Dấu ấn kinh tế trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Lào và Campuchia

(Banker.vn) Kinh tế là một trong những trụ cột quan trọng luôn được nhắc tới trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Lào và Campuchia.
Chủ tịch nước Tô Lâm: Việt Nam và Lào đẩy mạnh các trụ cột hợp tác Chủ tịch nước Tô Lâm kết thúc chuyến thăm Camuchia với nhiều dấu ấn đậm nét

Từ ngày 11-13/7/2024, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào và Campuchia. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới hai nước kể từ khi Chủ tịch nước Tô Lâm nhận nhiệm vụ mới.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến và gặp gỡ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Lào và Campuchia, các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh truyền thống tốt đẹp, quan hệ sâu sắc và khẳng định sự hỗ trợ lẫn nhau cùng nhau vượt qua thách thức hiện tại, vươn tới tương lai phát triển tốt đẹp hơn. Trong đó, lĩnh vực kinh tế luôn được các nhà lãnh đạo bàn thảo và đưa ra các khẳng định mạnh mẽ cùng nhau phát triển.

Dấu ấn kinh tế trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Lào và Campuchia
Chủ tịch nước Tô Lâm thăm thăm cấp Nhà nước tới Lào và Campuchia. Ảnh: TTXVN

Cụ thể tại Lào, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cuộc hội kiến Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tập trung triển khai các thỏa thuận hợp tác cấp cao giữa hai nước, nhất là Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ (tháng 01/2024), Hiệp định về hợp tác song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2025 và Thỏa thuận Chiến lược hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2021 - 2030.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị định thư, Kế hoạch hợp tác quốc phòng, an ninh đã ký kết; phối hợp tìm ra các biện pháp mang tính đột phá để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế giữa hai nước nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng thương mại 10 - 15% trong năm 2024.

Dấu ấn kinh tế trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Lào và Campuchia
Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Lào. Ảnh: TTXVN

Hai bên đánh giá cao việc nhiều dự án hợp tác tiêu biểu đã hoàn thành, được bàn giao và đi vào sử dụng như Sân bay Nỏng-khảng… Đồng thời nhất trí cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy một số dự án trọng điểm khác trong lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, kết nối cơ sở hạ tầng; phấn đấu tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho hợp tác đầu tư...

Dấu ấn kinh tế trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Lào và Campuchia
Nhà lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ trao đổi nhiều văn kiện hợp tác. Ảnh: TTXVN

Sau hội đàm, lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ trao đổi nhiều văn kiện hợp tác, trong đó có thỏa thuận tăng cường kết nối vận tải hàng không Việt Nam-Lào giữa Bộ Công chính và Vận tải Lào và Vietjet; và một số thỏa thuận của các doanh nghiệp hai nước.

Tại Campuchia, trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Hun Manet, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ hai nước, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Campuchia, riêng trong quý I-2024, kim ngạch thương mại đứng thứ hai, chiếm 22,2% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Campuchia và tin tưởng thương mại hai nước sẽ sớm đạt mục tiêu 20 tỷ USD.

Dấu ấn kinh tế trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Lào và Campuchia
Chủ tịch nước Tô Lâm hội đàm cùng Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Ảnh: TTXVN

Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận đã ký như Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giai đoạn 2025-2026; quyết liệt đẩy nhanh kết nối giao thông, các cặp cửa khẩu, tích cực phối hợp với Lào triển khai tốt các gói du lịch “Một hành trình ba điểm đến” qua Campuchia - Lào - Việt Nam...

Thủ tướng Hun Manet cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và hỗ trợ, bảo vệ các nhà đầu tư Việt Nam cũng là mục tiêu quan trọng của Chính phủ Campuchia nhằm tăng cường kết nối giữa khu vực tư nhân hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã dự Lễ công bố khai trương đường bay thẳng Hà Nội - Phnom Penh và chứng kiến Lễ ký kết các thỏa thuận giữa Vietnam Airlines với các đối tác tại Campuchia để thúc đẩy phát triển hàng không, du lịch hai nước.

Dấu ấn kinh tế trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Lào và Campuchia
Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ công bố khai trương đường bay thẳng Hà Nội - Phnom Penh. Ảnh: TTXVN

Theo đó, Vietnam Airlines sẽ khai thác đường bay thẳng giữa Hà Nội và Phnom Penh với tần suất bốn chuyến bay khứ hồi mỗi tuần vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu và Chủ nhật. Các chuyến bay được khai thác bằng máy bay phản lực hiện đại Airbus A321. Đường bay sẽ khai thác từ ngày 27/10/2024. Đường bay mới này sẽ nâng tổng số đường bay giữa Việt Nam và Campuchia của Vietnam Airlines lên 5 đường bay. Tổng số chuyến bay giữa hai quốc gia sẽ lên tới 86 chuyến bay mỗi tuần.

Cùng công bố mở đường bay mới, Vietnam Airlines đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác Hãng hàng không quốc gia Campuchia - Cambodia Angkor Air, Hiệp hội Du lịch Campuchia và SaigonTourist Group trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến Du lịch, Hàng không “Hai quốc gia - Một điểm đến”. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ phối hợp các đối tác để tăng cường xúc tiến du lịch hai chiều, hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động quảng bá, tiếp thị và hợp tác sản phẩm, dịch vụ hàng không.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục