Đâu là lý do khiến giá cà phê lập đỉnh lịch sử 30 năm qua?

(Banker.vn) Hơn 80.000 đồng/kg cà phê nhân xô. Đây được cho là mức giá trong mơ của người trồng cà phê, cũng là đỉnh lịch sử 30 năm qua đối với mặt hàng này.
Giá cà phê hôm nay, 23/2/2024: Giá cà phê trong nước tăng, lập đỉnh mới Xuất khẩu cà phê tháng 1 năm 2024 tăng mạnh và lượng và kim ngạch

Giá cà phê đã tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái

Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (tức vào giữa tháng 2/2024), giá cà phê nhân xô tại vườn trồng ở các tỉnh Tây Nguyên đã lần đầu chạm mốc kỷ lục 80.000 đồng/kg và từ đó vẫn tiếp tục tăng mạnh mẽ. Đến ngày 23/2, giá cà phê tại thị trường trong nước đạt đỉnh lịch sử 30 năm qua khi vượt mốc 83.000 đồng/kg, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đâu là lý do khiến giá cà phê lập đỉnh lịch sử 30 năm qua?
Đâu là lý do khiến giá cà phê lập đỉnh lịch sử 30 năm qua?

Theo đó, giá mua trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 83.400 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 83.800 đồng/kg; tại Lâm Đồng là 82.800 đồng/kg; tại huyện Cư M'gar (tỉnh Đắk Lắk) là 83.400 đồng/kg; tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) là 83.500 đồng/kg. Mức giá này tăng khoảng 15.000 – 16.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 1/2024.

Sự tăng giá này không nằm ngoài dự báo trước đó của các chuyên gia, doanh nghiệp. Nhưng mức tăng đạt đỉnh lịch sử này thì bản thân các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành cũng không thể ngờ tới. Bởi năm ngoái, tháng 6 mới khan hàng, năm nay khó khăn mua hàng xuất hiện ngay từ tháng 2.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT Intimex Group – cho hay, thời điểm này năm ngoái, giá cà phê chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, hiện đã lên mức trên 80.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ, đây được nhận định là mức giá trong mơ của người trồng cà phê.

Tuy nhiên, với mức giá đạt đỉnh lịch sử như hiện nay khiến các nhà xuất khẩu gặp khó vì không mua được hàng, chưa kể một số nhà cung ứng không giao hàng do giá cả biến động. Với các bạn hàng nhập khẩu, do đầu ra gặp khó, họ cũng không thể nào nâng giá bán cho người tiêu dùng theo mức giá mới này. Thị trường chưa chấp nhận và chưa theo kịp, vì vậy, cả các nhà xuất khẩu và nhập khẩu đều đang gặp rủi ro.

Có hiện tượng “găm hàng” chờ giá lên

Lý do khiến giá cà phê tăng cao được ông Đỗ Hà Nam lý giải là do hiện nay, nguồn cung đang thiếu và gần như chúng ta đang “một mình một chợ”. Bởi Việt Nam đang trữ hàng và thời điểm hiện nay nguồn hàng từ các nước khác chưa có.

Ngoài nguyên nhân trên thì việc EU quy định cà phê vào thị trường phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê hiện nay. Bởi nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu về Quy định chống phá rừng của EU, trong khi đó, về cơ bản cà phê Việt đáp ứng được yêu cầu này, dẫn đến khách hàng sẽ ưu tiên mua hàng của Việt Nam.

Nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là tại thị trường trong nước có hiện tượng các thương nhân “găm hàng” chờ giá lên dẫn đến thiếu hàng.

“Thông thường, mọi năm, đây là thời điểm thương nhân đã bán ra và chỉ chờ giao hàng, nhưng năm nay, có hiện tượng thương nhân hạn chế bán ra, chờ giá lên cao hơn nữa”, ông Đỗ Hà Nam nói.

Với giá cà phê quá cao như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là giá thực. Giá cả nông sản có lên, có xuống, khi đạt đỉnh rồi sẽ phải hạ xuống. “Giá cà phê đã quá cao rồi. Khả năng rủi ro rất cao và khó đưa ra dự báo cho giá cà phê hiện nay”, ông Đỗ Hà Nam chia sẻ.

Đại diện Intimex cũng đưa ra dự báo, vào khoảng tháng 5, tháng 6 tới, khi thị trường Brazil, Indonesia vào hàng trở lại thì trường khả năng thị trường sẽ có sự điều chỉnh. Dù vậy, ông Đỗ Hà Nam nhận định năm nay giá cà phê sẽ vẫn ở mức cao do nguồn cung thiếu trên thế giới.

Bởi niên vụ này, những nước sản xuất cà phê lớn như: Brazil, Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng do mất mùa, sản lượng giảm khoảng 10 - 15%.

Trước đó, chia sẻ tại Hội nghị Cà phê quốc tế châu Á lần thứ 27 tổ chức hồi đầu tháng 12/2023, ông Đỗ Hà Nam cũng đã đưa ra nhận định cho rằng mức giá cà phê sẽ tiếp tục tăng và thiết lập mặt bằng giá mới. Giá cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục tăng ít nhất đến tháng 4/2024 cho đến khi Indonesia, Brazil bước vào vụ thu hoạch mới.

Không lo ngại bà con mở rộng diện tích trồng cà phê

Giá cà phê đạt đỉnh lịch sử 30 năm qua, vấn đề đặt ra hiện nay là có lo ngại việc bà con mở rộng diện tích trồng cà phê hay không?

Về việc này, cả cơ quan quản lý và chuyên gia đều nhận định là không. Bởi so sánh về lợi nhuận với các cây trồng khác, mà cụ thể ở đây là sầu riêng thì cà phê vẫn còn “quá thấp”. Vì vậy, với các nhà vườn hiện nay, vấn đề quan trọng lúc này là đầu tư để nâng chất lượng, sản lượng cà phê, còn việc mở rộng diện tích trồng cà phê không nhiều, chỉ những vùng có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp họ mới trồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thông tin, niên vụ 2022 - 2023, diện tích trồng cà phê đạt khoảng 709 nghìn ha, trong đó, diện tích cho sản phẩm là khoảng 655 nghìn ha; năng suất trồng cà phê đạt 29,8 tạ/ha; sản lượng cà phê đạt 1,9 triệu tấn. Ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 tương đương năm niên vụ 2022 - 2023.

“Giá cả mặt hàng nông sản sẽ do thị trường điều chỉnh, mà ở đây sẽ là thị trường thế giới chứ không chỉ là thị trường trong nước. Việc tăng hay giảm giá cà phê sẽ do thị trường điều tiết. Tham gia thị trường, chúng ta phải chấp nhận giá cả lúc lên, lúc xuống. Với mức giá như hiện nay thì thu nhập trồng cà phê không quá hấp dẫn để bà con mở rộng diện tích mà sẽ chỉ tập trung nâng caochất lượng, sản lượng và trồng ở những nơi phù hợp nhất”, ông Nguyễn Như Cường chia sẻ.

Còn theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023 - 2024, sản lượng cà phê của nước ta dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 - 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với mức 1,78 triệu tấn niên vụ trước đó. Dự báo, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong năm nay nhờ giá cà phê Robusta duy trì ở mức cao. Giá cà phê nhân xô Việt Nam trong năm nay có thể ở mức cao nhất thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 1/2024 đạt 238.266 tấn với giá trị 726,6 triệu USD, tăng tới 14,8% về lượng và 21,2% về kim ngạch so với tháng 12/2023. Đây cũng là tháng có khối lượng xuất khẩu cao nhất của ngành cà phê trong gần 13 năm qua và kim ngạch cao kỷ lục từ trước đến nay.

Luỹ kế trong 4 tháng đầu niên vụ 2023 - 2024 (tháng 10/2023 đến tháng 1/2024), xuất khẩu cà phê đạt 564.699 tấn (tương đương 9,4 triệu bao loại 60kg), tăng 20,6% so với cùng kỳ niên vụ 2022 - 2023.

Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong tháng đầu năm đạt 3.050 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương