Đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2024: Cần động lực chính sách và giải pháp căn cơ

(Banker.vn) Đến hết tháng 4, dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức để thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Nhận diện thách thức tăng trưởng kinh tế năm 2024 và giải pháp Chọn kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024 Tăng trưởng kinh tế năm 2024: Cơ hội từ những chính sách được thực thi

1/3 chặng đường của quý 2 đã đi qua, dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế cũng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức mà nếu không quyết liệt thực hiện và không có những giải pháp căn cơ thì việc chạm tới mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 cũng không hề đơn giản.

Vẫn còn “điểm mờ” trong tăng trưởng...

Những con số tăng trưởng của tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 đã cho thấy nhiều mảng sáng. Theo đó, sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 0,8% so tháng 3 và tăng 6,3% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%). Với khu vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2% so tháng 3 và tăng 9% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 8,5%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,07% so với tháng 3; bình quân 4 tháng tăng 3,93%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 4 ước đạt 61,20 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 238,9 tỷ USD, tăng 15,2%, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%; xuất siêu 8,4 tỷ USD.

Đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2024: Cần động lực chính sách và giải pháp căn cơ
Vẫn còn không ít thách thức trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định rằng, 2024 được xem là năm thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro về kinh tế - chính trị, và những yếu tố này sẽ tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nhìn lại kết quả kinh tế 4 tháng đầu năm để thấy chúng ta đã đi đúng hướng trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của năm 2024, nhưng cũng cần giải quyết một số “điểm mờ” trong tăng trưởng.

Thứ nhất, đó là áp lực lạm phát. CPI tháng 4 tăng gần 1% so với tháng trước và bình quân 4 tháng đầu năm đã tăng 3,93% cho thấy việc kiểm soát lạm phát là điều cần làm ngay để đảm bảo ổn định tăng trưởng vĩ mô. Đồng Việt Nam mất giá so với USD, giá nhiều mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu tăng là nguyên nhân chính khiến chỉ số lạm phát những tháng qua có xu hướng tăng, tiệm cận gần tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm nay là 4 - 4,5% được Quốc hội đề ra.

Thứ hai, đầu tư công vẫn chưa bứt tốc. 4 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công được 16,41% tổng kế hoạch là 689.775,9 tỷ đồng của năm nay; đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và cao hơn mức 15,65% cùng kỳ năm trước. Dù có khởi sắc nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng và nhiệm vụ giải ngân đầu tư công những tháng tới là rất nặng nề, cần tháo gỡ một số vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài liên quan đến cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu...

Thứ ba, các động lực tăng trưởng như đầu tư, xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng chưa thực sự bền vững; tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư của khu vực tư nhân trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; nợ xấu có xu hướng tăng.

... và cần những giải pháp căn cơ, quyết liệt

Từ đầu năm 2024, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. ADB dự báo, năm 2024 Việt Nam tăng trưởng GDP 6%, HSBC dự báo 6,3%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo 6,7%. Đến hết quý 1/2024, một số dự báo tăng trưởng đã được các định chế tài chính này điều chỉnh nhưng vẫn ở mức kỳ vọng là từ 5,5%-6%.

Giải quyết căn cơ những vướng mắc đã được “chỉ mặt đặt tên” để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng của năm nay cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương.

Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường chứng khoán của Vndirect mới đây cũng đưa ra góc nhìn rằng áp lực lạm phát sẽ vẫn ở mức cao ít nhất cho đến cuối quý II/2024 do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông cũng như xung đột Nga - Ukraine kéo dài, dẫn đến giá hàng hóa tăng cao. Nhận định về “nút thắt” lạm phát, một chuyên gia kinh tế cho rằng, có thể xem lạm phát cao như là một "căn bệnh" nguy hiểm đối với sự phát triển của kinh tế của mỗi quốc gia, tuy nhiên áp lực lạm phát của chúng ta từ đầu năm đến nay là có nhưng chưa phải quá lo ngại. Vị chuyên gia này phân tích rằng chúng ta còn công cụ kiểm soát lạm phát thông qua việc kiểm soát tỉ giá và chính sách điều hành lãi suất – đây là một công cụ quan trọng.

“Để kiểm soát lạm phát còn cần tính đến yếu tố tăng lương vào tháng 7 tới, cùng giá nhiều mặt hàng thiết yếu khác có xu hướng tăng theo để có chính sách điều hành vĩ mô phù hợp. Trong đó, cần có kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu để có thể ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường”- vị chuyên gia này khuyến cáo.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tình hình thế giới và trong nước có một số vấn đề cần được đánh giá đầy đủ hơn nhằm nhận diện tình hình chính xác hơn, từ đó xác định giải pháp đúng và trúng cho các tháng còn lại của năm 2024. Trong đó, chính sách giảm lãi suất để giúp giảm áp lực lãi suất và tỷ giá cho nền kinh tế là điều cần thiết.

Liên quan tới đầu tư công, để đạt được mục tiêu còn lại phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm 33.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024 thì giải pháp căn cơ vẫn là sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương để vừa kích cầu trong ngắn hạn lại tạo tiền đề cung cho dài hạn. TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, cần phải tháo gỡ ngay những khó khăn về thủ tục, quy trình trong giải ngân, đặc biệt cần tập trung cho các dự án lớn, trọng điểm quốc gia; phải “bám” vào các Nghị quyết của Chính phủ và Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế đang được nhắc tới chính là đề xuất giảm thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Tài chính. Theo đó, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15, Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội: Xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024) và giao Chính phủ tổ chức, thực hiện.

Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm 2024 sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Cụ thể: Khoảng 4 nghìn tỷ đồng/tháng, trong đó giảm ở khâu nội địa dự kiến là 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng và giảm ở khâu nhập khẩu khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng.

24 nghìn tỷ đồng này trở lại nền kinh tế thông qua kích cầu tiêu dùng, đầu tư được xem là động lực lớn cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế vượt qua áp lực để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2024 diễn ra sáng nay, liên quan tới điều điều hành kinh tế vĩ mô trong những tháng tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; lưu ý không điều hành "giật cục" và chính sách tài khoá phải tích cực hơn; sử dụng các công cụ linh hoạt, uyển chuyển, mềm mại, đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng thu, tiết kiệm chi, áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu (phát huy kinh nghiệm thành công từ áp dụng cho hệ thống bán lẻ xăng dầu); sớm trình cấp có thẩm quyền trong tháng 5 về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng…; xử lý nghiêm các vi phạm. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; "không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương"…

Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục