Danh mục thuốc bảo hiểm y tế bao phủ đầy đủ tại các cơ sở khám chữa bệnh

(Banker.vn) Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đã bao phủ đầy đủ tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Hướng dẫn thanh toán chi phí thuốc bảo hiểm y tế Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT) và các nước trong khu vực ASEAN.

Danh mục thuốc bảo hiểm y tế bao phủ đầy đủ tại các cơ sở khám chữa bệnh
Người tham gia BHYT ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ chất lượng dịch vụ BHYT. Ảnh: TTXVN

Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam thông tin, hiện danh mục thuốc BHYT sử dụng tại Việt Nam có 1.037 thuốc hóa dược, sinh phẩm, 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; 229 thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, 349 vị thuốc y học cổ truyền.

Việc lựa chọn thuốc thành phẩm được quỹ BHYT thanh toán tại các cơ sở khám chữa bệnh không bị giới hạn bởi chủng loại thuốc với giá rẻ hay đắt, thuốc nội hay thuốc ngoại. Căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu khám chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ BHYT, cơ sở khám chữa bệnh xây dựng danh mục thuốc sử dụng tại đơn vị để mua sắm lựa chọn sử dụng thuốc cho phù hợp.

Về cơ bản, hiện tại danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT đã bao phủ đầy đủ tại các cơ sở khám chữa bệnh đa khoa, chuyên khoa, các hạng bệnh viện và các chuyên ngành, các lĩnh vực điều trị”- BHXH Việt Nam đánh giá.

Nhằm đáp ứng ngày càng đầy đủ, chất lượng hơn về nhu cầu sử dụng thuốc của người bệnh có thẻ BHYT, hiện Bộ Y tế đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu; thuốc đông y, thuốc từ dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Trong đó, chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT được chăm sóc tốt hơn nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Ngoài ra, theo BHXH Việt Nam, hiện người tham gia BHYT cũng ngày càng được hưởng lợi nhiều hơn từ chất lượng dịch vụ BHYT; thủ tục trong khám chữa bệnh BHYT theo hướng cải cách, đơn giản, tiết kiệm thời gian cho người tham gia. Đặc biệt, với việc cải cách như sử dụng thẻ căn cước công dân, hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh BHYT thay cho thẻ giấy; ứng dụng sinh trắc học tại cơ sở khám chữa bệnh BHYT… đã và đang được người dân, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT hưởng ứng, đánh giá cao.

Trước những tiện ích, lợi ích được hưởng từ chính sách BHYT, hầu hết người dân đều tích cực, chủ động tham gia BHYT. Do đó, tỷ lệ bao phủ BHYT năm sau luôn cao hơn năm trước, tăng từ 91,01% dân số (năm 2021) lên 92,04% (năm 2022) và 92,4% (9 tháng đầu năm 2023).

Số liệu từ BHXH Việt Nam cho thấy, thực tế có khoảng 60-70% người tham gia BHYT sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh; tần suất khám chữa bệnh của người dân từ 2-2,1 lần/năm. Theo đó, số người hưởng chế độ, chính sách BHYT ngày càng tăng. Tính hết tháng 9/2023, cả nước đã có 127.475.188 lượt người đi khám chữa bệnh BHYT, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022; số tiền quỹ BHYT thanh toán là hơn 88,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, với tinh thần sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT theo quy định, thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục đồng hành chặt chẽ cùng ngành Y tế, nhất là trong việc xây dựng, sửa đổi Luật BHYT; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện… để đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng cân đối, phát triển bền vững của quỹ BHYT.

Ngành BHXH đồng thời xác định, trách nhiệm của cơ quan BHXH sẽ ngày một lớn hơn, toàn ngành tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, giải pháp để phấn đấu chỉ tiêu thực hiện BHYT đến năm 2025, tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95,15% dân số, tiến tới BHYT toàn dân theo đúng mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; giải quyết đầy đủ, kịp thời quyền lợi BHYT cho người tham gia.

Để hoàn thành mục tiêu đó, BHXH Việt Nam cho biết, cần phát huy mạnh mẽ vai trò phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng văn bản có liên quan về lĩnh vực BHYT, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Tăng cường công tác quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh; quan tâm nhiều hơn đến công tác đầu tư nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến xã để thu hút người có thẻ BHYT đến khám, điều trị, giảm tình trạng người bệnh tập trung quá đông lên tuyến trên.

Đồng thời, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện BHYT. Tăng cường công tác giám định trên hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử; áp dụng quy trình giám định BHYT mới gồm hai phương pháp chủ động và tự động; chủ động và phối hợp với ngành Y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT theo cảnh báo từ Hệ thống giám định điện tử.

Ngành BHXH cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giám định đối với BHXH các tỉnh, thành phố và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hình thức trực lợi, lạm dụng quỹ BHYT; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân tích cực và chủ động tham gia BHYT.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục