Dấu ấn Đảng bộ Cục Xúc tiến thương mại: Lực đẩy quan trọng phía sau cú tăng tốc ngành Công Thương

(Banker.vn) Xúc tiến thương mại giai đoạn mới không chỉ là chuyện tổ chức hội chợ, đó còn là cách một quốc gia bước ra thế giới bằng chính bản sắc và nội lực của mình.
Đại hội Đảng bộ Cục Xúc tiến thương mại nhiệm kỳ 2025 - 2030 Bình Phước: Thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm chủ lực Xúc tiến xuất khẩu: ‘Lực đẩy’ mạnh cho dệt may mở thị trường Thị trường Halal và cơ hội tỷ đô cho doanh nghiệp Việt

Trong giai đoạn 2020 - 2024, Đảng bộ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, triển khai đồng bộ các hoạt động cải cách thể chế, mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu và hợp tác quốc tế.

Những kết quả mang tính chiến lược này đã tạo cú huých mạnh mẽ cho tăng trưởng xuất khẩu, định vị thương hiệu hàng Việt, đồng thời góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển bền vững ngành Công Thương và nền kinh tế quốc dân.

Tạo đột phá thể chế: "Dọn đường" cho xúc tiến thương mại hiện đại

Giai đoạn 2020 - 2024, Cục Xúc tiến thương mại đã chủ trì và phối hợp tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 4 văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, gồm 2 nghị định của Chính phủ và 2 thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Toàn cảnh Đại hội Đảng bộ Cục Xúc tiến thương mại. Ảnh: Trần Đình

Sáng ngày 31/3, Đảng bộ Cục Xúc tiến thương mại tổ chức Đại hội Đảng bộ Cục Xúc tiến thương mại lần thứ IV nhiệm kỳ 2025 - 2030

Đặc biệt, Nghị định số 14/2024/NĐ-CP và 128/2024/NĐ-CP đã thực sự tạo bước ngoặt trong tư duy thể chế.

Điểm nhấn nổi bật là việc phân cấp thẩm quyền giải quyết 5/13 thủ tục hành chính từ Cục Xúc tiến thương mại về Sở Công Thương địa phương và đơn giản hóa 10 thủ tục trọng yếu. Qua đó, đã rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ từ 15 ngày xuống còn 5 - 7 ngày làm việc; tiết kiệm hàng triệu giờ công và chi phí cho doanh nghiệp; tạo điều kiện để các địa phương chủ động hơn trong tổ chức xúc tiến thương mại theo thực tiễn đặc thù vùng miền. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần cải cách mạnh mẽ, hướng tới xây dựng nền xúc tiến thương mại số hóa - phi tập trung - linh hoạt, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế.

Trong 5 năm, Bộ Công Thương đã phê duyệt 803 đề án trong Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước lên tới 670 tỷ đồng, do các tổ chức xúc tiến thương mại trung ương, địa phương, hiệp hội ngành hàng triển khai.

Kết quả nổi bật, gần 29.000 lượt doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia trực tiếp; tổng giá trị hợp đồng ký kết trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm quốc tế ước đạt gần 259 triệu USD. Doanh số bán hàng tại hội chợ vùng đạt hàng trăm tỷ đồng; hàng nghìn hợp đồng thương mại được nối kết sau sự kiện, đóng vai trò “hậu cần thương mại” quan trọng.

Dấu ấn Đảng bộ Cục Xúc tiến thương mại: Lực đẩy quan trọng phía sau cú tăng tốc ngành Công Thương
Các đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ Cục Xúc tiến thương mại lần thứ IV nhiệm kỳ 2025 - 2030

Đáng chú ý, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức nhiều đoàn giao thương trực tiếp và trực tuyến, đón các nhà mua hàng từ Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đến Việt Nam theo mô hình “xuất khẩu tại chỗ”, tiết kiệm chi phí logistics và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Xây dựng thương hiệu quốc gia: Từ logo nhận diện đến định vị giá trị trên bản đồ thế giới

Với triết lý “Thương hiệu không chỉ là bao bì - đó là niềm tin”, Cục Xúc tiến thương mại đã nâng cấp toàn diện Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) theo hướng xét chọn 3 kỳ liên tiếp vào các năm 2020, 2022, 2024. Đã có 966 lượt sản phẩm của 808 doanh nghiệp được công nhận đạt THQG; đẩy mạnh quảng bá THQG tại các sự kiện lớn trong và ngoài nước: Triển lãm Expo 2020 Dubai, Hội chợ ANUGA Đức, Triển lãm Quốc phòng Việt Nam…

Truyền thông đa nền tảng được triển khai đồng bộ: Chuyên mục “THQG Việt Nam” trên VTV1; Chuyên trang THQG trên báo Nhân Dân; hợp tác truyền thông với VnExpress, Tuổi Trẻ, Dân trí, Báo Công Thương…; video clip, flip ảnh động quảng bá sản phẩm đặc trưng: Vải Lục Ngạn, cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận…

Cục cũng tổ chức các lớp đào tạo về xây dựng, phát triển thương hiệu, quản trị nhãn hiệu - chỉ dẫn địa lý tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Kon Tum, Sơn La…

Từ năm 2020 - 2024, Cục đã xác nhận 5.108 chương trình khuyến mại; ra quyết định thu nộp 327 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ các giải thưởng không có người nhận của 927 chương trình; 14 hội chợ thương mại quốc tế của Việt Nam tổ chức ở nước ngoài; 8 giấy phép thành lập văn phòng đại diện xúc tiến thương mại nước ngoài, sửa đổi 14, gia hạn 9 giấy phép.

Từ năm 2024, việc cấp - quản lý giấy phép đại diện xúc tiến thương mại nước ngoài đã được phân cấp về các Sở Công Thương, bảo đảm tiếp cận nhanh hơn, sát thực tiễn hơn.

Đồng thời, các sự kiện kết nối quốc tế được triển khai đã đưa xúc tiến thương mại Việt Nam hội nhập đa phương. Trong 5 năm, Cục Xúc tiến thương mại đã ký kết 27 biên bản ghi nhớ (MoU) với các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài như Pháp, Úc, Thụy Sĩ, Nga, Trung Quốc… Đồng thời, chủ động tham gia các mạng lưới hợp tác khu vực như Trung tâm ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Hàn Quốc, USABC, EuroCham…

Dấu ấn Đảng bộ Cục Xúc tiến thương mại: Lực đẩy quan trọng phía sau cú tăng tốc ngành Công Thương
Trong 5 năm, Cục Xúc tiến thương mại đã ký kết 27 biên bản ghi nhớ (MoU), góp phần mở rộng năng lực hội nhập cho doanh nghiệp Việt Nam, tiếp cận hệ sinh thái quốc tế bài bản.

Cùng đó, tiếp đón, làm việc thường xuyên với đại sứ quán, thương vụ, hiệp hội nước ngoài tại Việt Nam. Triển khai các dự án lớn như SwissTrade (Thụy Sĩ), SheTrades (hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp toàn cầu).

Các mối quan hệ này không chỉ là ngoại giao xúc tiến, mà chính là “hạ tầng mềm” để mở rộng năng lực hội nhập cho doanh nghiệp Việt Nam, tiếp cận hệ sinh thái quốc tế bài bản.

Tầm nhìn 2025 - 2030: Xúc tiến thương mại vươn mình

Tại Hội nghị tổng kết năm 2024, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - phát biểu: “Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2024 đạt gần 800 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn 400 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm 2023, duy trì xuất siêu gần 25 tỷ USD - năm thứ 9 liên tiếp.”

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phủ phát biểu khai mạc. Ảnh: Trần Đình
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú phát biểu khai mạc

Cục trưởng Vũ Bá Phú khẳng định, những kết quả ấn tượng ấy có đóng góp không nhỏ từ nỗ lực xúc tiến thương mại toàn diện, đồng bộ. Bước sang giai đoạn 2025 - 2030, Đảng bộ Cục Xúc tiến thương mại định hướng 5 trọng tâm lớn:

Thứ nhất, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong xúc tiến, từ tổ chức hội chợ ảo đến AI phân tích dữ liệu ngành hàng.

Thứ hai, tăng cường xúc tiến tại thị trường mới, tiềm năng như Trung Đông, Nam Á, châu Phi.

Thứ ba, phát triển năng lực xúc tiến địa phương, nâng cấp năng lực cho trung tâm xúc tiến thương mại vùng.

Thứ tư, hỗ trợ chuyên sâu cho SME và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo gia nhập thị trường quốc tế.

Thứ năm, tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ xuất khẩu hàng hóa mà còn xuất khẩu dịch vụ, công nghệ, tri thức.

Xúc tiến thương mại không chỉ là cầu nối mà còn là lực đẩy, trí tuệ phát triển. Chúng tôi sẽ tập trung khai phá thị trường mới, sáng tạo nội dung xúc tiến và định vị thương hiệu quốc gia ở cấp độ chiến lược” - Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Trong hành trình 5 năm qua, Đảng bộ Cục Xúc tiến thương mại không chỉ đổi mới mô hình vận hành mà đã góp phần tái cấu trúc lại toàn bộ tư duy xúc tiến thương mại của Việt Nam. Từ một cơ quan kỹ thuật, Cục Xúc tiến thương mại đã trở thành nhà thiết kế chính sách, đơn vị tổ chức xúc tiến quốc gia, người kể chuyện thương hiệu cho hàng Việt. Đồng thời, là lực đẩy chiến lược phía sau cú tăng tốc bền vững của ngành Công Thương.

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và các kế hoạch của Trung ương, Chính phủ, Bộ Công Thương về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ Cục Xúc tiến thương mại nhiệm kỳ 2025 - 2030 là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề ra phương hướng, mục tiêu và giải pháp cho nhiệm kỳ tới, đồng thời bầu chọn cấp ủy tiêu biểu để lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đại Bàng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục