Đặt hàng 30 cần cẩu cho dự án mở rộng Cảng quốc tế Lạch Huyện, cổ phiếu PHP bật tăng

(Banker.vn) 30 cần cẩu nhập từ đối tác Nhật Bản là đơn đặt hàng lớn nhất của Công ty CP Cảng Hải Phòng (UPCoM: PHP), nhằm phục vụ cho kế hoạch xây dựng Cảng quốc tế Lạch Huyện - dự án trọng điểm của doanh nghiệp này.
Đặt hàng 30 cần cẩu cho dự án mở rộng Cảng quốc tế Lạch Huyện, cổ phiếu PHP bật tăng
Cảng Lạch Huyện là cảng container lớn nhất khu vực phía Bắc

Theo The Maritime Executive, nhà máy đóng tàu Mitsui E&S của Nhật Bản mới đây đã nhận được đơn đặt hàng 30 cần cẩu xếp dỡ hàng hóa từ Công ty Cảng Hải Phòng. Đơn hàng này nhằm mục đích phục vụ cho kế hoạch xây dựng bến container tại khu vực Lạch Huyện, Hải Phòng.

Cảng Lạch Huyện là dự án thí điểm theo hình thức hợp tác công tư (PPP) đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản, theo đó vốn ODA được Chính phủ Nhật Bản tài trợ để đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc hợp phần công và hợp phần tư do liên danh các nhà đầu tư Việt Nam và Nhật Bản hợp tác triển khai.

The Maritime Executive cho hay, đơn đặt hàng của Công ty Cảng Hải Phòng (PHP) bao gồm 6 cần cẩu STS và 24 cần cẩu RTG. Trong đó, cần cẩu STS, với tầm vươn xa lên tới 65 mét, có khả năng xử lý các tàu container lớn trên 15.000 TEU. Đây sẽ là một trong những đơn đặt hàng cần cẩu lớn nhất của doanh nghiệp này cho các tổ hợp cảng tại khu vực Hải Phòng.

Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin về giá trị đơn hàng.

Mitsui E&S đã từng cung cấp cần cẩu xếp dỡ hàng hóa cho Công ty Cảng Hải Phòng vào năm 2007, trong khuôn khổ hỗ trợ chính thức của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Được biết, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng tham gia quy hoạch, thiết kế và xây dựng Cảng Lạch Huyện mới.

Kế hoạch xây dựng Cảng quốc tế Lạch Huyện được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2013 theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020. Theo đó, đây là phần mở rộng của Cảng Hải Phòng, nơi trong chứng kiến nhu cầu về hàng hóa container ngày một tăng lên trong suốt những năm vừa qua.

Khi đi vào khai thác, cảng Lạch Huyện sẽ góp phần đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc cũng như cả nước có thể đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ, mà không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore, Hongkong góp phần giảm đáng kể chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Cảng Lạch Huyện đang được phát triển trên đảo Cát Hải và được kết nối vào đất liền Việt Nam bằng cầu vượt biển. Cảng đang được xây dựng theo từng giai đoạn và hai bến container đầu tiên đã đi vào hoạt động từ năm 2018.

Sản lượng hàng hóa thông qua hai bến khởi động số 1, 2 Khu bến Lạch Huyện tăng trưởng mạnh mẽ hàng năm. Đến nay, lượng hàng thông qua hai bến khởi động số 1, 2 đến nay gần đạt công suất thiết kế

Theo tuyên bố hồi tháng 7 của Công ty Cảng Hải Phòng, dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4 được thực hiện bởi liên doanh Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân và Công ty CP Tư vấn xây dựng Công trình thời gian thực hiện 28 tháng.

Để thực hiện dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3 và số 4, Công ty Cảng Hải Phòng cho biết sẽ cần nguồn vốn khoảng 6.946 tỷ đồng. Trong đó có 45% là vốn tự có, còn lại là vốn vay từ Ngân hàng BIDV 3.820 tỷ đồng (55% tổng mức đầu tư của dự án).

Được biết, Công ty Cảng Hải Phòng đã hoàn thành khảo sát địa hình, địa chất phục vụ lập thiết kế bản vẽ thi công và hoàn thành lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán gói thầu. Các công việc thi công các hạng mục kè sau cầu, san lấp tạo bãi, bến công vụ đạt khoảng 33% giá trị gói thầu. Tính đến tháng 7, Công ty Cảng Hải Phòng đã giải ngân 775 tỷ đồng cho dự án bến cảng container 3 và 4.

Nếu kịp tiến độ, các bến tàu số 3, số 4 có thể đưa vào khai thác trong quý IV/2024 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025. Khi đó, Cảng Lạch Huyện sẽ có 6 bến, ngoài 2 bến đã và đang hoạt động. Hai chủ đầu tư dự án, trong đó có Công ty Cảng Hải Phòng sẽ sở hữu thêm các bến cảng 3, 4, 5 và 6.

Hai dự án còn lại là bến cảng số 5, số 6 sẽ do Công ty CP Tập đoàn Hateco làm chủ đầu tư. Bến số 5, số 6 dài 900m được đầu tư với tiến độ giai đoạn 1 từ năm 2020-2025 với vốn đầu tư 8.339,717 tỷ đồng, giai đoạn 2 từ năm 2030 với vốn đầu tư 611,468 tỷ đồng.

Theo The Maritime Executive, tại dự án này, Hateco sẽ hợp tác với Maersk – công ty vận tải container lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn đầu, cơ sở này sẽ có khoảng 5 cần cẩu STS và 14 cần cẩu RTG.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PHP bật tăng 3,91% lên 23.900 đồng/cp trong phiên giao dịch 16/10, được cho là phản ứng tích cực của thông tin đặt hàng cần cẩu nói trên.

Cảng Hải Phòng (PHP) kỳ vọng đột phá ở dự án cảng Lạch Huyện

Từ khi cảng nước sâu Lạch Huyện đi vào hoạt động năm 2018 đã thu hút nhiều hãng tàu quốc tế về làm hàng, nhờ ...

Hải Phòng: Đề xuất xây dựng 2 bến tại cảng Lạch Huyện tổng mức đầu tư khoảng 6.425 tỷ đồng

Hai bến số 5, số 6 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng đang được Ban quản lý khu kinh tế Hải ...

Fecon 'đặt chân' vào dự án cảng quốc tế với hợp đồng gần 400 tỷ đồng

Công ty CP Fecon (Fecon, HOSE: FCN) vừa thông báo trúng gói thầu mới trị giá 380 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư xây ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán