Xuân Bắc: Anh Xuân Hinh “đưa tôi vào đời” Lễ trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú sẽ tổ chức vào ngày 6/3 |
Gần 400 nghệ sĩ vừa được trao tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú sáng ngày 6/3 là những gương mặt nghệ sĩ tài năng, thuộc nhiều lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, múa, phát thanh - truyền hình, sân khấu… của các tỉnh, thành trên cả nước.
Trong số các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nhiều người đang ở độ tuổi sung sức với nghề và với vinh dự được trao tặng sẽ là động lực, sự khích lệ để họ tiếp tục cống hiến tài năng, tâm sức cho nền văn hoá, nghệ thuật đất nước.
Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc (phải) cùng với nghệ sĩ Tự Long. Ảnh: HS |
Nghệ sĩ Xuân Bắc sinh năm 1976 tại Phú Thọ. Anh tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và làm việc tại Nhà hát Kịch Việt Nam đến nay. Xuân Bắc được biết đến qua nhiều phim như: 12A-4H, Ngã ba Đồng Lộc, Chuyện nhà Mộc, Sóng ở đáy sông, Con đường sáng, Hai phía chân trời. Xuân Bắc còn là một trong những nghệ sĩ hài nổi tiếng được yêu mến trong các chương trình Táo quân.
Bên cạnh sự nghiệp diễn xuất, Xuân Bắc còn là MC của một số chương trình như Đuổi hình bắt chữ, Vua tiếng Việt, Ơn giời cậu đây rồi... Với những đóng góp cho những hoạt động nghệ thuật, Xuân Bắc được trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú vào năm 2016. Năm 2021, anh được bổ nhiệm là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam.
Bày tỏ niềm tự hào khi vinh dự nhận được danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân mà Nhà nước trao tặng, nghệ sĩ Xuân Bắc cho hay, nghệ sĩ gửi gắm tài năng qua những hình tượng nhân vật, nên quan trọng nhất với nghệ sĩ là tác phẩm nghệ thuật, là thái độ sống, nhưng khi được trao danh hiệu, tôi thực sự cảm thấy vui mừng và hạnh phúc, hãnh diện, tự hào, đồng thời cũng suy nghĩ, trăn trở.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc, có nghệ sĩ khi đạt danh hiệu xong thì cảm thấy đủ rồi. Song với anh khi đạt danh hiệu chúng ta bắt đầu một hành trình mới, hành trình của một nghệ sĩ có danh hiệu, và luôn cố gắng phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu đó, không phải hôm nay, mà ngày mai và sau này nữa… Danh hiệu là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước, nhân dân về cả quá trình lao động sáng tạo của nghệ sĩ.
"Cùng với động lực và sự khích lệ, danh hiệu với nghệ sĩ còn là niềm tin về sự cố gắng cống hiến, phấn đấu của mình được ghi nhận. Nhưng các tác phẩm nghệ thuật, các tiết mục có giá trị mới là điều nghệ sĩ hướng tới, giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn"- Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc bày tỏ.
Cặp vợ chồng Nghệ sĩ nhân dân Thu Huyền - Tấn Minh. Ảnh: HS |
Cặp đôi nghệ sĩ Tấn Minh và Thu Huyền được chú ý khi cả hai cùng được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân trong dịp này. Nghệ sĩ nhân dân Thu Huyền được nhiều khán giả nhắc đến với biệt danh "Thị Mầu" hay "Huyền chèo".
Ngoài vai Thị Mầu, Thu Huyền thành công với nhiều vai diễn khác như Thị Phương trong Trương Viên, cô Son trong vở chèo cùng tên, Súy Vân trong Súy Vân giả dại, Hoạn Thư trong Kiều, nàng Sita trong vở cùng tên, Thuyến trong Điều còn lại... Năm 32 tuổi, Thu Huyền được đặc cách phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú và là một trong những nữ nghệ sĩ được phong nghệ sĩ ưu tú trẻ nhất Việt Nam thời điểm đó.
Còn Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh tốt nghiệp khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, được yêu mến nhờ giọng hát ngọt ngào, trầm ấm. Tên tuổi anh gắn liền với các ca khúc như: Bức thư tình đầu tiên, Phượng Hồng, Mối tình đầu, Em và tôi, Em ơi Hà Nội phố... Chặng đường nghệ thuật hàng chục năm giúp Tấn Minh trở thành giọng ca đa sắc màu. Anh có thể biến hóa từ pop ballad, bolsa, acapella... đến dân gian đương đại.
Chia sẻ niềm vui khi nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, Tấn Minh bày tỏ, lựa chọn con đường làm nghệ thuật hai vợ chồng chưa bao giờ nghĩ đến ngày hôm nay. Vì vậy, anh thấy vui và hạnh phúc khi sự cống hiến mấy chục năm qua của mình được ghi nhận.
Theo Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh, hàng trăm con người có mặt trong ngày hôm nay đều có chung niềm vui ấy. Với gia đình anh niềm vui còn nhân đôi khi cả hai vợ chồng được nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân dịp này. “Chúng tôi đã hết lòng cho sáng tạo văn hóa và nghệ thuật, chúng tôi vẫn tiếp tục gìn giữ, phát triển văn hóa và tận hiến cho khán giả, cho nghệ thuật”- Nghệ sĩ nhân dân Tấn Minh nói.
Cùng vinh dự nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân trong dịp này, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi - Á hậu Việt Nam đầu tiên được phong nghệ sĩ nhân dân. Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi sinh năm 1971, từng theo học Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.Hồ Chí Minh, năm 1994, Trịnh Kim Chi tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và giành ngôi vị Á hậu 2 chung cuộc. Năm 2014, Trịnh Kim Chi được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, thời điểm đó, Trịnh Kim Chi là Á hậu đầu tiên trong lịch sử các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam được phong tặng danh hiệu này.
Chia sẻ về niềm vui nhận được danh hiệu cao quý, Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Kim Chi bày tỏ, danh hiệu này là động lực để cô tiếp tục phấn đấu, tự tin cống hiến cho nghệ thuật. Đó cũng là sự nhắc nhở để nghệ sĩ lao động nghệ thuật nghiêm túc, bảo vệ danh hiệu cao quý.
Nghệ sĩ Lê Đại Chức. Ảnh: HS |
Nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân sau 26 năm là nghệ sĩ ưu tú đối với nghệ sĩ Lê Đại Chức là vinh dự rất lớn. Nghệ sĩ Lê Đại Chức bày tỏ, nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân đó là ngoài trách nhiệm trao truyền cho thế hệ sau, còn là quá trình học hỏi kiến thức tiếp nối từ những người thầy đi trước. Đó cũng là sự tri ân, trọng đạo bởi không có sự trọng đạo ấy, không có kính tâm với tổ nghiệp, với những thế hệ đi trước trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và công chúng thì không có các nghệ sĩ hôm nay.
Nghệ sĩ nhân dân là danh hiệu cao nhất Nhà nước trao tặng cho các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Người được trao danh hiệu nghệ sĩ nhân dân phải có ít nhất 20 năm kinh nghiệm, được tặng ít nhất hai giải vàng hoặc một giải vàng và hai giải bạc tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế và các hội văn học nghệ thuật Trung ương từ khi được trao nghệ sĩ ưu tú. |
Bảo Thoa
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|