'Đắp' lỗ lũy kế, VIMC (MVN) không phân phối lợi nhuận năm 2021-2022

(Banker.vn) TCT Hàng hải Việt Nam đề xuất không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2021 và năm 2022 do bù đắp lỗ luỹ kế, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.330 tỷ.

TCT Hàng hải Việt Nam (VIMC, UPCoM: MVN) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20/4.

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, VIMC đặt mục tiêu sản lượng vận tải biển khoảng 17,7 triệu tấn giảm 18% so với cùng kỳ.

Công ty dự báo, sản lượng sẽ giảm chủ yếu ở các đơn vị như VIMC Shipping, Bisco, Vinaship do thị trường vận tải biển trở nên khó khăn, nhu cầu vận chuyển giảm trong khi lượng tàu đóng mới xuất xưởng nhiều. Thêm vào đó, một số đơn vị có kế hoạch bán tàu cũng là nguyên nhân làm giảm sản lượng.

Đối với sản lượng khối cảng biển, công ty lên kế hoạch 134,6 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng dự kiến tăng chủ yếu ở: cảng Hải Phòng (tăng 3,2 triệu tấn), cảng Quy Nhơn (tăng 1,4 triệu tấn) và khối cảng liên doanh (tăng 3,7 triệu tấn).

VIMC dự kiến không phân phối lợi nhuận năm 2021 và 2022 do bù lỗ luỹ kế.
VIMC dự kiến không phân phối lợi nhuận năm 2021 và 2022 do bù lỗ luỹ kế.

Năm 2023, VIMC đặt chỉ tiêu 13.354 tỷ đồng doanh thu giảm 13%, lợi nhuận trước thuế là 2.330 tỷ đồng giảm 24% so với cùng kỳ.

Về công ty mẹ, công ty lên kế hoạch 2.024 tỷ đồng doanh thu, 310 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế giảm lần lượt 16%, 53% so với năm 2022.

Trong tài liệu gửi cổ đông, VIMC đề xuất không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2022 do bù đắp lỗ luỹ kế của các năm trước và lỗ luỹ kế đến thời điểm 31/12/2022 là âm 217 tỷ đồng.

Đồng thời, VIMC dự kiến không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2021. Lý do được đưa ra là bù đắp lỗ luỹ kế và lỗ luỹ kế của công ty đến thời điểm 31/12/2021 là âm 870 tỷ đồng.

Một nội dung quan trọng khác là đề án "Cơ cấu lại VIMC giai đoạn 2021 - 2025". Công ty cho biết sẽ tiếp tục hoạt động trong ba lĩnh vực chính gồm cảng biển, vận tải biển và dịch vụ logistics.

Về lĩnh vực vận tải biển, công ty sẽ thực hiện thanh lý 24 tàu với tổng trọng tải khoảng 617.000 tấn (DWT); đầu tư 4 tàu container từ 1.700 - 2.200 Teus và 8 tàu hàng khô trọng tải đến 60.000 tấn (DWT).

Dự kiến đến năm 2025, đội tàu của VIMC có tổng số 40 tàu, tổng trọng tải khoảng 1,2 triệu tấn. Trong đó, đội tàu container đạt trọng tải khoảng 200.000 tấn DWT (13.000 - 16.000 TEU), tương đương 30% trọng tải đội tàu container Việt Nam.

TCT Hàng hải Việt Nam sẽ sắp xếp, thoái vốn, chuyển đổi, thành lập mới các doanh nghiệp như: Chấm dứt hoạt động đối với 3 đơn vị hạch toán phụ thuộc, thoái giảm vốn hoặc phát hành thêm cổ phiếu để giảm tỷ lệ vốn góp của VIMC tại 7 doanh nghiệp thành viên...

Sau thoái vốn, giảm vốn và thành lập, sắp xếp lại doanh nghiệp, số lượng các doanh nghiệp có vốn góp của VIMC giảm từ 35 đầu mối (34 doanh nghiệp và 1 khoản đầu tư, không tính các doanh nghiệp đang thực hiện giải thể, phá sản) xuống còn 27 doanh nghiệp.

Trong đó, công ty con giảm từ 19 xuống còn 14 doanh nghiệp, công ty liên kết và các khoản đầu tư khác giảm từ 16 xuống còn 13 doanh nghiệp. Số lượng các đơn vị hợp tác phát triển của VIMC giảm từ 7 đơn vị xuống còn 3 đơn vị.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 30/3 cổ phiếu MVN đứng ở mức 13.300 đồng/cp.

Vinalines (MVN) trình cổ đông phương án chào bán 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/3, cổ phiếu MVN tăng 1,4% lên 36.200 đồng/CP. Khối lượng giao dịch trung ...

Vận tải biển Việt Nam (VOS) bị phạt 70 triệu đồng do vi phạm công bố thông tin

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa quyết định xử phạt hành chính đối với CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco - Mã: VOS) ...

Lý do VIMC không được chấp thuận giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng giai đoạn 2021-2025 tỷ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ cần đảm ...

Phúc Lâm

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục