Đánh giá tiềm năng năng lượng gió ven biển và xa bờ của Việt Nam

(Banker.vn) Báo cáo đánh giá chi tiết tiềm năng năng lượng gió ven biển và xa bờ của Việt Nam hiện đang được Tổng cục Khí tượng thủy văn -Bộ TN&MT hoàn thiện.
Khoảng cách và độ sâu bao nhiêu thì được xác định là một dự án điện gió ngoài khơi? Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: 3 giải pháp cấp thiết gỡ vướng cho Nhà máy điện gió Hoà Thắng 1.2 Lâm Đồng: Rà soát, báo cáo tình hình triển khai các dự án điện gió trên địa bàn Bộ Công Thương: Đề xuất hướng đền bù, hỗ trợ phạm vi 300 m từ công trình điện gió

Hội thảo “Tham vấn ý kiến Chuyên gia, nhà quản lý về kết quả tính toán tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió và khuyến nghị khai thác tài nguyên điện gió ngoài khơi Việt Nam” do Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với UNDP tổ chức vào ngày 28/5, tại Hà Nội.

Đánh giá tiềm năng năng lượng gió ven biển và xa bờ của Việt Nam
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Đan Ly)

Phát biểu tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Anh, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết: Theo Đề án nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kết quả Hội nghị COP26 của Chính phủ, Việt Nam sẽ xác định chi tiết tiềm năng năng lượng gió, sóng biển ngoài khơi các vùng biển Việt Nam; xác định các khu vực biển thu hút nhà đầu tư, đưa vào vận hành một số dự án điện gió ngoài khơi. Qua đó, đáp ứng mục tiêu đến năm 2030, tối thiểu 33% tổng sản lượng điện phát từ các nguồn năng lượng tái tạo, giảm tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Thực tế trong nhiều năm qua, nhiều đề tài, dự án các cấp đã có nghiên cứu đánh giá tiềm năng năng lượng gió tại Việt Nam, với sự tham gia của nhiều đối tác nước ngoài. Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố báo cáo: “Đánh giá tiềm năng năng lượng bức xạ, gió và sóng tại Việt Nam”, trong đó đưa ra chi tiết tiềm năng năng lượng gió trên đất liền và ngoài khơi dựa trên mô phỏng từ mô hình số trị khu vực độ phân giải cao. Đây là tài liệu hữu ích để các bộ, ngành, địa phương tham khảo và sử dụng trong các hoạt động có liên quan.

Tuy nhiên, các đánh giá trước đây vẫn còn một số hạn chế và cần nghiên cứu thêm để đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà quản lý, các công ty khai thác điện gió trong việc lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, vận hành khai thác nhà máy điện gió.

Theo ông Đỗ Tiến Anh, năm 2023, UNDP Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam đã tài trợ cho Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá chi tiết tiềm năng năng lượng gió ở các vùng biển ven bờ (đến 6 hải lý) và ngoài khơi Việt Nam và đề xuất hỗ trợ dài hạn cho ngành điện”.

Mục tiêu nhằm đưa ra bộ dữ liệu gió độ phân giải chi tiết 3km; đánh giá biến động theo thời gian (tháng, mùa, năm) của tốc độ gió và năng lượng gió tại từng khu vực; tính toán tiềm năng kỹ thuật điện gió trên cơ sở dữ liệu về địa hình, quy hoạch biển, các vùng ưu tiên phát triển điện gió; đánh giá các rủi ro thiên tai về khí tượng, hải văn tới thiết kế, thi công và khai thác điện gió. Từ đó, đề xuất giải pháp tăng cường quan trắc, mô hình và công tác dự báo phục vụ khai thác năng lượng gió trong ngắn hạn.

Đánh giá tiềm năng năng lượng gió ven biển và xa bờ của Việt Nam
Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng, UNDP Việt Nam phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Đan Ly)

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu, môi trường, năng lượng, UNDP Việt Nam cho biết: Việt Nam đã cam kết phát triển điện gió trên biển, kể cả gần bờ và ngoài khơi để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và Quy hoạch Điện VIII, so với nghiên cứu trước đây, báo cáo lần này đưa ra đánh giá tổng thể hơn, cập nhật nhiều dữ liệu mới và tính toán tiềm năng kỹ thuật tại các tọa độ địa lý khác nhau.

"Kết quả nghiên cứu lần này là bước tiến trong việc chi tiết hóa số liệu sơ cấp ban đầu, nhằm tạo ra nền tảng thông tin phục vụ xây dựng tài liệu quy hoạch, phát triển điện gió ngoài khơi trong dài hạn. Điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển xanh, an ninh năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội."- ông Đào Xuân Lai nhấn mạnh.

Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày tiến độ thực hiện dự án và các kết quả chính; bộ dữ liệu tiềm năng về năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam; giới thiệu bản đồ tiềm năng kỹ thuật và Atlas năng lượng gió ngòai khơi. Bên cạnh đó, đề xuất xây dựng mô hình và công tác dự báo phục vụ khai thác năng lượng gió trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đã góp ý nhiều vấn đề về phương pháp luận, cách tính toán cũng như nguồn số liệu đưa vào nghiên cứu. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan quản lý nhất trí đây là tài liệu rất quan trọng trong việc thu hút các nhà đầu tư điện gió quan tâm phát triển dự án tại địa phương.

Theo ông Đỗ Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nam Định, khu vực của tỉnh hằng năm đều chịu tác động lớn từ gió bão, thiên tai. Hiện tỉnh đã đồng ý cho 3 – 4 doanh nghiệp khảo sát dự án điện gió, nhưng vị trí đặt dự án cũng như chất lượng các công trình phải chống chịu được bão thì mới có thể triển khai.

Ông Đỗ Minh Đương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, với tốc độ gió thực đo 7m/s, tiềm năng điện gió của tỉnh rất lớn. Trên địa bàn hiện có 8 dự án điện gió đang hoạt động và 2 dự án đang triển khai. Nguồn điện xanh sản xuất ra ngoài phục vụ trong nước còn có thể xuất khẩu, dự kiến sẽ đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. Việc xác định tiềm năng điện gió sẽ giúp tỉnh có căn cứ mời gọi các nhà đầu tư, cũng như lựa chọn đơn vị đủ năng lực triển khai dự án một cách tốt nhất.

Tiếp thu các ý kiến, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn cho biết, đơn vị sẽ hoàn thiện Báo cáo tính toán tiềm năng kỹ thuật của năng lượng gió ven biển khu vực và các khu vực ngoài khơi trong thời gian tới, bao gồm cả bản đồ tiềm năng; đồng thời, hoàn thiện Báo cáo đề xuất mô hình và công cụ tăng cường hệ thống quan trắc và dự báo khí tượng thủy văn phục vụ vận hành và sản xuất điện gió trong thời gian ngắn.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục