Đắk Lắk: Quản lý, giám sát mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu

(Banker.vn) Tỉnh Đắk Lắk nỗ lực đưa công tác thiết lập, quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phục vụ xuất khẩu hiệu quả hơn.
Đắk Lắk công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc theo đường chính ngạch Bất ngờ được cấp mã số vùng trồng sầu riêng tại Đắk Lắk: Cơ quan chức năng vào cuộc

Sáng ngày 26/11, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch quản lý, giám sát mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh” nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trọng việc phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng của tỉnh theo quy mô sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Tham dự Hội nghị gồm có lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh cùng các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn.

Tỉnh Đắk Lắk nỗ lực đưa công tác thiết lập, quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn.
Tỉnh Đắk Lắk nỗ lực đưa công tác thiết lập, quản lý, giám sát, phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, Nghị định thư quy định về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc sau gần 4 năm nỗ lực chuẩn bị là một trong những lợi thể rất lớn để sản phẩm sầu riêng của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc rộng lớn, là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, là cơ hội để nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị sầu riêng của Việt Nam trên trường Quốc tế.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ vì các nội dung của Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ. Tỉnh Đắk Lắk được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc phê duyệt 04 mã cơ sở đóng gói sầu riêng và 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng cả nước được phê duyệt), với diện tích 1.500 ha (chiếm 10% diện tích sầu riêng của tỉnh và chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh)

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trọng việc phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng của tỉnh theo quy mô sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, góp phần xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững. UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị lần này.

“Tại Hội nghị này, với những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học và đặc biệt sự chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng và các hộ dân sản xuất tại vùng trồng. Những vấn đề được thảo luận, trao đổi, góp ý tại Hội nghị sẽ là thông tin hữu ích giúp tỉnh đưa vào Kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị triển khai công tác quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu nhằm thúc đẩy phát triển bền vững ngành hàng cây ăn quả theo quy mô sản xuất hàng hoá đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững”, ông Hà cho hay.

Đức Thảo

Theo: Báo Công Thương