Đầu tư sản phẩm chế biến, thủy sản Việt Nam nâng sức cạnh tranh

(Banker.vn) Nhờ đầu tư sản phẩm chế biến sâu, thủy sản Việt Nam vẫn đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ.
Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản giảm Xuất khẩu thủy sản “tấn công” vào các thị trường ngách Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trở lại cuộc đua kim ngạch

Quả ngọt từ chế biến sâu

Đơn hàng những tháng đầu năm tăng hơn 50% so với cùng kỳ, ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, tồn kho ở các thị trường trọng điểm đã giải tỏa hết, khách hàng từ Mỹ, châu Âu tăng đặt hàng ngay những tháng đầu năm.

Kết quả này là nhờ việc tăng cường các sản phẩm chế biến sâu. Hiện các nhà máy chế biến của doanh nghiệp đang tất bật chuẩn bị cho các đơn hàng đang có, tập trung đơn hàng chế biến sâu, như: Tôm hấp chín, tôm chiên…

Tương tự, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, với sản phẩm tôm, trong 6 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, hiện chỉ có Việt Nam và Thái Lan đạt đến trình độ chế biến cao nhất là chế biến sâu.

Nhờ vậy, dù chịu sức ép cạnh tranh lớn từ tôm giá rẻ của Ấn Độ, Ecuador song tôm Việt Nam vẫn đứng vững, thậm chí chiếm thị phần lớn tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ.

Đầu tư sản phẩm chế biến, thủy sản Việt Nam nâng sức cạnh tranh
Xuất khẩu thủy sản tăng cường các sản phẩm chế biến sâu

“Mặc dù giá tôm trên thị trường giảm mạnh, song nhờ tập trung vào các đơn hàng chế biến sâu như tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên nên doanh nghiệp đã giảm thiểu được khó khăn trong kinh doanh. Cùng với đó, việc chủ động nguồn nguyên liệu, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm”, ông Lực nhấn mạnh.

Không chỉ tôm, với mặt hàng cá tra hiện nhiều doanh nghiệp cũng lựa chọn chiến lược tập trung vào sản phẩm chế biến sâu. Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường không mấy tích cực, các mặt hàng giá trị gia tăng sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những thách thức từ cung - cầu.

Chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm cá tra chế biến sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia, ông Nguyễn Văn Đạo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) cho biết, nhờ chuyển hướng vào sản phẩm giá trị gia tăng như phile cá tra tẩm bột, tẩm gia vị và các loại sản phẩm khác từ cá tra, doanh nghiệp đã khắc phục được những khó khăn từ thị trường nhập khẩu. Hiện các sản phẩm giá trị gia tăng đang chiếm từ 10-20% doanh thu của đơn vị và dự kiến tương lai sẽ tăng lên 30%.

Theo ông Đạo, các sản phẩm cá tra giá trị gia tăng ít chịu cạnh tranh hơn các sản phẩm thông thường do ít người làm được. Chính vì vậy, giá trị và lợi nhuận mang về cũng cao hơn. Mặc dù vậy, đầu tư vào sản phẩm chế biến sâu cũng có hạn chế là cần quảng bá, tiếp thị sản phẩm nhiều hơn.

Trong khi đó, với Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, ngoài các sản phẩm phile cá tra tẩm bột, doanh nghiệp còn kết hợp nhiều sản phẩm khác nhau để tạo ra các món mì hải sản và rau quả. Bên cạnh đó, Công ty Vĩnh Phước – công ty con của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cũng đã thành công trong việc mở rộng sang chế biến cá hồi phục vụ khách hàng Nhật Bản. Ngoài ra, các sản phẩm collagen và gelatin vẫn đang tăng trưởng tốt hơn các mặt hàng khác. Theo kế hoạch, trong ngắn hạn doanh nghiệp sẽ không tập trung đầu tư mở rộng trại nuôi cá tra do biến động thị trường và cần lập kế hoạch sản xuất và chế biến để phù hợp với nhu cầu thị trường.

Tiếp tục giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thực tế từ những biến động thị trường trong thời gian qua cho thấy, lựa chọn tập trung vào các sản phẩm chế biến, nâng cao giá trị gia tăng là chiến lược kinh doanh phù hợp cho các doanh nghiệp. Do vậy, đang có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Điển hình như, trong quý I/2024 trong khi xuất khẩu cá tra phile đông lạnh giảm 5% thì các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng tăng tới 16%. Đáng chú ý, các sản phẩm phụ như bong bóng cá tra và snack da cá đều ghi nhận mức tăng hai con số.

Bà Lê Hằng – Giám đốc truyền thông VASEP nhìn nhận, tại các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, sản phẩm giá trị gia tăng đang là lợi thế của Việt Nam. Trong bối cảnh lạm phát, tồn kho vẫn tiếp tục tác động đến tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản của nhiều thị trường, việc giữu vững thế mạnh chế biến.

“Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản vẫn còn nhiều thách thức, thời gian tới các doanh nghiệp cần nâng cao trình độ chế biến, là đa dạng hóa sản phẩm để thu hút người tiêu dùng và giữ vững phân khúc thị phần cấp cao. Chẳng hạn như các doanh nghiệp chế biến tôm có thể làm thêm há cảo, xíu mại…; doanh nghiệp cá tra làm thêm nông sản, thêm bánh… Đây là những mặt hàng chế biến sâu, đem lại giá trị cao cho doanh nghiệp”, đại diện VASEP nhìn nhận.

Theo Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tỉ trọng giá trị xuất khẩu ngành tôm chế biến giá trị gia tăng sẽ đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục