Đạm Phú Mỹ (DPM) dự chi gần 1.600 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 1/2022

(Banker.vn) Tổng Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (HOSE: DPM) vừa công bố nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền.

Theo đó, DPM sẽ chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền với tỷ lệ 40% (1 cổ phiếu cổ đông sở hữu sẽ nhận về 4.000 đồng).

Tỷ lệ thanh toán là 40% (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận về 4.000 đồng). Với hơn 391 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Đạm Phú Mỹ sẽ chi khoảng 1.560 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt này. Nguồn chi được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2022 của Tổng Công ty. Thời gian thanh toán dự kiến trong quý I/2023.

Đạm Phú Mỹ (DPM) dự chi gần 1.600 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 1/2022
Ước tính Đạm Phú Mỹ sẽ chi khoảng 1.560 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2022.

Về kết quả kinh doanh, trong quý IV/2022, DPM ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.900 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm ít hơn mức giảm của doanh thu nên lãi gộp đạt 1.639 tỷ đồng – giảm 31% so với quý IV/2021.

Trong kỳ, DPM thu về 157 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không biến động mạnh so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, Đạm Phú Mỹ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.140 tỷ đồng, giảm 32%.

Luỹ kế cả năm 2022, DPM đạt 18.627 tỷ đồng doanh thu thuần và 5.606 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 46% và 77% so với năm 2021. Đây cũng là những kết quả kinh doanh cao kỷ lục của DPM từ trước đến nay.

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của DPM đạt 17.747 tỷ đồng, tăng 27% so với mức 13.917 tỷ đồng ngày đầu năm (tương ứng tăng 3.830 tỷ đồng). Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 25%, đạt 1.883 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn thuộc mục đầu tư tài chính ngắn hạn của DPM lại tăng 104%, đạt 7.080 tỷ đồng (tương ứng tăng 3.625 tỷ đồng).

Nợ của DPM tăng 15% so với mức 3.204 tỷ đồng ngày đầu năm, đạt 3.708 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ tài chính ngắn hạn tăng 1%, đạt 202 tỷ đồng; vay và nợ tài chính dài hạn giảm 27%, đạt 505 tỷ đồng.

Mới đây, Đạm Phú Mỹ đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu hợp nhất 17.372 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ đồng. Như vậy so với kết quả đột biến năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ giảm 13% về doanh thu và giảm 58% về lợi nhuận trước thuế.

Kế hoạch này được đặt trong bối cảnh các điều kiện kinh doanh của ngành phân bón không còn duy trì được sự thuận lợi như năm trước. Tuy vậy, mức lợi nhuận trước thuế gần 2.700 tỷ đồng vẫn rất cao so với các năm hoạt động bình thường của Đạm Phú Mỹ.

VDSC ước tính DPM đạt hơn 3.000 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong năm 2023

Sang năm 2023, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng giá ure sẽ có xu hướng hạ nhiệt khi giá thành sản xuất giảm và nguồn cung trên thế giới được gia tăng. Giá ure trong năm 2023 được dự báo quanh mức 400 USD/tấn – 500 USD/tấn so với mức đỉnh hơn 1.000 USD/tấn trong năm 2022.

Tại thị trường châu Âu, giá khí đốt bắt đầu tăng mạnh kể từ năm 2021. Tuy nhiên, việc nhập khẩu khí thiên nhiên hoá lỏng đã làm cho giá khí đốt tại thị trường này hạ nhiệt.

Fitch Ratings dự báo giá khí tự nhiên sẽ vào khoảng 40 USD/MMBTU trong năm 2023, thấp hơn 57% so với mức cao lịch sử là 94 USD/MMBTU ở tháng 8/2022.

Đơn vị phân tích cho biết, theo dữ liệu của ICSC, giá khí đốt cao đã khiến 63% công suất sản xuất phân bón và hóa chất trong khu vực này ngừng hoạt động hoặc hoạt động với công suất thấp.

Việc giá khí tự nhiên hạ nhiệt đã giúp khôi phục sản xuất các ngành này tại châu Âu. Theo đó, Yara, một trong những nhà sản xuất phân bón và hoá chất lớn nhất thế giới, đã quay trở lại sản xuất amoniac với công suất khoảng 65% vào tháng 11.

Bên cạnh đó, năm 2022, Nga và Trung Quốc đều áp dụng hạn ngạch xuất khẩu phân bón khiến nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, một số tín hiệu cho thấy hai quốc gia này sẽ dỡ bỏ những biên pháp hạn chế xuất khẩu của mình.

Nga đã cung cấp một hạn ngạch cao hơn cho xuất khẩu các sản phẩm phân bón trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ. Trong khi, Trung Quốc cũng đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu phân bón vào những tháng cuối của 2022.

Từ đó, VDSC dự báo DPM có thể đạt 14.373 tỷ đồng doanh thu và 3.028 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong năm 2023, lần lượt giảm 26% và gần 41% so với cùng kỳ .

Mức lợi nhuận giảm mạnh chủ yếu đến từ việc giá phân bón ure giảm, ảnh hưởng lên biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp. Ngoài ra, giá khí đầu vào cũng như cước vận chuyển khí cho các năm sau vẫn chưa được chốt có thể gây rủi ro cho dự báo kết quả kinh doanh của Đạm Phú Mỹ.

Tuy nhiên, VDSC vẫn kỳ vọng PV GAS sẽ ưu tiên nguồn khí giá rẻ cho DPM sau khi khoản cước phí vận chuyển giai đoạn 2014 - 2018 đã được chi trả thêm 18 triệu USD.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục