Đầu tư chứng khoán năm 2023: Phòng thủ hay tấn công?

(Banker.vn) Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, để có thể tối ưu các cơ hội, nhà đầu tư nên sử dụng chiến lược phòng thủ, ít nhất trong nửa đầu năm 2023...

Theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 của VDSC, sau hơn 10 năm tiền rẻ, nới lỏng chính sách tín dụng và tăng trưởng kinh tế ổn định, các điều kiện kinh tế vĩ mô đã bắt đầu xấu đi nhanh chóng tại Mỹ và trên toàn cầu.

Đầu tư chứng khoán năm 2023: Phòng thủ hay tấn công?

Tăng trưởng kinh tế chậm lại, biến động và thắt chặt các điều kiện về tín dụng và thanh khoản có thể sẽ dẫn đến sáu tháng tiếp theo đầy thách thức đối với các nhà đầu tư và người phân bổ tài sản. Trong khi lạm phát đã bắt đầu chậm lại, con đường trở lại mức 2% vẫn rất không chắc chắn cũng như mức độ sẵn sàng của Fed và ECB sẽ làm bất cứ điều gì để đưa lạm phát trở về mức mục tiêu.

Các ngân hàng trung ương vẫn đang đối phó với môi trường bên ngoài theo các cách khác nhau mặc dù có vẻ như Fed và ECB có thể sẽ tạm dừng ít nhất là trong quý I/2023. Lần nới lỏng mới nhất của PBOC, giảm 25 điểm cơ bản so với tỷ lệ yêu cầu dự trữ bắt buộc - củng cố triển vọng giảm phát ở Trung Quốc trong khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 của Nhật Bản, ở mức 3%, là mức cao nhất kể từ tháng 1/1991.

Về diễn biến thị trường, nhóm phân tích của Chứng khoán Rồng Việt cho rằng nửa cuối năm 2023 sẽ tốt hơn nhiều đối với thị trường chứng khoán, nếu không có bất kỳ sự kiện chính trị hoặc quân sự nào có thể làm gián đoạn quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế và thu nhập.

VDSC kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang trong nửa đầu năm trong biên độ 930 - 1.060 điểm do chưa có nhiều động lực hỗ trợ. Sang nửa cuối 2023, trong kịch bản cơ sở, lãi suất Fed được kỳ vọng sẽ bắt đầu hạ nhiệt và giảm về ở mức 4,6% thời điểm cuối năm.

Đồng thời, VDSC cũng kỳ vọng hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết bắt đầu xu hướng hồi phục và đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 5 - 10% so với cùng kỳ trong hai quý cuối 2023.

Đầu tư chứng khoán năm 2023: Phòng thủ hay tấn công?

Ngoài ra, các rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu đi qua giai đoạn khó khăn nhất từ quý III/2022 sẽ tạo động lực cho thị trường bắt đầu xu hướng tăng điểm. Trên cơ sở này, các nhà phân tích kỳ vọng, VN-Index có thể tiến về ngưỡng 1.200 - 1.270 trong những tháng cuối năm 2023.

Trong kịch bản kém tích hơn, Fed có thể duy trì mức lãi suất cao ở mức 5 - 5,25% cho đến hết 2023 nếu lạm phát vẫn chưa thể hạ nhiệt như kỳ vọng. Đồng thời yếu tố lãi suất cao rủi ro kéo dài cũng sẽ tác động rất lớn đến triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu trong năm sau, cũng như sự ảnh hưởng đến tỷ giá, lãi suất và sự phục hồi tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong kịch bản này, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp niêm yết có thể tiếp tục duy trì ở mức thấp từ 0% đến -5% so với cùng kỳ. VN-Index ước tính sẽ dao động ở mức 930 - 1.060 điểm.

Đồng thời, trên cơ sở phân tích tương quan thanh khoản thị trường và điểm số VN-Index theo dữ liệu quá khứ, thanh khoản khớp lệnh trung bình của VN-Index được kỳ vọng ở mức 13.000 - 16.000 tỷ đồng/phiên trên kịch bản cơ sở kỳ vọng VN-Index sẽ tăng trung bình ở mức 12% trong cả năm 2023 so với thời điểm cuối năm 2022.

Chiến thuật nào cho nhà đầu tư năm 2023?

Về chiến lược đầu tư VDSC cho rằng, để có thể tối ưu các cơ hội, nhà đầu tư nên sử dụng chiến lược phòng thủ, ít nhất trong nửa đầu năm 2023, với việc hạn chế hết mức tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong những nhịp thị trường tăng tốc bất ngờ mà thiếu sự hậu thuẫn bởi những thay đổi cơ bản về vĩ mô.

"VDSC không kỳ vọng một con sóng tăng lớn hay một sự điều chỉnh cực mạnh sẽ diễn ra trong năm 2023. Thay vào đó là những đợt sóng nhỏ, mà trong đó, những nhịp đi xuống sẽ mang lại cơ hội tích lũy cổ phiếu với mức giá tốt cho nhà đầu tư.

Để có thể tối ưu được các cơ hội như trên, VDSC đề xuất chiến lược phòng thủ, ít nhất trong nửa đầu năm 2023, với việc hạn chế hết mức tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong những nhịp thị trường tăng tốc bất ngờ mà thiếu sự hậu thuẫn bởi những thay đổi cơ bản về vĩ mô. Nhà đầu tư có thể dành một phần danh mục cho việc giao dịch ngắn hạn, nhằm tối ưu hóa hiệu suất đầu tư trong năm”, VDSC khuyến nghị.

Đầu tư chứng khoán năm 2023: Phòng thủ hay tấn công?
Nguồn: Fiinpro, CTCK Rồng Việt ước tính

Mặt khác, thống kê của VDSC cho thấy, định giá P/E của thị trường chỉ giảm về mức 9.x – 11.x trong những giai đoạn vĩ mô đối diện thử thách và việc mua và nắm giữ cổ phiếu khi P/E thị trường ở mức 9.x – 11.x sẽ mang lại hiệu suất đầu tư cao vượt trội so với lãi suất tiết kiệm nếu nắm giữ khoản đầu tư trong hai năm.

Do vậy, bên cạnh việc phân bổ vốn vào kênh tiết kiệm, nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc giải ngân ở những cổ phiếu tốt thuộc các nhóm ngành hưởng lợi lớn trong xu hướng tích cực trong dài hạn của vĩ mô Việt Nam.

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán