Đậu bắp: Món ăn, bài thuốc tốt cho sức khỏe

(Banker.vn) Quả đậu bắp tuy nhỏ bé nhưng ẩn chứa bên trong là giá trị dinh dưỡng khá lớn và rất tốt cho sức khỏe, giúp ngăn ngừa một số bệnh.
Bất ngờ trước những lợi ích của khoai sọ đối với sức khỏe Ứng dụng AI nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe Thế nào là nhựa an toàn với sức khỏe?

Đậu bắp (Abelmoschus esculentus) là một loài thực vật có hoa được trồng ở vùng khí hậu nhiệt đới và ấm áp. Đậu bắp có lớp vỏ bên ngoài nhiều lông tơ giống quả đào, bên trong vỏ có những hạt nhỏ màu trắng, ăn được và tiết ra chất nhớt.

Đậu bắp có hai màu đỏ và xanh lá cây. Tuy nhiên, cả hai loại đều có hương vị giống nhau và loại màu đỏ sẽ chuyển sang màu xanh khi nấu chín.

Đậu bắp là loại rau quả khá phổ biến, không chỉ mang lại giá trị dinh dưỡng cao mà còn đem lại nhiều công dụng hữu ích cho sức khỏe như chống oxy hóa, cải thiện mệt mỏi, giảm cholesterol, ngăn ngừa bệnh tim mạch, chống ung thư... Dưới đây là những lợi ích của đậu bắp.

Đậu bắp thuộc loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, giàu protein, không có cholesterol. Ảnh minh họa
Đậu bắp thuộc loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, giàu protein, không có cholesterol. Ảnh minh họa

Lợi ích sức khỏe và giá trị dinh dưỡng

Dinh dưỡng: Là nguồn cung cấp vitamin C, vitamin A, vitamin K, folate và chất xơ dồi dào từ đậu bắp. Nó cũng chứa nhiều khoáng chất như canxi, sắt, magiê và kali.

Lợi ích sức khỏe: Đậu bắp có tác dụng tốt đối với hệ tiêu hóa nhờ vào hàm lượng chất xơ cao, giúp ngăn ngừa táo bón. Các chất chống oxy hóa trong đậu bắp có thể giúp giảm viêm và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh mãn tính. Folate trong đậu bắp đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai vì nó giúp ngăn ngừa các khuyết tật ống thần kinh ở thai nhi.

Tác dụng sức khỏe

Ngăn ngừa bệnh tim mạch

Đậu bắp chứa một chất nhầy có thể liên kết với cholesterol trong quá trình tiêu hóa. Từ đó, khiến cholesterol có thể được bài tiết qua phân thay vì hấp thụ vào cơ thể. Một nghiên cứu ngẫu nhiên trên chuột nhận thấy tiêu thụ 1 - 2% bột đậu bắp trong chế độ ăn giúp loại bỏ nhiều cholesterol trong phân và mức cholesterol toàn phần trong máu thấp hơn nhóm đối chứng.

Nguồn polyphenol dồi dào trong đậu bắp có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và mắc các biến cố tim mạch.

Hơn nữa, đậu bắp cũng là thực phẩm giàu chất xơ có thể làm giảm mức cholesterol có hại trong máu. Từ đó, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, béo phì và tiểu đường.

Chất nhày trong đậu bắp có công dụng giảm được cholesterol huyết, hỗ trợ hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Ảnh minh họa
Chất nhày trong đậu bắp có công dụng giảm được cholesterol huyết, hỗ trợ hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Ảnh minh họa

Giảm cholesterol trong máu

Nghiên cứu năm 2023 cho thấy tiêu thụ đậu bắp có thể giúp giảm mức cholesterol và chất béo trung tính trong cơ thể.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo nên ăn thực phẩm có hàm lượng chất xơ và chất chống oxy hóa cao vì chúng có thể làm giảm cholesterol trong máu.

Đặc tính chống ung thư

Đậu bắp chứa protein lectin có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở người. Một nghiên cứu năm 2014 trên các tế bào ung thư vú cho thấy lectin trong đậu bắp có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư lên tới 63%.

Trong một nghiên cứu khác năm 2010 phát hiện ra rằng chiết xuất đậu bắp làm thay đổi hình thái và giảm đáng kể sự tăng sinh của tế bào u ác tính di căn B16F10 trên chuột.

Hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường

Theo nghiên cứu cho thấy polysaccharide trong đậu bắp có thể làm giảm trọng lượng cơ thể và mức glucose, cải thiện khả năng dung nạp glucose. Từ đó chỉ ra rằng đậu bắp có thể được sử dụng như một liệu pháp ăn kiêng để điều trị tình trạng tăng đường huyết.

Một nghiên cứu kéo dài 8 tuần trên 60 người mắc bệnh tiểu đường loại 2, cho thấy sử dụng bột đậu bắp giúp cải thiện tình trạng kháng insulin và kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.

Hơn nữa, chiết xuất đậu bắp có thể làm thay đổi biểu hiện của một số enzyme và protein để giúp ngăn ngừa bệnh thận liên quan đến bệnh tiểu đường.

Tốt cho thai nhi

Folate (vitamin B9) là dưỡng chất quan trọng đối với phụ nữ mang thai giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh, ảnh hưởng đến não và cột sống của thai nhi.

Trong khi đó, đậu bắp là nguồn cung cấp folate dồi dào cho sức khỏe, với 100 gram cung cấp khoảng 15% nhu cầu hàng ngày cho phụ nữ. Vì thế, bổ sung đậu bắp rất tốt cho phụ nữ mang thai.

Giảm cân

Trong một nghiên cứu cho thấy sử dụng chiết xuất từ ​​đậu bắp có thể làm giảm trọng lượng cơ thể, lượng đường trong máu và tổng lượng cholesterol trên những con chuột được cho ăn chế độ nhiều chất béo.

Ngoài ra, nước đậu bắp có thể giúp giữ nước trong cơ thể, giảm lượng thức ăn tiêu thụ và tăng cường trao đổi chất. Từ đó có thể hỗ trợ giảm cân.

Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa

Chất xơ trong đậu bắp khi tiêu thụ giúp ngăn ngừa táo bón và duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy rằng một người ăn càng nhiều chất xơ thì ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng.

Ngoài ra, trong một nghiên cứu năm 2014 cho rằng thêm chiết xuất đậu bắp vào thực phẩm có thể bảo vệ khỏi kích ứng và các bệnh viêm dạ dày nhờ tác dụng chống viêm và kháng khuẩn.

Giảm căng thẳng, stress

Nghiên cứu năm 2021 cho thấy chiết xuất hạt đậu bắp chứa flavonoid có tác dụng chống oxy hóa và stress, căng thẳng. Từ đó, mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Ngăn ngừa loãng xương

Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành xương và đông máu. Do đó, tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều vitamin K có thể giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa gãy xương.

Trong khi đó, đậu bắp là nguồn cung cấp vitamin K và canxi tuyệt vời nên có thể hỗ trợ ngăn ngừa loãng xương khi tiêu thụ.

Nuôi dưỡng tóc

Đậu bắp cũng được dùng để làm đẹp tóc: Cắt đậu bắp thành những miếng nhỏ rồi đun sôi và để nguội. Sau đó, trộn nước đậu bắp với nước cốt chanh rồi thoa lên mái tóc như là hỗn hợp dầu gội đầu; để khoảng 15 phút thì gội đầu với nước sạch. Chất nhầy và các dưỡng chất bên trong đậu bắp kết hợp với nước chanh sẽ giúp cho mái tóc trở nên chắc khỏe và bóng mượt hơn.

Trị táo bón và các bệnh về dạ dày

Đậu bắp rất dồi dào chất xơ giúp phòng ngừa và điều trị bệnh táo bón, bệnh trĩ, đau dạ dày và cải thiện tiêu hóa rất hiệu quả. Bên cạnh đó, chất nhầy chứa trong đậu bắp còn có tác dụng nhuận tràng, giảm đau, giảm vết loét trong chứng viêm sưng. Nó còn được xem là loại thực phẩm lý tưởng nhất dành cho những người có dạ dày nhạy cảm.

Cải thiện tình trạng mệt mỏi

Nghiên cứu năm 2021 nhận thấy các chất phytochemical trong đậu bắp có thể cải thiện thời gian phục hồi, mức độ và tình trạng mệt mỏi.

Vì thế, bổ sung đậu bắp vào chế độ ăn uống, đồng thời tuân theo thói quen tập thể dục lành mạnh có thể giúp tập luyện lâu hơn và phục hồi nhanh hơn sau khi tập thể dục.

Những lưu ý khi dùng đậu bắp

Tiêu thụ quá nhiều đậu bắp có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến một số đối tượng như:

Dị ứng hoặc nhạy cảm với đậu bắp: Các triệu chứng có thể xảy ra như ngứa, phát ban, ngứa ran, nổi mề đay, khó thở và nghẹt mũi.

Các vấn đề về đường tiêu hóa: Đậu bắp có chứa fructan, một loại carbohydrate có thể gây đầy hơi, tiêu chảy, chuột rút. Đồng thời, tăng các vấn đề về đường ruột ở những người mắc hội chứng ruột kích thích.

Sỏi thận: Đậu bắp có nhiều oxalat và canxi oxalate, tăng nguy cơ mắc bệnh sỏi thận.

Viêm: Đậu bắp có chứa solanine - một chất độc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng như đau, tình trạng viêm ở những người bị viêm khớp.

Đông máu: Hàm lượng vitamin K cao trong đậu bắp có thể tương tác với các loại thuốc chống đông như thuốc warfarin. Do đó, những người đang dùng thuốc làm loãng máu nên thận trọng và tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi kết hợp đậu bắp vào chế độ ăn uống của mình.

Bệnh tiểu đường: Đậu bắp ngăn cản sự hấp thụ metformin - thuốc điều trị tiểu đường. Những người mắc bệnh tiểu đường loại II cũng có xu hướng nước tiểu có tính axit nhiều hơn, làm tăng nguy cơ sỏi thận khi sử dụng đậu bắp.

Lê Nguyệt

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục