Dấu mốc quan trọng và bài học kinh nghiệm từ chuỗi dự án khí điện Lô B- Ô Môn

(Banker.vn) Phát biểu tại Lễ ký kết, triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B- Ô Môn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đây là dấu mốc quan trọng cho ngành công nghiệp khí
Đại biểu Quốc hội Cần Thơ, Cà Mau và Lạng Sơn cam kết ủng hộ PVN triển khai dự án Khí Lô B- Ô Môn Thúc đẩy tiến độ Dự án Nhà máy điện sử dụng khí Lô B – Ô Môn Ký kết và triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn

Sáng ngày 30/10 tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ký kết triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn với sự tham dự, chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương; Đại sứ quán Nhật Bản, Thái Lan tại Việt Nam.

Dự án nhiều ý nghĩa, quan trọng

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, ý nghĩa của ngành dầu khí được sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương và người dân nơi có dự án đi qua, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

Dấu mốc quan trọng và bài học kinh nghiệm từ chuỗi dự án khí điện Lô B- Ô Môn
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo

Theo Thủ tướng, chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí là chuỗi dự án khí điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay với sản lượng khai thác khí dự kiến 5,06 tỷ m3/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho 4 Nhà máy nhiệt điện Ô Môn, Thành phố Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt là gần 4,000 MW; có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Báo cáo của PVN cho thấy, chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn khi đi vào hoạt động sẽ có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, đem lại lợi nhuận, hiệu quả đầu tư cho các Nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Bộ (Cà Mau, Kiên Giang và Cần Thơ), tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong ngành dầu khí nói chung và lao động địa phương nói riêng.

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn với đặc thù là các dự án chuỗi cần có tiến độ đồng bộ đã trải qua thời gian rất dài (gần 20 năm) đàm phán và chuẩn bị đầu tư với rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục; chậm triển khai vì những lý do cả khách quan và chủ quan.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, giải quyết toàn bộ các khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền và cùng với sự vào cuộc của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các bộ, cơ quan, địa phương, sự quyết tâm của PVN và các đối tác đã đem lại kết quả là lễ ký kết hôm nay.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Trong chiến lược, quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng tổng thể quốc gia, Đảng và Chính phủ Việt Nam rất chú trọng tới việc phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam, nhất là phát triển công nghiệp khí. Trong đó, khuyến khích việc đầu tư khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, nhất là vùng nước sâu, xa bờ; ưu tiên đưa khí tự nhiên khai thác từ thềm lục địa Việt Nam về cho sản xuất điện và công nghiệp, dân dụng.

Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là tổ hợp các dự án quy mô lớn, có tầm quan trọng chiến lược trong cân đối cung cầu năng lượng trong giai đoạn sau năm 2025 của khu vực miền Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Việc sớm triển khai chuỗi dự án để có các công trình như những cột mốc trên biển sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam; đóng vai trò quan trọng, tạo ra nguồn lực lớn hỗ trợ Chính phủ trong lộ trình thực hiện đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Dấu mốc quan trọng và bài học kinh nghiệm từ chuỗi dự án khí điện Lô B- Ô Môn
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và đại biểu chứng kiến Lễ ký kết giữa PVN và các đối tác

Trong chiến lược phát triển năng lượng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Đảng và Nhà nước rất chú trọng tới việc phát triển bền vững ngành dầu khí. Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ủng hộ và khuyến khích các hoạt động của PVN và các nhà đầu tư, các tập đoàn/công ty trong lĩnh vực dịch vụ trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng của các bên.

Chuỗi dự án còn chặng đường dài và khó khăn trước mắt, với khối lượng công việc còn rất lớn, tuy nhiên Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, cơ quan thẩm quyền liên quan luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết các khó khăn vướng mắc tồn tại để hỗ trợ chuỗi dự án nói chung và PVN, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng các nhà đầu tư trong chuỗi nói riêng để hoàn thành vượt tiến độ đề ra.

Đối với các bên đối tác Nhật Bản, Thái Lan và các nhà thầu cung cấp dịch vụ dầu khí Việt Nam và quốc tế, Chính phủ Việt Nam mong các bên cùng hỗ trợ, phối hợp với PVN để triển khai các công việc đầy khó khăn và thách thức trong giai đoạn sắp tới.

Dấu mốc quan trọng và bài học kinh nghiệm từ chuỗi dự án khí điện Lô B- Ô Môn
Lãnh đạo PVN giới thiệu và báo cáo với Thủ tướng về chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn

Bài học kinh nghiệm từ chuỗi dự án

Bên cạnh việc ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, PVN, các đối tác tham gia, Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra bài học kinh nghiệm từ việc triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B-Ô Môn.

Theo đó, việc đầu tư dự án là quyết định đúng đắn của Đảng và Nhà nước, song trước đây chúng ta cho nhiều chủ đầu tư, đơn vị, đối tác tham gia vào từng khâu như thượng nguồn- trung nguồn và hạ nguồn do đó gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc giao cho một chủ đầu tư là PVN (đầu mối) sẽ thuận lợi cho triển khai đồng bộ chuỗi dự án.

Thứ hai, có nhiều nút thắt liên quan đến văn bản pháp luật mà chúng ta ban hành dẫn đến quá trình đàm phán gặp khó khăn, vướng mắc. Khi chúng ta nhận biết được nút thắt, có tư duy, phương án xử lý vấn đề và vượt lên chính mình thì mọi việc được giải quyết thông suốt. Thủ tướng đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ Công Thương trong việc nhanh chóng sửa đổi các quy định tại 3 thông tư 25, 45 và 57 có liên quan.

Thứ ba, bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, các tập đoàn năng lượng liên quan trong nước thì phía Việt Nam đã tăng cường phối hợp, làm việc nghiêm túc với các đối tác trên tinh thần hữu nghị, cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Đình Dũng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục