Đằng sau đà gom mạnh cổ phiếu ngân hàng của khối ngoại

(Banker.vn) Sau 2 năm bán ròng quyết liệt, khối ngoại bắt đầu mua ròng trở lại trong năm 2022. Đặc biệt, khối này mua ròng đột biến vào những tháng cuối năm. Trong đó, Ngân hàng là lĩnh vực ưa thích và được mua ròng nhiều nhất...

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán chứng kiến một loạt nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng mạnh cổ phiếu ngân hàng. Đơn cử có thể kể đến như Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 3,45 triệu cổ phiếu VPB thông qua 3 quỹ thành viên trong ngày 4/1. Ước tính theo giá đóng cửa ngày 4/1 (18.900 đồng/cp), số tiền mà Dragon Capital đã chi ra để mua thêm cổ phần VPBank là hơn 62 tỷ đồng. Sau giao dịch trên, tổng số cổ phiếu VPB mà Dragon Capital tăng lên hơn 402,9 triệu đơn vị, tương đương hơn 6% cổ phần ngân hàng.

Đằng sau đà gom mạnh cổ phiếu ngân hàng của khối ngoại

Nhóm này cũng tích cực gom cổ phiếu STB. Ngày 30/12/2022, 4 quỹ thành viên của Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 4,1 triệu cổ phiếu STB, nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacombank lên 6,0038%. Sau đó, bán ra tổng cộng gần 2,56 triệu cổ phiếu STB thông qua 3 quỹ thành viên trong ngày 3/1 và giảm tỷ lệ sở hữu về mức 5,86% cổ phần ngân hàng.

Trước đó, Dragon Capital đã mua ròng 5,11 triệu cổ phiếu STB trong ngày 5/12/2022, tăng lượng sở hữu lên hơn 99,038 triệu đơn vị, tương đương 5,2534% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn duy nhất của Sacombank.

Tính chung trong khoảng 1 tháng (4/12/2022 – 3/1/2023), nhóm quỹ này đã mua ròng khoảng gần 16,7 triệu cổ phiếu Sacombank.

Đằng sau đà gom mạnh cổ phiếu ngân hàng của khối ngoại
Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất của quỹ VEIL tại ngày 29/12/2022 (Nguồn: VEIL)

Ngân hàng cũng là nhóm cổ phiếu ưa thích của nhóm Dragon Capital từ nửa cuối năm 2022. Trong báo cáo công bố hôm 6/1/2023, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – thành viên của Dragon Capital – thể hiện, VPB của ngân hàng VPBank là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 12,84% NAV. Bên cạnh đó, có thể kể tới các cổ phiếu ACB và VCB, chiếm lần lượt 12,13% và 5,83% NAV của quỹ VEIL tại thời điểm lập báo cáo.

Pyn Elite Fund công bố báo cáo hoạt động tháng 12/2022, trong đó ghi nhận tới 5 cổ phiếu ngân hàng thuộc top các cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ, gồm: CTG, STB, TPB, MBB và HDB. Các cổ phiếu này chiếm tới 44% tổng tài sản ròng (NAV) của quỹ đầu tư Phần Lan.

Trong tháng cuối cùng của năm 2022, STB là cổ phiếu ghi nhận mức tăng lớn nhất trong danh mục của Pyn Elite Fund, đạt 12,5%. Đà tăng giá của các phiếu ngân hàng trong danh mục giúp quỹ đầu tư ngoại này có tháng thứ 2 liên tiếp đạt hiệu suất dương.

Đằng sau đà gom mạnh cổ phiếu ngân hàng của khối ngoại
Top 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất của quỹ Pyn Elite Fund vào cuối tháng 12/2022 (Nguồn: Pyn Elite Fund)

Vì sao quỹ ngoại gom mạnh cổ phiếu ngân hàng?

Dữ liệu giao dịch trong 5 phiên đầu năm 2022 cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng, với tâm điểm là VPB (6,55 triệu cp, giá trị 123,9 tỷ đồng). Khối ngoại cũng tiếp tục ''gom hàng'' tại một số mã quen thuộc như CTG (2,96 triệu cp, 85,6 tỷ đồng), VCB (782.000 cp, 66,2 tỷ đồng), STB (2,26 triệu cp, 55,7 tỷ đồng), SHB (gần 784.000 cp, giá trị 8,1 tỷ đồng), HDB (hơn 409.000 cp, 6,8 tỷ đồng),…

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau 2 năm bán ròng quyết liệt, khối ngoại bắt đầu mua ròng trở lại trong năm 2022. Đặc biệt, khối này mua ròng đột biến vào những tháng cuối năm. Trong đó, Ngân hàng là lĩnh vực ưa thích và được mua ròng nhiều nhất.

VDSC cho rằng, kể từ tháng 11, lạm phát đã hạ nhiệt, các Ngân hàng Trung ương lên kế hoạch giảm tốc độ tăng lãi suất, chỉ số sức mạnh đồng USD - DXY hạ nhiệt và kích thích đầu tư vào các tài sản rủi ro. Việt Nam với tư cách là một thị trường cận biên, có mức định giá hấp dẫn sau một đợt điều chỉnh mạnh của thị trường trong năm 2022, đã thu hút dòng vốn mạnh từ khối ngoại.

Đối với ngành ngân hàng, VDSC nhận thấy rằng định giá ngành ngân hàng đã về mức thấp trong 10 năm qua. Do đó, khó khăn phía trước sẽ mang lại cơ hội lựa chọn và tích lũy cổ phiếu và nắm giữ dài hạn cho hành trình phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2024.

Về phía các quỹ ngoại, Dragon Capital từng nhiều lần đưa ra nhận định rằng, rủi ro đã được phản ánh vào giá cổ phiếu ngân hàng. Định giá thị trường đang ở vùng rất hấp dẫn khi về gần mức thấp nhất 10 năm.

Trong khi Pyn Elite Fund tiếp tục đưa ra những nhận định tích cực về các cổ phiếu ngân hàng đang nắm giữ. Đánh giá về VietinBank, Pyn Elite Fund kỳ vọng hợp đồng môi giới bảo hiểm nhân thọ sẽ góp phần cải thiện khả năng sinh lời của công ty trong năm 2022.

Với Sacombank, quỹ ngoại này cho biết ngân hàng này đang chịu gánh nặng lớn về tài sản không hoạt động (NPA) do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng cách đây một thập kỷ. Hàng năm, ngân hàng này phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng NPA, do đó tăng trưởng có vẻ yếu hơn so với thực tế. Dù vậy, PYN Elite hy vọng tất cả NPA của Sacombank sẽ bị xóa trong năm 2023. Ngoài ra, nhà băng này cũng ít liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp cũng như các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn.

Về TPBank, Pyn Elite Fund cho rằng đây là một ngân hàng nhỏ, tiên phong trong dịch vụ số, và đặc biệt được khách hàng trẻ tuổi ưa chuộng. Quỹ ngoại này kỳ vọng TPBank có thể tăng thu nhập lãi và hoa hồng một cách nhanh chóng.

Nói về MB, Pyn Elite Fund cho biết đây là ngân hàng lớn thứ năm của Việt Nam về quy mô bảng cân đối kế toán. MB đã tung ra các chiến dịch tiếp thị sáng tạo giúp tăng nhanh thị phần lĩnh vực ngân hàng bán lẻ trong năm nay. Ngoài ra, ngân hàng đã thành công trong lĩnh vực bảo hiểm và hoạt động tài chính tiêu dùng đã phục hồi. Dựa trên tất cả yếu tố này, Pyn Elite Fund cho rằng MB sẽ hoạt động tốt hơn mức trung bình trong năm nay.

Với HDBank, Pyn Elite Fund nhận định đây là một ngân hàng tầm trung, có thế mạnh trong mảng vay tiêu dùng và tài trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quỹ ngoại này đánh giá, HDBank là ngân hàng chất lượng cao và có định giá cổ phiếu ở mức khiêm tốn.

Anh Khôi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục