Dòng tiền kinh doanh đảo chiều sau soát xét
Từ đầu tháng 10 đến nay cổ phiếu DPG đã giảm từ mức 34.450 đồng/CP (ngày 3/10) xuống 22.500 đồng/CP (ngày 26/10), tương ứng thị giá giảm gần 35%. Đà sụt giảm của cổ phiếu DPG xảy ra trong điều kiện thị trường không thuận lợi, VN-Index liên tục mất điểm, dao động quanh mốc 1.000 điểm.
Hiện DPG chưa công bố báo cáo tài chính quý III. Theo số liệu tài chính bán niên đã soát xét, DPG ghi nhận doanh thu đạt 1.345 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 285 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, lần lượt tăng 36% và 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đi qua 6 tháng, DPG đã hoàn thành 35% kế hoạch doanh thu và 64% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Mặc dù kết quả kinh doanh khởi sắc, nhưng dòng tiền kinh doanh của DPG đang âm khá nặng với gần 300 tỷ đồng trong nửa đầu năm, trong khi cùng kỳ dương 25 tỷ đồng. Đáng nói, con số sau soát xét này trái ngược hoàn toàn so với báo cáo tài chính quý II tự lập của DPG, khi đó ghi nhận dòng tiền dương 82 tỷ đồng.
Tương tự, dòng tiền đầu tư đảo chiều dương 120 tỷ đồng, trong khi tự lập âm 197 tỷ đồng; dòng tiền tài chính cũng tăng thêm 52 tỷ đồng lên 130 tỷ đồng, tại báo cáo soát xét.
Một điểm nữa là về cấu trúc tài chính của DPG. Tổng nợ phải trả cuối quý II đạt 4.128 tỷ đồng, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu (2.004 tỷ đồng), trong đó dư nợ vay là 2.841 tỷ đồng, chiếm 69% tổng nợ. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 1,4 lần, thể hiện những rủi ro tài chính không nhỏ đối với DPG, trong môi trường lãi suất tăng cao như hiện nay.
Lô trái phiếu 300 tỷ đồng gặp khó
Trong số dư nợ cao ngất ngưởng kia, phải kể tới lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng đã phát hành vào cuối tháng 10/2021 trước đó. Trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất năm đầu là 10,5%/năm, các năm sau thả nổi bằng tổng của 3,5%/năm cộng với lãi suất tiền gửi bình quân của 4 ngân hàng quốc doanh (hiện khoảng 7,5%/năm), nhưng không thấp hơn 10,5%/năm.
Số vốn trên được DPG huy động để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh, và/hoặc đầu tư trực tiếp, gián tiếp vào các dự án của công ty con.
Đáng lưu tâm, tài sản bảo đảm của trái phiếu là 19 triệu cổ phiếu DPG thuộc sở hữu của bên bảo đảm - đơn vị không tiết lộ danh tính. Về ràng buộc, trong mọi trường hợp sau khi bên bảo đảm rút tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm còn lại phải bao gồm số lượng cổ phần DPG tối thiểu là 15 triệu cổ phần.
Tại thời điểm phát hành, giá trị 19 triệu cổ phiếu DPG được định giá là 66.620 đồng/CP, tương ứng 1.265 tỷ đồng. Trước đà suy giảm nhanh chóng như hiện tại, với thị giá giảm còn 22.500 đồng/CP, tài sản bảo đảm trên ước tính giảm còn gần 430 tỷ đồng.
Thông thường, các định chế tài chính chỉ nhận cầm cố cổ phiếu niêm yết với giá cầm cố chiết khẩu khoảng 50% so với thị giá. Do đó, với việc giá trị tài sản bảo đảm biến động giảm sâu như hiện nay, bên bảo đảm cho DPG sẽ phải cầm cố thêm nhiều cổ phiếu hơn, để đáp ứng tỷ lệ tài sản bảo đảm/giá trị phát hành theo quy định.
Công ty CP Đạt Phương được thành lập vào năm 2002, hoạt động chính trong lĩnh vực thi công cơ sở hạ tầng giao thông (nhà thầu chính của nhiều dự án, công trình hạ tầng giao thông trọng điểm trên cả nước); nhà máy thủy điện (vận hành 4 nhà máy thủy điện ở tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi với tổng công suất 98MW); bất động sản (đầu tư và phát triển bất động sản khu du lịch, đô thị với quỹ đất lên đến 235 ha tại tỉnh Quảng Nam). Một số dự án tiêu biểu DPG đã tham gia, gồm Casamia Calm Hội An, cao tốc Bắc – Nam (Vĩnh Hảo – Phan Thiết), nhà máy Thủy điện sông Bung 6, nhà máy Thủy điện Sơn Trà 1... |
Nguyễn Tâm
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|