại Thái Bình hay Quảng Bình đã giúp những tỉnh này thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo bộ, ngành và các doanh nghiệp lớn. Nếu Bắc Kạn có sự hiện diện mạnh mẽ hơn trong những sự kiện tương tự, chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác và phát triển.

Cũng theo Tổng Biên tập Nguyễn Văn Minh, sự thành công trong việc phát triển kinh tế không chỉ phụ thuộc vào tiềm năng tự nhiên hay văn hóa mà còn ở cách tỉnh Bắc Kạn sử dụng và phát huy các công cụ truyền thông hiện đại. Bắc Kạn cần xây dựng một chiến lược truyền thông dài hạn, tập trung vào việc quảng bá những điểm mạnh của tỉnh như du lịch sinh thái, kinh tế rừng và giá trị văn hóa lịch sử.

Hiện Bắc Kạn là tỉnh thành có tỷ lệ đảng viên cao nhất cả nước, lên đến 11% dân số. “Đây là một nguồn lực to lớn mà nếu được phát huy đúng cách, sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển.” – Tổng Biên tập Báo Công Thương khẳng định.

Truyền thông có thể giúp làm nổi bật vai trò của các đảng viên trong việc dẫn dắt, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này sẽ tạo ra một sự đồng thuận mạnh mẽ, giúp Bắc Kạn không chỉ duy trì mà còn nâng cao vị thế của mình.

Dù còn nhiều khó khăn về hạ tầng và điều kiện tự nhiên, nhưng nếu biết tận dụng sức mạnh của truyền thông, Bắc Kạn sẽ có cơ hội vươn lên mạnh mẽ trong tương lai. Việc đầu tư vào công tác truyền thông, từ quảng bá du lịch đến kết nối đầu tư và phát huy nội lực, sẽ là chìa khóa giúp Bắc Kạn không chỉ phát triển kinh tế mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Thúy Vy

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục