Đằng sau món 'nợ xấu' 800 tỷ trái phiếu của Tập đoàn Thái Tuấn

(Banker.vn) Năm 2021, dòng tiền thuần kinh doanh của Tập đoàn Thái Tuấn âm nặng hơn 2.300 tỷ đồng, phản ánh sự loay hoay trong việc thu hồi nợ đọng từ đối tác, khách hàng. Việc Tập đoàn Thái Tuấn không thể đáo hạn 800 tỷ đồng trái phiếu vừa qua, là dấu hiệu cho thấy tình hình tại doanh nghiệp chưa hề có sự chuyển biến.
Đằng sau món 'nợ xấu' 800 tỷ trái phiếu của Tập đoàn Thái Tuấn
Trụ sở chính của Tập đoàn Thái Tuấn tại quận 12, TP.HCM

Định giá 'trên trời'?

Tập đoàn Thái Tuấn - một trong những doanh nghiệp có uy tín về cung cấp sản phẩm và dịch vụ thời trang tại Việt Nam, với dòng sản phẩm nổi bật là vải Thái Tuấn, vừa công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán gốc, lãi của 2 lô trái phiếu mã TTDCH2122001 và TTDCH2122002.

Tập đoàn Thái Tuấn cho biết, đây là 2 lô trái phiếu đang lưu hành, trong đó lô TTDCH2122001 được phát hành ngày 12/4/2021 với kỳ hạn 18 tháng (đáo hạn ngày 12/10/2022), trị giá 300 tỷ đồng; còn lô TTDCH2122002 phát hành ngày 20/5/2021, cũng với kỳ hạn 18 tháng (đáo hạn ngày 20/11/2022), trị giá 500 tỷ đồng. Lãi suất đều ở mức 11%/năm.

Để huy động trái phiếu, Tập đoàn Thái Tuấn đã sử dụng 20 triệu cổ phần của chính doanh nghiệp mình (tương đương 200 tỷ đồng theo mệnh giá, chiếm 52% vốn điều lệ khi đó), đi kèm với nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 07-08-09 Trang Tử, phường 14, quận 5, TP.HCM và 2,6ha đất tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An (tổng giá trị 210 tỷ đồng, định giá bởi Công ty CP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam) làm tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu TTDCH2122001.

Với lô TTDCH2122002, Tập đoàn Thái Tuấn cũng đem "gán" tiếp 16 triệu cổ phần (tương đương 42% vốn điều lệ khi đó) cho phía Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV - Chi nhánh Sở giao dịch 2 để bảo đảm cho đợt phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu.

Đáng nói, nếu tính theo mệnh giá, số cổ phần trên chỉ đáng giá 160 tỷ đồng, song thời điểm đó Công ty CP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam đã "mạnh tay" định giá lên đến 50.450 đồng/cổ phần cho Tập đoàn Thái Tuấn, giúp đưa tổng giá trị tài sản bảo đảm đạt gần 810 tỷ đồng.

Với động thái này, Công ty CP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam đã cho thấy Tập đoàn Thái Tuấn là doanh nghiệp sở hữu nhiều ưu thế, tiềm năng và có sức hấp dẫn rất lớn trên thị trường.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trước đó 2 tháng Công ty CP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam không hề đưa ra mức định giá "trên trời" này dành cho Tập đoàn Thái Tuấn. Bởi vậy, 20 triệu cổ phần được thế chấp trong vụ phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu TTDCH2122001 chỉ được tính theo mệnh giá, tức chỉ 200 tỷ đồng chứ không phải là hơn 1.000 tỷ đồng nếu áp theo mức định giá 50.450 đồng/cổ phần tại lô TTDCH2122002.

Nói thêm rằng, trong trường hợp Công ty CP Giám định và Thẩm định tài sản Việt Nam ký Chứng thư thẩm định giá số 2704/CT/XDGTDN.VAE sớm hơn nửa tháng (ngày 27/4/2021), Tập đoàn Thái Tuấn sẽ không phải thế chấp thêm các tài sản bất động sản khác cho lô trái phiếu TTDCH2122001, vì riêng 20 triệu cổ phần đó đã vượt hơn 1.000 tỷ đồng, thừa sức đáp ứng quy định về giá trị tài sản bảo đảm/giá trị phát hành.

Và dù đã bỏ lỡ thời hạn thanh toán gốc, lãi của 2 lô trái phiếu khá lâu, song đến nay Tập đoàn Thái Tuấn mới công bố tình trạng chậm trả của họ.

Theo đó, trong khi dư nợ tại thời điểm đáo hạn của cặp trái phiếu là 842,3 tỷ đồng, vậy nhưng Tập đoàn Thái Tuấn chỉ mới thu xếp trả được cho nhà đầu tư hơn 30 tỷ đồng, nghĩa là chưa bằng số lãi phát sinh, tính đến hết tháng 4/2023.

Tập đoàn Thái Tuấn đã đàm phán với các nhà đầu tư trái phiếu TTDCH2122001 và được chấp thuận cho "bán rẻ" bất động sản số 07-08-09 Trang Tử từ 135 tỷ đồng xuống 75 tỷ đồng. Đồng thời, chấp thuận cho Đại lý quản lý tài sản bảo đảm (BIDV - Chi nhánh Sở giao dịch 2) kéo dài thời gian xử lý tài sản bảo đảm đến hết ngày 30/4/2023.

Trong trường hợp thu được tiền từ tài sản bảo đảm trên, trái chủ đồng ý cho Tập đoàn Thái Tuấn được giãn nợ số tiền còn lại, tuy nhiên thời hạn cụ thể bao lâu không được công bố.

Đối với lô trái phiếu TTDCH2122002, Tập đoàn Thái Tuấn dự kiến tổ chức hội nghị đàm phán với nhà đầu tư trong tháng 5 này, để xin ý kiến kéo dài thời gian xử lý tài sản đảm bảo (16 triệu cổ phần của doanh nghiệp), cũng như thời gian đáo hạn.

Bắt mạch 'sức khỏe' Tập đoàn Thái Tuấn

Tập đoàn Thái Tuấn thành lập vào thập niên 1990, hiện trụ sở chính đóng tại TP.HCM. Thương hiệu này mang đậm dấu ấn của dòng họ Thái Tuấn, với những trụ cột là ông Thái Tuấn Chí (SN 1963), người sáng lập và có nhiều năm đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc doanh nghiệp; và ông Thái Tuấn Kiều (SN 1972), Phó tổng giám đốc.

Đằng sau món 'nợ xấu' 800 tỷ trái phiếu của Tập đoàn Thái Tuấn
Ông Thái Tuấn Chí, người sáng lập Tập đoàn Thái Tuấn nổi danh ngày nay.

Hiện, Tập đoàn Thái Tuấn được đứng tên bởi ông Trần Hoài Nam (SN 1983), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc thay cho ông Thái Tuấn Chí. Ông Trần Hoài Nam nổi lên từ khi góp mặt trong HĐQT của Tập đoàn Yeah1 (mã chứng khoán YEG) từ ngày 15/6/2022.

Theo chia sẻ của Yeah1 khi đó, sự xuất hiện của ông Trần Hoài Nam - đại diện từ tập đoàn thời trang lâu đời Thái Tuấn có thể mở ra cơ hội phát triển trong mảng thời trang bán lẻ tại Việt Nam, giúp Yeah1 đẩy mạnh kinh doanh thương mại đa kênh. Tuy nhiên, dù chưa thể vực dậy Yeah1 vốn đang "èo uột", chỉ 6 tháng sau, ông Trần Hoài Nam đã khiến cổ đông được phen bất ngờ vì sự rút lui đầy vội vã của mình.

Trở lại với Tập đoàn Thái Tuấn, về năng lực, tháng 8/2021, Tập đoàn Thái Tuấn tăng vốn điều lệ từ 380 tỷ đồng lên 1.680 tỷ đồng, và duy trì đến nay. Như vậy, hành động nâng vốn đã diễn ra ngay khi 2 lô trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng nêu trên được hoàn tất.

Theo dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn có được, các năm 2017-2020, tổng tài sản của Tập đoàn Thái Tuấn (báo cáo riêng lẻ) biến động khá thất thường, trên dưới 600 tỷ đồng, chủ yếu do hàng tồn kho và các khoản phải thu liên tục thay đổi.

Sau vụ huy động 800 tỷ đồng trái phiếu, tổng tài sản tăng vọt lên hơn 3.140 tỷ đồng, trong đó khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh lên 300 tỷ đồng, cho thấy doanh nghiệp đang có động thái xây dựng nhà máy mới, trong bối cảnh các nhà máy cũ đã khấu hao gần hết.

Tập đoàn Thái Tuấn là chủ đầu tư nhiều nhà máy sản xuất dệt may ở tỉnh Long An, như nhà máy may mặc Thái Tuấn - Khu công nghiệp Phúc Long có vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; nhà máy may công nghệ cao Thái Tuấn - Khu công nghiệp Long Hậu có vốn 600 tỷ đồng; nhà máy sản xuất vải may mặc Thái Tuấn - Khu công nghiệp Anh Hồng có vốn 3.000 tỷ đồng, đang tiến hành xây dựng, dự kiến hoạt động vào năm 2023.

Ở TP.HCM, Tập đoàn Thái Tuấn sở hữu nhà máy dệt hoàn tất tại Quận 12; nhà máy dệt - may tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc B.

Một đơn vị thành viên của Tập đoàn Thái Tuấn là Tổng công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, có nhiệm vụ cung cấp sản phẩm thời trang trên toàn quốc và quốc tế.

Tập đoàn Thái Tuấn có doanh thu khá tốt trong những năm gần đây. Ngoại trừ năm 2020 doanh thu giảm mạnh xuống 440 tỷ đồng, chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19, còn các năm khác (2017-2021) đều neo trên ngưỡng 800 tỷ đồng.

Khấu trừ các chi phí và thuế, lợi nhuận ròng của Tập đoàn Thái Tuấn lần lượt là 49,6 tỷ đồng (2017), âm 9,4 tỷ đồng (2018), 16,8 tỷ đồng (2019), 19 tỷ đồng (2020) và 13,4 tỷ đồng (2021).

Đằng sau món 'nợ xấu' 800 tỷ trái phiếu của Tập đoàn Thái Tuấn
Báo cáo riêng lẻ của Tập đoàn Thái Tuấn.

Điểm đáng lưu tâm, năm 2021, dòng tiền thuần kinh doanh của Tập đoàn Thái Tuấn âm nặng đến 1.966 tỷ đồng, hệ quả của việc các khoản phải thu "nhảy vọt". Điều đó có nghĩa, Tập đoàn Thái Tuấn không thu được tiền từ việc kinh doanh, mà còn phải chi ra hơn nghìn tỷ đồng khác đảm bảo dòng tiền duy trì hoạt động. Đặc biệt, việc mở rộng quy mô, xây dựng cơ sở làm ăn mới càng gây thêm áp lực lên dòng tiền hoạt động.

Đó là nguyên nhân doanh nghiệp phải vay vốn từ kênh trái phiếu, đồng thời nhận thêm vốn từ cổ đông, đưa dòng tiền tài chính lên đến 2.343 tỷ đồng, vào năm 2021. Không loại trừ khả năng, Tập đoàn Thái Tuấn vẫn đang loay hoay trong việc đòi nợ đối tác, khách hàng, nên dòng tiền kinh doanh chưa thể cải thiện, buộc doanh nghiệp phải "khất nợ" các nhà đầu tư của lô trái phiếu TTDCH2122001 và TTDCH2122002.

Chủ dự án 'đình đám' Aqua City của Novaland báo lỗ nặng, nợ phải trả vượt ngưỡng nửa tỷ USD

Thời điểm cuối năm 2022, cấu trúc tài chính của Công ty TNHH Thành phố Aqua có phần nghiêng về hướng thiếu tích cực, khi ...

Gần 1 tỷ USD trái phiếu đáo hạn trong tháng 5, vậy đâu là 'con nợ' lớn nhất?

Tháng 5 này, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn gần 1 tỷ USD, trong đó phần lớn thuộc về nhóm doanh nghiệp ...

Lỗ quý hơn 400 tỷ vẫn tích cực mua lại trái phiếu trước hạn, Hòa Bình (HBC) đang toan tính gì?

Áp lực tài chính đè nặng lên Hoà Bình (HBC) khi phần lớn vay nợ là khoản vay ngắn hạn (BIDV, VietinBank, VPBank, MSB, MBB, ...

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục