Đào tạo nâng cao trình độ giảng viên ngành vi mạch

(Banker.vn) Trung tâm Thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao của TP. Hồ Chí Minh vừa hoàn thành khóa đào tạo giảng viên đầu tiên.
Thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học trong công tác đào tạo Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp toàn quốc qua vai trò giảng viên

Với mục đích đóng góp cho sự phát triển bền vững của ngành Công nghiệp Vi mạch tại TP. Hồ Chí Minh, mô hình Trung tâm Thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SHTP Chip Design Center - SCDC) được thiết lập vào ngày 21/10/2022 trên cơ sở triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao của TP. Hồ Chí Minh và Công ty Synopsys.

Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao được chọn là nơi thiết lập, quản lý và vận hành mô hình SCDC, với cơ sở vật chất ban đầu là phòng đào tạo được hỗ trợ trang thiết bị từ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và phần mềm bản quyền từ Synopsys.

Tăng cường đào tạo giảng viên chất lượng cao trong ngành vi mạch, bắt kịp nhịp phát triển chung của khu vực
Ông Nguyễn Anh Thi – Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Với vị thế địa chính trị - kinh tế của mình thì Việt Nam đang được xem là điểm đến tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn"

Ngay khi vừa ra mắt, SCDC đã tổ chức khóa đào tạo Giảng viên (Trainning of Trainers - ToT) đầu tiên, quy tụ sự tham gia của 24 giảng viên nguồn trong đào tạo thiết kế vi mạch từ các trường đại học, cơ sở đào tạo.

Đội ngũ giảng viên tham gia khóa ToT có sự đa dạng về độ tuổi và kênh tham gia, gồm các giảng viên trẻ từ các trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ Thông tin, các giảng viên dày dặn kinh nghiệm từ Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Cần Thơ, Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Văn Lang – thông qua sự giới thiệu của Hội Vi mạch bán dẫn của Thành phố (HSIA), và đội ngũ giảng viên/cộng tác viên của Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao cùng Synopsys.

Tăng cường đào tạo giảng viên chất lượng cao trong ngành vi mạch, bắt kịp nhịp phát triển chung của khu vực
SCDC kỳ vọng đây sẽ là nguồn giảng viên giúp đào tạo, lan tỏa kiến thức cùng kinh nghiệm về thiết kế vi mạch sâu rộng đến các bạn sinh viên cũng như đội ngũ kỹ sư nghiên cứu, ứng dụng tại các doanh nghiệp trong tương lai.

Khóa ToT của SCDC được tổ chức từ ngày 19/12/2022 đến ngày 10/02/2023 tại Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao. Xuyên suốt khóa học, các giảng viên tham gia lớp theo lịch học toàn khóa, nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ thực hành từ các kỹ sư dày dặn kinh nghiệm của Synopsys.

Chương trình đào tạo được thiết kế và hướng dẫn thực hành toàn bộ bằng phần mềm thiết kế vi mạch của Synopsys. Đặc biệt, các giảng viên tham gia được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy độc quyền của Synopsys, từ đó có thể xây dựng chương trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn cho công tác giảng dạy sau này. Bên cạnh đó, các giảng viên được bố trí làm việc, thảo luận theo nhóm và tham gia các buổi hội thảo với khách mời là các chuyên gia trong ngành vi mạch trong và ngoài nước. Cuối khóa ToT, các giảng viên đã thực hiện bài thi kết thúc khóa học và được cấp chứng nhận.

Trong thời gian tới, mô hình SCDC sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo vi mạch đến các trường, các doanh nghiệp, đào tạo đội ngũ giảng viên và tổ chức các chương trình hội thảo về vi mạch trong Khu Công nghệ cao nói riêng và trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói chung.

Ông Nguyễn Anh Thi – Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Với vị thế địa chính trị - kinh tế của mình thì Việt Nam đang được xem là điểm đến tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn”.

Theo ông Nguyễn Anh Thi , phát triển ngành vi mạch bán dẫn được Trung ương và TP. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm từ cách đây gần 20 năm. Cụ thể, Thành phố đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đến nay, TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung chủ yếu doanh nghiệp và nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam (hơn 80%). Tại Khu Công nghệ cao, bên cạnh các doanh nghiệp làm về thiết kế vi mạch như SNST Finger&ADT Technology (Hàn Quốc), Microchip (Hoa kỳ)... có các doanh nghiệp làm về đóng gói như Intel (Hoa kỳ), OIEC (Việt Nam) hay doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sữa chữa máy móc, thiết bị ngành vi mạch, bán dẫn. Quan trọng hơn cả là hạ tầng kỹ thuật của Khu Công nghệ cao đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp sản xuất chip.

Tuy nhiên, để tận dụng được thời cơ này, Việt Nam phải có những đột phá về nguồn nhân lực, hạ tầng và thể chế. Trong đó, quan trọng hơn hết là phát triển nguồn nhân lực” - ông Thi nhấn mạnh.

Mỹ Phụng

Theo: Báo Công Thương