Dấu hỏi lớn về động lực tăng giá của cổ phiếu STB?

(Banker.vn) Cổ phiếu STB hiện đang nằm trong nhóm có thanh khoản cao nhất ngành. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/2, cổ phiếu STB giảm 3,3% xuống còn 23.650 đồng/cp với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt gần 23 triệu đơn vị.

Trong thông báo mới đây, nhóm quỹ ngoại tỷ đô Dragon Capital cho biết đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) lên hơn 6%. Cụ thể, nhóm quỹ này đã mua vào 1,6 triệu cổ phiếu STB trong phiên giao dịch ngày 8/2, nâng số cổ phiếu nắm giữ từ 112,8 triệu cổ phiếu (tương đương 5,984% vốn Sacombank) lên hơn 114,4 triệu cổ phiếu (6,0689%).

Dấu hỏi lớn về động lực tăng giá của cổ phiếu STB?

Có ba quỹ thành viên của nhóm Dragon Capital thực hiện giao dịch mua STB gồm DC Developing Markets Strategies Public Limited Company (mua 500.000 cổ phiếu), Hanoi Investments Holdings Limited (mua 1.000.000 cổ phiếu) và Samsung Vietnam Securites Master Investment Trust (100.000 cổ phiếu).

Dấu hỏi lớn về động lực tăng giá của cổ phiếu STB?

Trước đó, trong tháng 12/2022, nhóm quỹ Dragon Capital đã liên tục mua vào cổ phiếu STB của Sacombank và trở thành cổ đông lớn của ngân hàng. Cùng với nhóm quỹ ngoại này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua vào cổ phiếu của Sacombank trong giai đoạn gần đây dẫn đến hiện tượng cổ phiếu hết room sở hữu khối ngoại.

Cập nhật dữ liệu tại ngày 13/1 (bao gồm lượng cổ phiếu mua chờ về tài khoản giao dịch), khối ngoại nắm giữ 563.901.387/565.564.714 cổ phiếu STB. Tỷ lệ sở hữu là 29,91% trên tổng room sở hữu là 30%. Lượng cổ phiếu STB mà khối ngoại có thể mua thêm là 1.663.327 cổ phiếu. Điều này đặt ra câu hỏi về động lực tăng giá của cổ phiếu STB trong thời gian tới, khi mà "room" ngoại của ngân hàng này đã gần đầy.

Trên thị trường, cổ phiếu STB hiện đang nằm trong nhóm có thanh khoản cao nhất ngành. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/2, cổ phiếu STB giảm 3,3% xuống còn 23.650 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt gần 23 triệu đơn vị.

Dấu hỏi lớn về động lực tăng giá của cổ phiếu STB?
Diễn biến giá cổ phiếu STB trong vòng 3 tháng trở lại đây (Nguồn: TradingView)

Về kết quả kinh doanh của ngân hàng, theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của STB, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021 và vượt 20% kế hoạch năm.

Riêng trong quý IV/2022, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập lãi thuần tăng trưởng 142%.

Năm qua, hoạt động chính mang về 17.147 tỷ đồng lãi thuần, tăng 43% so với cùng kỳ. Mảng hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận kết quả khả quan với 5.194 tỷ và 1.062 tỷ đồng lãi, tăng lần lượt 20% và 44%. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng đột biến 501% lên 2.745 tỷ đồng.

Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm đến 68%. Mảng chứng khoán đầu tư lỗ 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 164 tỷ đồng, dù vậy mảng này chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng.

Chi phí hoạt động trong năm qua của Sacombank tăng khoảng 12%, trong đó chi phí dự phòng rủi ro tăng 149% (tương đương mức trích dự phòng 3.288 tỷ đồng).

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản đạt gần 592.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2021. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13,1% đạt hơn 438.600 tỷ đồng.

Số dư tiền gửi khách hàng tăng 6,4% đạt 454.740 tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng giảm 24,9% còn 4.299 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu từ 1,47% về 0,98%. Đáng chú ý, chất lượng tài sản được cải thiện mạnh mẽ, trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 1,47% xuống còn 0,98%.

Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Sacombank được kỳ vọng sẽ hoàn thành đề án tái cấu trúc vào cuối năm 2023. Mục tiêu chính của ngân hàng trong 7 năm qua là xử lý tài sản tồn đọng liên quan đến việc sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015 — thông qua việc bán tài sản đảm bảo và/hoặc trích lập dự phòng.

“Chúng tôi nhận thấy tiến triển tích cực trong việc xử lý nợ tồn đọng tại Sacombank, qua đó làm tăng thêm niềm tin vào câu chuyện tái cơ cấu của ngân hàng. Cụ thể, Sacombank đã giảm thành công tài sản tồn đọng từ 87 nghìn tỷ đồng (tương đương 23,7% tổng tài sản) năm 2017 xuống 16,8 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,1% tổng tài sản) vào quý 2/2022, dựa trên ước tính của chúng tôi. Ngoài ra, kỳ vọng rằng ngân hàng sẽ hoàn thành Đề án tái cơ cấu vào cuối năm 2023 do dự kiến ngân hàng sẽ bán thành công tài sản thế chấp trong năm (khoản nợ liên quan đến Khu Công nghiệp Phong Phú và 32,5% cổ phần của Sacombank được cầm cố làm tài sản thế chấp cho VAMC)”, nhóm phân tích cho biết.

VCSC cũng đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2023 có thể tăng 77,7% so với năm 2022 – cao nhất trong các ngân hàng được theo dõi. Ước tính rằng Sacombank đã xử lý khoảng 14 nghìn tỷ đồng tài sản tồn đọng trong nửa đầu năm 2022 và giả định rằng STB sẽ xử lý lần lượt 17 nghìn tỷ đồng và 13 nghìn tỷ đồng tài sản tồn đọng vào năm 2022 và 2023. Đáng chú ý, Sacombank không có rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm quý 3/2022 và tỷ trọng cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản ở mức thấp (2,1% tổng các khoản vay tính đến quý 2/2022).

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục