Tại Triển vọng tín dụng của ngành dịch vụ Chứng khoán Việt Nam do FiinRatings công bố mới đây, quy mô tổng tài sản của 68 công ty chứng khoán đang hoạt động đạt 383.000 tỷ đồng và quy mô vốn chủ đạt 178.000 tỷ đồng vào 30/6/2022. Quy mô vốn chủ sở hữu này đã tăng ở mức 3,17 lần so với thời điểm cuối năm 2017 và hệ số đòn bảy (Tổng tài sản/ Vốn chủ sở hữu) ở mức 2,2 lần vào giữa năm 2022.
Mặc dù quy mô cho vay margin đã giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2022, tuy nhiên, FiinRatings đánh giá đây là mức độ đòn bẩy cơ bản vẫn ở ngưỡng khá an toàn trên góc nhìn toàn ngành mặc dù có nhiều công ty có mức độ đòn bẩy cao hơn Điều này có được nhờ các công ty chứng khoán hiện đã đa dạng hóa mô hình thu nhập bao gồm tự doanh/ đầu tư, môi giới, cho vay ký quỹ và tư vấn tài chính/ phát hành.
Hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán giờ đây không quá tích cực |
Tuy nhiên, hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán giờ không quá tích cực nhưng vẫn đóng góp lớn khoảng 44-50% vào cơ cấu thu nhập hoặc lợi nhuận hoạt đông của ngành. Điều này cho thấy một số công ty có tỷ trọng thu nhập từ tự doanh lớn, ở mức độ thường xuyên trên 60% tổng thu nhập sẽ chịu sự tác động lớn của diễn biến suy giảm của VN-Index trong thời gian vừa qua.
Khối công ty chứng khoán dự báo sẽ đối diện với 5 rủi ro sắp tới, bao gồm rủi ro thanh khoản, danh mục tự doanh, tín dụng, và rủi ro từ chính sách.
Theo Fiinratings, thanh khoản bình quân ngày trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ ở mức khoảng 60% so với bình quân năm 2021 sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu mảng môi giới và cho vay margin. Các công ty chứng khoán cho vay margin tỷ trọng lớn ở cổ phiếu đầu cơ hoặc cổ phiếu nhỏ sẽ đối diện rủi ro cao hơn. Tự doanh cũng sẽ bị ảnh hưởng trước bối cảnh thị trường suy giảm như từ đầu năm tới nay.
FiinRatings cũng ghi nhận một số công ty chứng khoán gia tăng sở hữu trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết và có chất lượng tín dụng chưa cao. Do đó, nhà đầu tư cần đánh giá chất lượng danh mục đầu tư cụ thể của mỗi công ty chứng khoán khi thực hiện giám sát và quản trị rủi ro tín dụng cho vay.
Rủi ro từ việc kiểm soát rủi ro tín dụng được thực hiện bởi Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng hiện cung cấp hạn mức tín dụng cho các công ty chứng khoán. Lý do là hiện phần lớn cơ cấu vốn nợ của các công ty chứng khoán là vốn ngắn hạn và rất ngắn hạn. Nợ dài hạn bao gồm trái phiếu chỉ chiếm khoảng 3% trong tổng cơ cấu nguồn vốn (bao gồm vốn vay và vốn chủ) của các công ty chứng khoán. Trước các biện pháp hạn chế dòng tiền vào kênh tài sản tài chính như hiện nay, điều này sẽ tạo áp lực không nhỏ lên thanh khoản của một số công ty chứng khoán yếu.
Rủi ro lãi suất và tỷ giá cũng cần lưu ý khi lãi suất đầu vào đang gia tăng và trong khi đó các công ty chứng khoán có hạn mức tín dụng từ các ngân hàng thường có tính chất thả nổi. Do đó, điều này sẽ góp phần làm giảm lợi nhuận từ hoạt động cho vay ký quỹ nói riêng và lợi nhuận cả năm 2022 của các công ty chứng khoán.
Và rủi ro chính sách, ví dụ Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu vừa mới đi vào hiệu lực sẽ làm cho một số công ty chứng khoán vốn có nguồn thu đáng kể từ tư vấn phát hành trái phiếu, phân phối trái phiếu và kinh doanh kỳ hạn trái phiếu sẽ cần thời gian để tăng trưởng hoạt động này trở lại trong khi danh mục đầu tư trái phiếu lại có rủi ro cao hơn. Điều này một phần từ tiêu chuẩn phân phối trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư chuyên nghiệp giờ chặt chẽ hơn (2 tỷ số dư bình quân 180 ngày gần nhất).
Dẫu vậy, triển vọng dài hạn của ngành dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam vẫn còn rất lớn nhờ vào tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tham gia thấp của nhà đầu tư trên tổng dân số cũng như quy mô thị trường vốn được dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng ngắn hạn, đang bị tác động bởi các yếu tố trên.
Linh Đan
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|