Danh sách doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô trên sàn: “Sạch bóng” công ty chứng khoán

(Banker.vn) Nhìn lại giai đoạn thị trường bùng nổ kéo dài từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, nhiều Công ty chứng khoán (CTCK) đã từng đạt đến đỉnh cao chưa từng có. Thời điểm đó, nhóm chứng khoán đóng góp đến 3 đại diện trong danh sách doanh nghiệp tỷ đô trên sàn, thậm chí vốn hóa SSI còn từng vượt ngưỡng 2 tỷ USD. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại những con số trên chỉ còn lại chưa đến một nửa và danh sách tỷ USD vốn hóa cũng đã chính thức “sạch bóng” CTCK.

Thị trường chứng khoán đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây khi VN-Index liên tục giảm mạnh xuống dưới 1.000 điểm, thấp nhất trong vòng gần 2 năm kể từ tháng 11/2020. Hàng loạt cổ phiếu giảm giá mạnh nhưng dòng tiền bắt đáy vẫn đứng ngoài cuộc khiến giao dịch ngày càng ảm đạm.

Danh sách doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô trên sàn: “Sạch bóng” công ty chứng khoán

Cách đây không lâu, số lượng doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô trên TTCK Việt Nam lúc đỉnh điểm đã xấp xỉ ngưỡng 70 doanh nghiệp thì trong thời gian gần đây con số này đã sụt giảm đáng kể. Sự trồi sụt của thị trường chứng khoán đã khiến hàng loạt cổ phiếu sụt giảm mạnh, vốn hóa doanh nghiệp theo đó cũng "bốc hơi" mạnh.

Nhóm ngân hàng chiếm ưu thế trong danh sách tỷ đô vốn hóa

Tính theo số liệu chốt ngày 21/10/2022, trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UPCom có tổng cộng 42 doanh nghiệp vốn hóa trên 1 tỷ USD (trên 24.560 tỷ đồng), giảm 22 doanh nghiệp so với thời điểm đầu tháng 4 và hụt 17 doanh nghiệp so với đầu năm 2022.

Trong danh sách tạm “rời xa” cột mốc tỷ đô vốn hóa, có những cái tên đáng chú ý gồm có Đạm Phú Mỹ (DPM), Khang Điền (KDH), Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB), PV Power (POW), Vefac (VEF)... Thậm chí, sàn HNX cũng “sạch bóng” không còn đại diện nào trong danh sách này sau khi đại diện cuối là KSFinance (KSF) rời nhóm.

Tổng vốn hóa của 42 doanh nghiệp "tỷ đô" hiện lên tới hơn 3,6 triệu tỷ đồng, tương ứng 148 tỷ USD, giảm mạnh 96 tỷ USD so với hồi đầu năm. So với tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam là 4,37 triệu tỷ đồng thì quy mô vốn hóa 42 doanh nghiệp tỷ đô này chiếm tới 83%.

Xét về sự phân bổ của các sàn, trong số 42 doanh nghiệp tỷ USD hiện tại có đến 34 đại diện đang niêm yết trên sàn HoSE. So với thời điểm 6 tháng trước, danh sách doanh nghiệp tỷ USD trên HoSE đã rụng bớt 15 cái tên. Thời điểm thị trường lên đỉnh có đến 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD gồm Vietcombank (VCB), Vingroup (VIC) và Vinhomes (VHM) nhưng đến nay vốn hóa 2 cái tên “họ” Vingroup đã giảm xuống dưới mức 9 tỷ USD.

Thời kỳ đỉnh cao, thị trường UpCOM cũng từng đóng góp đến 12 đại diện trong câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, 4 cái tên gồm VEF, FPT Telecom (FOX), Masan MeatLife (MML), Masan High-Tech Materials (MSR) đã rời nhóm. Danh sách tỷ USD vốn hóa trên sàn này chỉ còn lại 8 cái tên, gồm 6 doanh nghiệp có vốn nhà nước và 2 doanh nghiệp tư nhân là Masan Consumer (MCH) và Sunshine Homes (SSH).

Ngoài nguyên nhân chính là thị giá cổ phiếu giảm mạnh trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, yếu tố đồng VND mất giá so với đồng USD cũng khiến nhiều số lượng thành viên trong CLB tỷ đô vốn hoá giảm bớt. Mức vốn hoá quy đổi từ VND sang USD sụt giảm đáng kể so với thời kỳ trước (từ khoảng 23.000 VND/USD, hiện đã lên sát ngưỡng 25.000 đồng/USD). Từ đây, nhiều doanh nghiệp phải "tạm xa" danh sách, tiêu biểu như Chứng khoán SSI, vốn hoá hiện đạt 24.156 tỷ đồng nhưng chỉ tương đương 0,98 tỷ USD.

Nhìn vào từng doanh nghiệp cụ thể, Vietcombank hiện là doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với gần 322.000 tỷ đồng, tương ứng 13,1 tỷ USD. Con số này vượt cả mức vốn hóa 2 ngân hàng BIDV (165.000 tỷ đồng ~ 6,7 tỷ USD) và VP Bank (104.390 tỷ đồng ~ 4,3 tỷ USD) cộng lại.

"Bộ đôi" nhóm Vingroup xếp ngay sau với vốn hóa VIC đạt 216.631 tỷ đồng (8,8 tỷ USD) và VHM đạt 208.792 tỷ đồng (8,5 tỷ USD). Cái tên lớn thứ 4 theo sát nút trong danh sách là PVGAS với vốn hoá ở mức 8,35 tỷ USD.

Xét về sự phân bổ nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng vẫn chiếm ưu thế trong danh sách tỷ đô vốn hóa khi có 14 ngân hàng góp mặt với tổng vốn hóa lên tới hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tương ứng 45,4 tỷ USD, chiếm khoảng 25% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, đại diện MSB đã phải chia tay danh sách khi vốn hoá thị trường giảm về mức 22.949 tỷ đồng (0,9 3tỷ USD) do diễn biến cổ phiếu không thuận lợi, ngoài ra nhóm này cũng không có thêm thành viên mới.

Trong khi đó, "nhóm VinGroup" chỉ còn 3 đại diện góp mặt, bao gồm Vingroup, VinHomes, Vincom Retail sau khi chia tay Vefac. Vốn hoá hệ sinh thái VinGroup chiếm tổng 20 tỷ USD vốn hóa, hụt gần 10 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Những năm gần đây, vị thế của nhóm VinGroup trên thị trường đã giảm đi đáng kể khi ngày càng nhiều ngân hàng và doanh nghiệp lớn khác lên sàn, cùng với đà lao dốc của cổ phiếu.

Ngành Bất động sản - BĐS KCN sau một năm 2021 vô cùng sôi động, một vài gương mặt "tỷ đô" quen thuộc như VinHomes (8,5 tỷ USD), Novaland (7,4 tỷ USD), Becamex (3,5 tỷ USD), Phát Đạt (1,3 tỷ USD), SunShine Homes (1,1 tỷ USD) vẫn hiện diện, trong khi đó nhiều cái tên đã phải rời danh sách như Nhà Khang Điền (KDH) hay trước đó là DIC Corp (DIG), Kinh Bắc (KBC).

Nhóm ngành viễn thông – công nghệ ghi nhận hai doanh nghiệp Viettel Global (3 tỷ USD vốn hóa) và FPT (3,3 tỷ USD) thuộc danh sách.

Nhóm chứng khoán không còn đại diện nào trong danh sách vốn hóa tỷ đô

Về nhóm chứng khoán, nhóm này trở thành một trong những tâm điểm bị xả mạnh trước lo ngoại kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng bởi biến động không thuận lợi của thị trường chung. Các cổ phiếu như SSI, VND, VCI, HCM, MBS, SHS... đều đã đồng loạt giảm sâu, thị giá mất khoảng 60-75% so với đỉnh. Vốn hóa thị trường cũng theo đó “bốc hơi” hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nhìn lại giai đoạn thị trường bùng nổ kéo dài từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, nhiều CTCK đã từng đạt đến đỉnh cao chưa từng có. Thời điểm đó, nhóm chứng khoán đóng góp đến 3 đại diện trong danh sách doanh nghiệp tỷ USD trên sàn, thậm chí vốn hóa SSI còn từng vượt ngưỡng 2 tỷ USD. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại những con số trên chỉ còn lại chưa đến một nửa và danh sách tỷ USD vốn hóa cũng đã chính thức “sạch bóng” CTCK.

Danh sách doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô trên sàn: “Sạch bóng” công ty chứng khoán

Với các CTCK, thanh khoản thị trường luôn là yếu tố đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kết quả của các mảng nghiệp vụ chính như môi giới, tự doanh và cho vay. Thị trường sôi động sẽ thúc đẩy nguồn thu từ phí môi giới cùng nhu cầu sự dụng đòn bẩy của nhà đầu tư và ngược lại. Bên cạnh đó, thanh khoản cũng có tiếng nói quyết định đến biến động của thị trường và gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động tự doanh của các CTCK.

Sau giai đoạn bùng nổ, làn sóng nhà đầu tư mới tham gia vào chứng khoán đã hạ nhiệt đáng kể thời gian gần đây. Số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước đã liên tục giảm mạnh, từ mức trên 450.000 tài khoản vào tháng 5,6 xuống chỉ còn khoảng 100.000 tài khoản trong tháng 9, thấp nhất trong vòng 14 tháng kể từ tháng 7/2021.

Cùng xu hướng, thanh khoản thị trường cũng đã đi xuống rõ rệt, những phiên giao dịch khớp lệnh tỷ USD cũng không còn xuất hiện. Thay vào đó là bầu không khí ảm đạm, có những phiên giá trị khớp lệnh trên HoSE còn chưa đến 7.000 tỷ đồng. Tính từ đầu tháng 10, khớp lệnh bình quân trên HoSE chỉ đạt hơn 9.400 tỷ đồng/phiên, giảm gần 21% so với tháng trước và là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021.

Không chỉ ảnh hưởng đến KQKD, thanh khoản còn đóng vai trò quan trọng quyết định khả năng cân lại nguồn cung cổ phiếu đã gia tăng mạnh sau các đợt tăng vốn ồ ạt của các CTCK thời gian qua. Theo thống kê, số lượng cổ phiếu lưu hành của cả nhóm chứng khoán đã tăng 2,6 tỷ đơn vị so với đầu năm trong đó có 2,2 tỷ cổ phiếu trôi nổi tự do. Một con số khổng lồ đòi hỏi dòng tiền dồi dào để hấp thụ. Vì thế, không bất ngờ khi các cổ phiếu chứng khoán vẫn miệt mài dò đáy thời gian gần đây dù thị giá đã chiết khấu sâu từ đỉnh.

Đáng chú ý, thanh khoản vẫn chưa hề có sự cải thiện dù dư nợ margin đã tăng trở lại trong quý 3 vừa qua. Theo ước tính, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán tính tới cuối quý 3/2022 vào khoảng 165.000 tỷ đồng (~6,8 tỷ USD), tăng nhẹ khoảng 15.000 tỷ so với quý trước. Trong số 165.000 tỷ đồng dư nợ cho vay, ước tính có khoảng 155.000 tỷ đồng là dư nợ cho vay margin, còn lại là ứng trước tiền bán.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giúp dòng tiền giữ lại trên thị trường

Chuyên gia nhìn nhận, dòng tiền lan tỏa từ các cổ phiếu vốn hóa lớn đến các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ phản ...

Các cổ phiếu VN30 phản ứng ra sao khi tỷ giá USD/VND tăng mạnh?

Các mã cổ phiếu trong nhóm VN30 đều có phản ứng khác nhau khi tỷ giá USD/VND biến động mạnh. Trong đó, nhóm ngành tài ...

Chứng khoán tháng 9 “ảm đạm”, thanh khoản sụt giảm cả về giá trị và khối lượng

Thanh khoản thị trường chứng khoán trên sàn HOSE tháng 9 ghi nhận giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục