Đầu tư chế biến nông sản: Nâng cơ hội xuất khẩu vào thị trường lớn

(Banker.vn) Để nâng cơ hội xuất khẩu vào hệ thống phân phối quy mô lớn của nước ngoài, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông sản.
Lào Cai: Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu nông sản chủ lực Sơn La: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Cần thay đổi tư duy

Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển sản xuất cả nông - lâm và thuỷ sản. Sản lượng nông sản, thực phẩm sản xuất hàng năm không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Nếu như năm 1990, xuất khẩu nông – lâm - thuỷ sản Việt Nam chỉ khoảng 20 triệu USD thì đến nay đã vượt mốc 53 tỷ USD/năm. Lũy kế 8 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu nông – lâm - thủy sản đạt 40,08 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu trong nhóm hầu như đều tăng so với cùng kỳ, trong đó nông sản tăng cao nhất (24%), đạt 21,32 tỷ USD. Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được dự báo xuất khẩu tốt từ nay đến cuối năm khi các thị trường bạn hàng rất thuận lợi.

Các sản phẩm được chế biến từ thanh long
Nhiều sản phẩm được chế biến từ thanh long. Ảnh: Phan Liên

Với đà tăng trưởng như hiện nay, ngành nông nghiệp hứa hẹn sẽ đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tăng trưởng GDP 3,5% trong năm 2024.

Tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng phân tích sâu thì việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp vẫn còn hạn chế.

Thực tế có đến 70 - 85% nông sản của Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp. Tình trạng được mùa mất giá vẫn diễn ra phổ biến, sản xuất manh mún, chất lượng hàng nông sản chưa đồng đều, công nghệ chế biến lạc hậu, không đồng bộ, mẫu mã chưa hấp dẫn, giá thành sản xuất cao, dẫn đến cạnh tranh kém và bị ép giá trên thị trường quốc tế.

Điều này một mặt khiến giá trị nông sản không được gia tăng, nguy cơ chịu thiệt hại kinh tế do lượng rau quả hư hỏng sau thu hoạch, khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ lớn. Mặt khác, hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu đối diện với nhiều khó khăn thách thức từ việc tiêu chuẩn chất lượng hay yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao; chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng tại nhiều thị trường; hay xu hướng phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp vô cùng mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi phải thay đổi tư duy trong phát triển nông nghiệp, đó là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hiệu quả dựa trên công nghệ cao; nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất sử dụng.

Doanh nghiệp cần được tiếp sức

Việc ứng dụng công nghệ sâu sau thu hoạch được coi là chìa khóa để giảm thiểu chi phí logistics, mở cửa và tiếp cận nhiều thị trường trên thế giới, đồng thời gia tăng giá trị của sản phẩm.

Hiện nhiều địa phương, doanh nghiệp đã tích cực tham gia, phát triển các sản phẩm chế biến sâu. Ví dụ tại tỉnh Tiền Giang, hiện có trên 500 doanh nghiệp chuyên xay xát, chế biến lúa gạo tiêu dùng và xuất khẩu. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống công nghệ hiện đại như silo chứa, bảo quản lúa, gạo; tự động hóa dây chuyền sản xuất, tập trung đầu tư phương tiện vận chuyển gạo từ doanh nghiệp đi giao cho đối tác, xây dựng kho dự trữ hàng chục nghìn tấn để phục vụ cho xuất khẩu.

Với mặt hàng rau, củ, quả, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến rau, củ, trái cây đông lạnh sử dụng toàn bộ chương trình chế biến IQF. Các sản phẩm sau khi cấp đông vẫn giữ được hình dáng tự nhiên, hương vị, an toàn thực phẩm, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Thậm chí cùng từ loại cà phê nhưng một số doanh nghiệp đã phát triển các sản phẩm chế biến sâu theo thị hiếu và xu thế tiêu dùng mới, như cà phê trái cây Meet more đã được chế biến thành cà phê hòa tan vị bạc hà, khoai môn, dừa, đậu xanh… Sản phẩm đã có mặt trên thị trường Australia, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Hàn Quốc... Đây là hướng đi mới, góp phần gia tăng giá trị cho ngành hàng tiềm năng này của Việt Nam.

Hay tại vùng chuyên canh thanh long của Bình Thuận, ngoài trái cây tươi thì đã có thêm mặt hàng thanh long sấy khô, thanh long sấy dẻo. Việc chế biến không chỉ giúp giá trị sản phẩm gia tăng mà thời gian bảo quản cũng được kéo dài, điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu dễ dàng hơn.

Lợi thế là vậy nhưng hiện nay số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, chiếm khoảng 1,3% tổng số doanh nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Do quy mô nhỏ, đa số doanh nghiệp không đủ nguồn lực để đầu tư mua sắm trang thiết bị thử nghiệm, kiểm nghiệm, máy móc thiết bị chế biến và bảo quản tiên tiến. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa tiếp cận được nguồn chuyên gia có kỹ thuật cao để hỗ trợ, tư vấn phát triển các ý tưởng kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm…

Từ thực tế tại địa phương, tỉnh Bình Thuận sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm lợi thế của tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, tăng lợi thế khả năng cạnh tranh, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm OCOP sản xuất từ thanh long đã được công nhận từ 3 - 4 sao. Hỗ trợ xây dựng Điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” cho doanh nghiệp quảng bá tiêu thụ, sản phẩm OCOP sản xuất từ thanh long tại điểm phục vụ du lịch, nơi khách du lịch thường xuyên đến tham quan, nghỉ dưỡng và người dân tại thành phố Phan Thiết nơi có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử.

Đồng thời phối hợp triển khai các chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư nhà máy chế biến nông sản; tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần làm giảm áp lực khâu tiêu thụ thanh long trái tươi.

Chia sẻ tại hội thảo “Xu hướng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế”, diễn ra cách đây không lâu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng: Việt Nam cần tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành đang hỗ trợ cho ngành nông nghiệp chuyển từ xuất khẩu thô sang gia tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh, tạo điều kiện doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, bắt nhịp xu hướng tiêu dùng của thị trường toàn cầu.

Thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường phối hợp thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam.

Để tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm, doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài việc đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực chế biến. Đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các địa phương, vùng, giữa nông dân với doanh nghiệp để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến xuất khẩu.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương