Đắk Nông: Thêm một trường hợp mắc bệnh Whitmore

(Banker.vn) Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, trên địa bàn xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil vừa ghi nhận thêm một trường hợp mắc bệnh Whitmore.
Đắk Nông: Ghi nhận ca mắc bệnh vi khuẩn “ăn thịt người” Whitmore đầu tiên Thanh Hóa: Xuất hiện 2 bệnh nhi mắc bệnh Whitmore, Sở Y tế ra công văn khẩn

Theo thông tin cho biết, trường hợp mắc bệnh Whitmore tại Đắk Nông là bệnh nhân nam V.V.D., 58 tuổi, trú tại thôn Sơn Thượng, là cán bộ bảo vệ rừng, đang làm việc tại trạm 1, lâm trường Đắk Wil (Cư Jút).

Đắk Nông: Thêm một trường hợp mắc bệnh Whitmore
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai giám sát tại nhà bệnh nhân

Ngày 31/7/2023 bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Cư Jút để khám mắt, tại đây bệnh nhân được chẩn đoán là: Đục thủy tinh thể mắt trái và có chỉ định mổ nên sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên để khám và mổ thay thủy tinh thể. Ngày 2/8/2023 tình hình sức khỏe ổn định nên bệnh nhân được làm thủ tục xuất viện.

Chiều ngày 2/08/2023, bệnh nhân thấy ở vết thương do côn trùng cắn ở đùi bên trái đau nhức nhiều, sưng, tấy đỏ, được người nhà đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk để khám.

Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán là: Áp xe da, nhọt, nhọt cụm do côn trùng cắn không rõ loại/Đái tháo đường typ II. Sau đó bệnh nhân được chỉ định mổ rạch nạo giải thoát mủ trong ổ áp xe, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm từ ổ áp xe làm xét nghiệm định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.

Ngày 5/8/2023 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil tổ chức giám sát tại hộ gia đình bệnh nhân và khu vực nơi bệnh nhân sinh sống.

Qua đó ghi nhận, nguồn nước sinh hoạt của gia đình bệnh nhân là nước giếng khoan cách nhà khoảng 20m. Do là nhân viên bảo vệ rừng nên thường xuyên ở trong rừng ít khi có mặt ở nhà, mỗi lần đi làm đều có bảo hộ (ủng, găng tay, khẩu trang).

Tại thời điểm giám sát tại nhà bệnh nhân cho thấy khu vực quanh nhà không có ao tù, nước động, không chăn nuôi gia súc môi trường sạch sẽ không có yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của bệnh. Trong trạm bảo vệ rừng số 1 Đắk Wil có 4 cán bộ làm cùng bệnh nhân, hiện tại tình hình sức khỏe ổn định không ai có biểu hiện bệnh.

Như vậy, đây là trường hợp mắc bệnh Whitmore thứ 2 ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Trước đó, ngày 20/4, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết đã ghi nhận 1 trường hợp đầu tiên mắc Whitmore (bệnh vi khuẩn ăn thịt người) đầu tiên trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, bệnh nhân là nam giới, tên T.V.S (sinh năm 1957, trú tại thôn 15, xã nam Dong, huyện Cư Jút). Bệnh nhân có khối u vùng đỉnh đầu cách đây hơn 1 năm, có đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán là u mỡ.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Whitmore (tên gọi khác là bệnh Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn B.pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập cơ thể chủ yếu qua da có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B.pseudomallei.

Whitmore tuy là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ cao. Điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm sẽ thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, nên có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore.

Bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương