Đầu tư chứng khoán lỗ nặng, một “ông lớn” nhóm Big4 báo lợi nhuận quý 3 giật lùi

(Banker.vn) Quý 3/2023, mặc dù hầu hết các hoạt động kinh doanh đều ghi nhận tăng trưởng, riêng hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ nặng, cùng với việc chi phí tăng cao khiến BIDV có kỳ kinh doanh thụt lùi. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này cũng tăng mạnh.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023. Theo đó, ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 13.783 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lãi từ dịch vụ ghi nhận đạt 1.764 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 1.682 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ. Đặc biệt, lãi từ chứng khoán kinh doanh đạt 114 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng.

Đầu tư chứng khoán lỗ nặng, một “ông lớn” nhóm Big4 báo lợi nhuận quý 3 giật lùi
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư khiến BIDV phải gánh khoản lỗ hơn 294 tỷ đồng

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động khác giảm tới 30%, xuống chỉ còn 741 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư khiến BIDV phải gánh khoản lỗ hơn 294 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi 51 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động trong quý 3/2023 tại BIDV tăng 11% so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 6.044 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV giảm 2%, ghi nhận ở mức hơn 11.842 tỷ đồng.

Quý 3/2023, BIDV trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hơn 5.949 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Kết quả, BIDV báo lãi trước thuế quý 3 giảm tới 12%, đạt gần 5.893 tỷ đồng.

Đầu tư chứng khoán lỗ nặng, một “ông lớn” nhóm Big4 báo lợi nhuận quý 3 giật lùi
Theo BCTC của BIDV.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lãi từ hoạt động khác tại BIDV giảm 30%, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 266 tỷ đồng.

Còn lại, các khoản kinh doanh ngoài lãi khác của ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 17%, đạt 4.955 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng 56%, đạt 3.139 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng chuyển từ lỗ sang lãi gần 294 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại BIDV giảm 5%, chỉ còn 35.172 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng này đã cắt giảm 20% chi phí trích lập dự phòng rủi ro so với cùng kỳ, chỉ còn 15.409 tỷ đồng, do đó lãi trước thuế vẫn tăng 12% lên 19.763 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của BIDV chỉ mở rộng 1% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2,13 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 22% còn 10.731 tỷ đồng, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 62% còn 42.654 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 9% đạt 1,65 triệu tỷ đồng,...

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tiền gửi khách hàng tăng 7% so với đầu năm lên hơn 1,58 triệu tỷ đồng. Các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 91%, còn 13.241 tỷ đồng…

Về chất lượng tài sản, tính đến thời điểm cuối quý 3, tổng nợ xấu tại BIDV ở mức 26.393 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất, gấp 3,4 lần đầu năm lên 9.138 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của nhà băng này cũng tăng từ 1,16% ở thời điểm đầu năm lên 1,6% khi kết thúc quý 3/2023.

Đầu tư chứng khoán lỗ nặng, một “ông lớn” nhóm Big4 báo lợi nhuận quý 3 giật lùi
Diễn biến giá cổ phiếu BID trên sàn HOSE.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BID trên sàn HOSE cũng đang trên đà giảm giá khá mạnh từ đầu tháng 8 tới nay. Tính đến thời điểm kết phiên giao dịch ngày 31/10, hiện thị giá cổ phiếu BID đang dừng ở mức 40.200 đồng/cp, giảm khoảng 19% so với thời điểm đầu tháng 8.

BIDV chuẩn bị tăng vốn điều lệ lên hơn 57.000 tỷ đồng, dẫn đầu nhóm Big4

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận tăng vốn điều lệ của BIDV thêm tối đa 6.419 tỷ đồng. Nếu hoàn tất việc tăng ...

Sau BIDV, lộ trình tăng vốn điều lệ của Vietcombank, Vietinbank và Agribank ra sao?

Sau khi Ngân hàng BIDV công bố được tăng vốn thêm 6.400 tỷ đồng, tình hình tăng vốn điều lệ của 3 ngân hàng còn ...

Đình Tư

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán