Cán đích sớm
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng giá trị phân bón xuất khẩu sơ bộ tháng 1/2022 của Việt nam đạt 171 triệu USD, tăng 349.5 % so với cùng kỳ. Đáng chú ý, ngay nửa đầu tháng 1, hơn 130.000 tấn phân Ure đã được xuất khẩu sang Ấn Độ với tổng giá trị ước đạt 105 triệu USD.
Thông tin KBSV thu thập được cho thấy, DPM là một trong số các doanh nghiệp trúng gói thầu trên và đã kịp xuất bán ngay trong tháng 1. Với mức giá ure dao động từ 750 - 800 USD/tấn vào thời điểm đó, DPM dự kiến thu về khoản lợi nhuận ước đạt 1.000 - 1.100 tỷ đồng.
Năm 2022, DPM đề ra kế hoạch kinh doanh với một số chỉ tiêu tài chính đặt ở mức tương đối thận trọng với tổng doanh thu đạt 11.058 tỷ đồng, 14,2% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 945 tỷ đồng, giảm 68,8%.
Chia sẻ về tình hình sản xuất kinh doanh trong hai tháng đầu năm 2022, DPM cho biết, mặc dù có kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán khá dài ngày và tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, song với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, sự chuẩn bị kỹ lưỡng, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong sản xuất kinh doanh nên doanh nghiệp đã bước đầu đạt kết quả tốt trong tháng 1 và đầu tháng 2/2022, tạo đà vững chắc cho cả năm 2022.
Cụ thể, trong tháng 1/2022, tổng sản lượng sản xuất đạt khoảng 100.000 tấn phân bón và hóa chất, trong đó có gần 80.000 tấn Đạm Phú Mỹ, 13.700 tấn NPK Phú Mỹ. Về kinh doanh, DPM đã tiêu thụ được gần 160.000 tấn phân bón và hóa chất, trong đó sản phẩm chủ lực Đạm Phú Mỹ đạt trên 123.000 tấn, vượt xa so với kế hoạch được giao.
Sang tháng 2/2022, với chế độ trực và hoạt động 24/7 xuyên Tết, doanh nghiệp tiếp tục đạt sản lượng sản xuất cao, đồng thời khẩn trương điều độ, đưa hàng tới các vùng miền để sẵn sàng phục vụ cho mùa vụ cao điểm sắp tới.
Dự phóng kết quả kinh doanh 2022
Theo nhận định của KBSV, căng thẳng giữa Ukraina và Nga cùng với tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu khiến cho giá dầu hiện vẫn neo ở mức cao và theo đó, giá phân bón không thể sớm hạ nhiệt.
Mặc dù vậy, theo dự báo của Hiệp hội Phân bón quốc tế, công suất sản xuất phân ure thế giới trong năm 2022 dự kiến tăng thêm 7,5 triệu tấn lên 224,5 triệu tấn/năm nhờ vào các dự án đẩy mạnh xuất khẩu của Nigeria và Brunei và các dự án thay thế nguồn hàng nhập khẩu của Ấn Độ.
Bên cạnh đó, với việc gỡ bỏ hạn chế xuất khẩu phân bón của Nga kể từ tháng 6/2022, nguồn cung phân bón ra thị trường sẽ sớm tăng trở lại trong giai đoạn nửa cuối năm. Với nhu cầu về phân bón dự báo đi ngang trong năm 2022 và kịch bản giá dầu thô 65 USD/thùng, giá phân ure dự kiến sẽ giao dịch quanh ngưỡng 400 USD/tấn, tương đồng với diễn biến giai đoạn 2012-2013.
Đối với DPM, năm 2022, KBSV đưa ra kịch bản thận trọng với giá dầu thô ở mức trung bình 65 USD/thùng và giá phân ure giao dịch quanh ngưỡng 400 USD/tấn (giảm 20%). Doanh thu của DPM năm 2022 ước đạt 11.735 tỷ đồng, giảm 8,9% so với năm 2021 và lãi ròng đạt 2.125 tỷ đồng, giảm 33%.
Dự phóng trên đi cùng với với các giả định như sản lượng kinh doanh ure năm 2022 ước đạt 800.000 tấn do không có đợt bảo dưỡng lớn gây gián đoạn sản xuất; sản lượng kinh doanh NPK kỳ vọng ghi nhận tăng trưởng 10%, đạt 176.000 tấn do nhu cầu tiêu thụ phân NPK hoá học vẫn ở mức cao. Theo đó, doanh thu mảng ure và NPK lần lượt đạt 7.452 tỷ đồng và 1.936 tỷ đồng. Giá phân ure đã có dấu hiệu tạo đỉnh và được dự báo sẽ giảm nhanh hơn giá nguyên liệu đầu vào, tương đồng với giai đoạn 2013 - 2014, khiến cho biên lợi nhuận gộp của DPM giảm 20% so với năm 2021.
Quỳnh Dương
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|