Đầu tư và xây dựng TNG: Từ ông lớn ngành nước đến những cuộc M&A đình đám (Bài 2)

(Banker.vn) Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL) vừa công bố kết quả kinh doanh bán niên 2024 kém khả quan. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi bối cảnh thị trường xây dựng năm 2024 còn nhiều khó khăn. Đặc biệt đây cũng là giai đoạn giao thời sau cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra vào năm 2022 với sự hiện diện của cổ đông mẹ là Công ty CP Đầu và Xây dựng TNG.

Bài 2: Tổng công ty Thăng Long về làm con một nhà của Đầu tư và Xây dựng TNG như thế nào?

Tổng công ty Thăng Long - CTCP là một doanh nghiệp nhà nước được thành lập ngày 6/7/1973. Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp này có biến động lớn về sở hữu và hiện tại đã trở thành công ty con của Đầu tư và Xây dựng TNG thông qua một loạt thương vụ sang tay cổ phần.

Bước ngoặt cổ phần hóa

Sau 50 năm hoạt động, không khó để nhận ra diện mạo của nhà thầu hùng mạnh này với một loạt công trình tầm cỡ. Có thể kể đến các công trình in dấu ấn của TTL như: cầu Kiền, cầu Sông Gianh, Cầu Phù Đổng, cầu Vĩnh Tuy, cầu Hoàng Long, cầu Pá Uôn, Đường cao tốc Sài Gòn -Trung Lương, Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên– Quốc lộ 3, các nút giao cầu vượt thép tại Thành phố Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, Thăng Long còn thể hiện hiệu quả với vai trò là nhà đầu tư thông qua các dự án tiêu biểu như: Dự án BOT Cầu Yên Lệnh, Dự án BOT Đường 188.

Đầu tư và xây dựng TNG: Từ ông lớn ngành nước đến những cuộc M&A đình đám (Bài 2)

Tổng công ty Thăng Long từng tham gia xây dựng nhiều công trình hạ tầng quy mô lớn, trọng điểm

quốc gia, Ảnh minh họa

Ngày 7/5/2014, Tổng công ty Thăng Long đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Tổng công ty cổ phần.

Trước đó, vào ngày 24/3/2014, Tổng công ty Thăng Long đã tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Kết quả, hơn 12,3 triệu cổ phần được bán hết, giá đấu thành công bình quân là 21.007 đồng/cổ phần. Sau khi đấu giá, vốn điều lệ của DN đạt 300 tỷ đồng.

Ngay sau đó 1 năm, TTL có động thái đang chú ý là phát hành riêng lẻ 11,908 triệu cổ phần để nâng vốn điều lệ lên 419,080 tỷ đồng. Với giá phát hành 12.075 đồng/CP, đã có 13 nhà đầu tư ôm trọn, trong đó có 2 tổ chức và 11 cá nhân. Danh tính nhà đầu tư mua cổ phần không được tiết lộ. Giá phát hành riêng lẻ thấp hơn rất nhiều so với giá bình quân thông qua đấu giá công khai 1 năm trước đó là điểm gợn của đợt phát hành này.

Sự kiện cổ phần hóa và sau đó là niêm yết cổ phiếu vào năm 2018 đã tạo ra bước ngoặt lớn cho TTL trên nhiều phương diện mà sâu sắc nhất chính là câu chuyện "đổi chủ".

Theo danh sách cổ đông chốt vào thời điểm tháng 9/2017, Công ty CP TASCO sở hữu 14,838 triệu cổ phiếu TTL chiếm tỷ lệ lớn nhất 35,41%. Tiếp theo là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước với 10,5 triệu CP, chiếm tỷ lệ 25,05%. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội và Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội mỗi doanh nghiệp sở hữu 7,16%.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hơn 1 lần thể hiện quyết tâm thoái vốn khỏi TTL. Ngày 10/8/2022 SCIC dự kiến đấu giá trọn lô toàn bộ 10,5 triệu cổ phiếu TTL với giá khởi điểm 194,565 tỷ đồng, tương đương 18.530 đồng/cổ phần. Tuy nhiên cuộc đấu giá không thành công do không có người đăng ký mua. SCIC đành ngậm ngùi nắm giữ số cổ phần đó cho đến nay.

Trong một động thái đáng chú ý về mặt nhân sự, ông Vũ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Đầu tư Xây dựng TNG đã tiếp quản ghế chủ tịch HĐQT TTL vào tháng 11/2021 cho dù ở thời điểm đó, khối lượng cổ phần sở hữu của DN này tại TTL vẫn chưa phải là áp đảo. Sau đó, hàng loạt nhân sự chủ chốt làm việc lâu năm tại TTL đã từ nhiệm, thay vào đó là những nhân tố mới.

Năm 2022, Đầu tư và Xây dựng TNG đã củng cố quyền lực tuyệt đối tại TTL bằng cú sang tay cổ phần giữa Tasco và Đầu tư và Xây dựng TNG. Thương vụ này được thực hiện cùng lúc với việc ông Vũ Đức Độ đồng hương Bắc Giang với ông Tuấn ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT Tasco.

Tháng 7/2022, CTCP Tasco đã bán toàn bộ gần 16,2 triệu cổ phiếu TTL tương ứng với 38,6% vốn trong các ngày 4 và 5/7. Đồng thời, trong thời gian này, Đầu tư và Xây dựng TNG cũng thông báo mua vào đúng khối lượng mà Tasco bán ra trong các ngày 4 và 5/7. Trong một diễn biến liên quan trước đó, Xây dựng TNG cũng bắt đầu trở thành cổ đông lớn tại Tổng công ty Thăng Long từ cuối tháng 5 và liên tục mua gom số lượng lớn cổ phiếu.

Thương vụ giao dịch với Tasco có giá trị 300 tỷ đồng, đồng nghĩa với giá bán bình quân 18.400 đồng/cổ phiếu TTL. Với thương vụ nhượng trên, TNG đã tăng khối lượng sở hữu lên khoảng 21 triệu cổ phiếu TTL, tương ứng với 50,1% vốn - một điều kiện cần thiết để trở thành công ty mẹ.

Như vậy, sau 5 thập kỷ hoạt động và phát triển rực rỡ, hùng mạnh, từ một doanh nghiệp 100 vốn nhà nước, Thăng Long đã trở thành con của một công ty cổ phần tư nhân đến từ miền sơn cước Bắc Giang.

Kinh doanh ảm đạm

6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần TTL mang về đạt mốc 832 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí giá vốn tăng nhanh hơn kéo lùi lợi nhuận gộp của doanh nghiệp còn 64,2 tỷ đồng, giảm 15,1% so với cùng kỳ 2023.

Đầu tư và xây dựng TNG: Từ ông lớn ngành nước đến những cuộc M&A đình đám (Bài 2)
Sau 2 năm về tay Xây dựng TNG, hoạt động kinh doanh của Thăng Long chưa khởi sắc

Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm một nửa, trong đó chi phí tài chính chỉ giảm khá ít khiến lợi nhuận thuần từ HĐKD chỉ còn 7,3 tỷ đồng, tương ứng giảm 55,8% so với cùng kỳ.

Thu nhập khác từ con số dương của năm 2023 chuyển thành âm trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng góp phần làm lợi nhuận sau thuế của TTL giảm khá, còn lại 6,17 tỷ đồng và giảm 60% so với cùng kỳ.

Tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp ghi nhận ở mức 2.521 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khoản mục phải thu ngắn hạn (1.200 tỷ đồng), hàng tồn kho (705 tỷ đồng) và tài sản cố định (292 tỷ đồng). Trong nửa đầu năm, giá trị tài sản TTL đã giảm 10,5%, nguyên nhân chính là sự sụt giảm của tiền và tương đương tiền.

Lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD âm nặng 244 tỷ đồng trong khi dòng tiền từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính mặc dù dương nhưng vẫn không đủ sức để gồng gánh dẫn tới lưu chuyển tiền thuần của doanh nghiệp là âm 221 tỷ đồng. Vì vậy, cuối tháng 6 năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận tiền và tương đương tiền chỉ còn mức gần 97 tỷ đồng (giảm 70% so với cùng kỳ).

Đầu tư và xây dựng TNG: Từ ông lớn ngành nước đến những cuộc M&A đình đám (Bài 2)
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm nặng trong nửa đầu năm

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đặt dấu hỏi về khả năng thu hồi nợ của TTL khi Phải thu khách hàng ngắn hạn tương đối lớn.

Các khách hàng được thể hiện trên thuyết minh BCTC là Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội và TP. Hải Phòng với khoản phải trả 78 tỷ đồng, ngoài ra gần 300 tỷ đồng từ các đối tượng khác không được nêu tên.

Cùng với đó, các khoản trả trước cho người bán của TTL phần lớn là cho các bên liên quan như: VC9, Đầu tư và Xây dựng TNG, ngoài ra còn có các đối tượng khác. Hiện, TTL đang phải trích lập dự phòng nợ xấu lên tới 164 tỷ đồng, chủ yếu là từ các công ty liên doanh liên kết cũ của mình (hiện đã thoái toàn bộ vốn).

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả giảm khá 13,9%. Nguyên nhân chính là TTL đã thực hiện phần công việc tồn đọng (backlog), giúp giảm các khoản trả tiền trước từ khách hàng. Hiện, TTL còn khoảng 494 tỷ đồng giá trị của các dự án cần triển khai thi công để hạch toán dần vào doanh thu của doanh nghiệp.

Cơ cấu vay nợ được chuyển dịch dần từ dài hạn sang ngắn hạn khi vay và nợ thuê dài hạn giảm 20 tỷ đồng và tăng 1 mức xấp xỉ trong mục vay nợ ngắn hạn. Điều này sẽ gia tăng áp lực trả nợ của TTL khi con số vay nợ ngắn hạn từ các ngân hàng lên tới hơn 750 tỷ đồng. Đó là những khoản vay đến từ các ngân hàng lớn như BIDV, MSB, TPB, VCB, VPB,...

Bất động sản mà công ty sở hữu được hạch toán có tổng trị giá 5,3 tỷ đồng được cho là thửa đất tại tỉnh Hòa Bình với diện tích 6.900m2 (trong đó đất ở là 400m2 và đất vườn là 6.500m2). BĐS này đang được thế chấp cho khoản vay ngắn hạn tại VPB.

Do kết quả kinh doanh kém khả quan, trong 2 năm liền TTL không chi trả cổ tức cho cổ đông.

Ai mừng, ai lo?

Với kết quả kinh doanh đi xuống và 2 năm liền không chi trả cổ tức, các cổ đông, trong đó SCIC có lẽ là người sốt ruột nhất. Bởi sau cú thoái vốn bất thành vào năm 2022, hiệu quả đầu tư vốn vào doanh nghiệp này rõ ràng đang đi xuống đặt ra dấu hỏi về quản trị nguồn vốn đầu tư đối với SCIC.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu TTL ngày 13/9/2024 ở mức 7.500 đồng cổ phiếu với thanh khoản rất yếu ớt (1.300 CP được chuyển nhượng). Trong một thời gian dài, cổ phiếu TTL không có kẻ bán, người mua. Mức giá 7.500 đ/CP ngày càng xa mức giá kỳ vọng của SCIC khi tiến hành đấu giá vào năm 2022 (18.350đ/CP).

Đối với Đầu tư và Xây dựng TNG, so với mức giá 18.530 mua hồi tháng 7/2022 thì DN này đang là người đu đỉnh, hàng trăm tỷ đồng đã bị bốc hơi. Nhưng đó chỉ là những phép cộng trừ với con số thuần túy khô khan được nhìn từ bên ngoài. Bằng việc thâu tóm trở thành công ty mẹ của TTL, Đầu tư và Xây dựng TNG không quá quan tâm đến giá cổ phiếu. Bởi mục tiêu thâu tóm của DN này là xây dựng hệ sinh thái gồm những nhà thầu mạnh trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng.

Và một điểm hấp dẫn của Tổng công ty Thăng Long ít được nhắc đến. Đó là việc công ty đang quản lý và sử dụng nhiều khu đất đắc địa tại Hà Nội. Tại đường Phạm Văn Đồng (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm), Tổng công ty Thăng Long đang sử dụng khu đất 11.400 m2 để làm văn phòng và nhà xưởng. Cũng tại phường Xuân Đỉnh, Tổng công ty Thăng Long đang sử dụng 4.040 m2 đất tại đường Tân Xuân; 1.127,8 m2 đất tại đường Phạm Văn Đồng làm văn phòng và nhà xưởng. Đây đều là đất Nhà nước cho thuê, trả tiền thuê hàng năm. Bên cạnh đó, Tổng công ty Thăng Long còn quản lý khu đất 9.656,26 m2 tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh.

Ở một góc nhìn khác, việc DN kinh doanh khó khăn, giá cổ phiếu xuống thấp, không có thanh khoản, lại là cơ hội cho những tay to muốn thâu tóm nốt số cổ phần còn lại với mức giá “dịu êm”.

Kết quả kinh doanh "lao dốc", Kido (KDC) vẫn được khối ngoại “rót tiền”

Tăng nhẹ khi mở cửa, thị trường giằng co trong phiên chiều song về cuối phiên, VN-Index "đánh mất" sắc xanh khi giảm nhẹ 0,06 ...

Lợi nhuận DHA Corp của Shark Hồng Anh lao dốc 88%, áp lực từ lô trái phiếu hàng trăm tỷ sắp đáo hạn

Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư DHA (DHA Corp), do Shark Đặng Hồng Anh dẫn dắt, ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 ...

“Của ngon ai để chợ trưa”: Bài học quý báu trong đầu tư chứng khoán

Câu thành ngữ "Của ngon ai để chợ trưa" nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm bắt cơ hội sớm. Trong đầu tư chứng ...

Kim Phương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán